Hà Nội

Hoạt động tình dục đối với người bệnh tim mạch

26-12-2018 11:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tình dục là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống, đồng thời đem lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý, sức khỏe.

Tuy nhiên, với người bệnh tim mạch, hoạt động tình dục có khi là nỗi sợ.

Trước đây, do những quan niệm lạc hậu và tâm lý e ngại của người Việt Nam mà hoạt động tình dục không được nhìn nhận dưới góc độ đúng đắn, cũng như hiểu biết đúng về tình dục ít được phổ biến sâu rộng đến người dân, đặc biệt là những kiến thức y khoa về tình dục đối với người mắc bệnh tim mạch. Tuy vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ dưới góc độ nhìn nhận của xã hội, nhưng dưới góc độ chuyên môn y khoa và tim mạch học, hoạt động tình dục của người bệnh tim nhận được quan tâm lớn từ các bác sĩ và được báo cáo tại hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay”do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV. ĐHYD) tổ chức vào ngày 3 và 4/11/2017 tại TP.HCM.

Hoạt động tình dục đối với người bệnh tim mạchBác sĩ đang khám tim mạch cho người bệnh

Cấp cứu do… quan hệ tình dục

Mới đây, BV. ĐHYD TP.HCM vừa cấp cứu thành công cho trường hợp của ông N.H.D, 48 tuổi, ngụ Q. 5, TP.HCM. Ông D. cho biết bản thân mình nghiện thuốc lá và bị mỡ trong máu đã lâu, có những triệu chứng khó thở, đau ngực khi đi bộ lên 2 tầng lầu. Trong một lần quan hệ với vợ mình, ông lên cơn đau tim đột ngột, ngạt thở, mặt mày tím tái. Ông D. được người nhà gấp rút đưa vào BV. ĐHYD cấp cứu và được chẩn đoán suy tim mức độ 2 do bệnh động mạch vành. Tại đây, các bác sĩ đã tích cực hồi sức và cứu sống được ông D. Sau khi phục hồi, ông được bác sĩ BV. ĐHYD giải thích kỹ lưỡng về tình trạng bệnh của bản thân, đồng thời được tư vấn tận tình về chế độ sinh hoạt tình dục phù hợp. Ông cho biết hiện tại bản thân cảm thấy an tâm và hạnh phúc vì vừa có thể bảo vệ sức khỏe bản thân, vừa có thể giữ gìn vẹn toàn hạnh phúc gia đình.

Trường hợp của chị T.T.V, 45 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, sau khi thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành tại BV. ĐHYD, sức khỏe của chị đã phục hồi và giảm thiểu nguy cơ biến cố tim mạch xuống mức thấp. Tuy nhiên, với tâm lý hoang mang, lo sợ thái quá, chị V. dừng mọi sinh hoạt tình dục với chồng vì cho rằng tình dục sẽ khiến bệnh tái phát nặng hơn. Việc “kiêng khem” quá mức này khiến vợ chồng chị thường xuyên bất hòa, thậm chí chồng chị V. còn đe dọa ly hôn khiến chị vô cùng đau khổ. Được sự động viên và giới thiệu của bạn bè, chị V. đã quyết định đến khám và lắng nghe tư vấn của bác sĩ tim mạch tại BV. ĐHYD. Sau đó, chị V. đã hoàn toàn cởi bỏ những lo lắng, mặc cảm, áp lực trong lòng để trở lại cuộc sống thoải mái bên gia đình.

Hoạt động tình dục và tim mạch

Tình dục không chỉ là việc giao hợp đơn thuần, mà là hoạt động liên quan trực tiếp đến nhịp tim và huyết áp. Vì vậy, đối với những người mắc bệnh tim mạch và huyết áp, hoạt động tình dục cần được quan tâm chú ý và có chế độ sinh hoạt khác với người bình thường. Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề này rất ít được các bác sĩtim mạch đề cập và tư vấn cho người bệnh vì tính chất nhạy cảm của nó. Song song đó, đa phần người bệnh tim mạch cũng rất ngại ngùng, xấu hổ khi bản thân gặp trục trặc về sinh hoạt tình dục, nên không thường chủ động đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Thay vào đó, người bệnh sẽ tìm cách giấu giếm các vấn đề tim mạch của mình và cố gắng duy trì sinh hoạt tình dục với chế độ giống người khỏe mạnh, hoặc người bệnh lo sợ sinh hoạt tình dục sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới việc “kiêng cữ” quá mức. Đây là những quan niệm sai lầm vì người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể sinh hoạt tình dục, nhưng cần có chế độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân để không gây ra những biến cố tim mạch. Hoạt động tình dục đúng mức, phù hợp không những giúp duy trì chất lượng cuộc sống và tinh thần tích cực đối với người bệnh, mà còn giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình và đem lại những lợi ích khác cho sức khỏe.

Mô hình: KiTOMI

Dựa trên những khảo sát, nghiên cứu khoa học về hoạt động tình dục trên người bệnh tim mạch, năm 2015, một nhóm các giáo sư, bác sĩ người Canada đã tạo ra mô hình KiTOMI giúp các bác sĩ tim mạch có thể đo lường, xếp loại các mức độ nguy cơ biến cố theo tình trạng sức khỏe của người bệnh từ đó đưa ra những tư vấn chuyên môn, cũng như chế độ sinh hoạt tình dục phù hợp với từng đối tượng. Mô hình KiTOMI tóm tắt quá trình sinh hoạt tình dục bình thường của con người bao gồm các hoạt độngtheo thứ tự tăng dần về mức độ như hôn (Kissing - Ki), vuốt ve âu yếm (Touching - T), quan hệ tình dục bằng miệng (Oral Sex - O), thủ dâm (M - Masturbation) và giao hợp (Intercourse - I). Bên cạnh đó, dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ xếp loại người bệnh vào ba nhóm nguy cơ biến cố tim mạch.

Hoạt động tình dục đối với người bệnh tim mạch

Cụ thể, nhóm nguy cơ cao bao gồm những người có bệnh lý tim mạch không ổn định, người bị suy tim mức độ 3 trở lên với những biểu hiện khó thở, đau ngực dù không gắng sức hoặc gắng sức nhẹ. Nhóm người bệnh có nguy cơ trung bình thường là người bị bệnh tim mức độ 2, có những triệu chứng đau ngực, khó thở khi có những hoạt động gắng sức vừa phải như đi lên 1,2 tầng lầu. Nhóm nguy cơ thấp là những người bệnh bị suy tim mức độ 1, có những cơn đau ngực ổn định hoặc khi gắng sức nhiều, người bệnh cao huyết áp nhưng đã được kiểm soát. Sau khi phân loại tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh vào các nhóm nguy cơ phù hợp, bác sĩ tim mạch sẽ tư vấn cho người bệnh về mức độ sinh hoạt tình dục tương ứng với từng nhóm theo mô hình KiTOMI. Đối với người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao có thể áp dụng mức độ KiT, tức sinh hoạt tình dục chỉ gồm việc hôn (Ki) và vuốt ve (T) bạn tình. Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ trung bình nên áp dụng chế độ KiTOM, nghĩa là được phép thực hiện các hoạt động ở mức KiT và hoạt động quan hệ bằng miệng(O), thủ dâm(M). Mô hình KiTOMI đầy đủ, bao gồm cả việc thực hiện giao hợp (I) sẽ áp dụng cho người bệnh tim mạch được xếp vào nhóm nguy cơ thấp.

PGS.TS.BS. Trương Quang Bình - Phó giám đốc BV. ĐHYD kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV. ĐHYD khuyến cáo: “Người bệnh tim mạch nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những nguy cơ biến cố tim mạch có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, người bệnh không nên cảm thấy e ngại, mặc cảm hay giấu giếm tình trạng của bản thân. Đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, người bệnh tim mạch càng không nên tự ý quyết định mức độ sinh hoạt trước khi có những thăm khám và tư vấn chuyên môn của bác sĩ. Thay vào đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm và nhận được sự tư vấn đúng đắn từ các chuyên gia”.

THU HÀ
Ý kiến của bạn