Hoạt động tiếp công dân không tách rời giải quyết khiếu nại, tố cáo

29-05-2013 22:02 | Xã hội

Ngày 29/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình Dự án luật Tiếp công dân; Báo cáo thẩm tra Dự án luật Tiếp công dân và thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh.

Ngày 29/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình Dự án luật Tiếp công dân; Báo cáo thẩm tra Dự án luật Tiếp công dân và thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Đây là những vấn đề cử tri dư luận đang quan tâm hiện nay.

Hoạt động tiếp công dân không tách rời giải quyết khiếu nại, tố cáo 1Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tiếp công dân.

Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã đọc báo cáo thẩm tra Dự án luật Tiếp công dân, tán thành phạm vi điều chỉnh, đó là tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức theo nghĩa “đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân”. Ông Lý cho biết, có một số ý kiến cho rằng hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan khi tiếp công dân cũng đồng thời trực tiếp giải quyết luôn một số khiếu nại, tố cáo của người dân.

Liên quan đến hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một số nội dung trong Chương VI cũng còn nhiều điểm bất cập như còn nhắc lại một số quy định đã có trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trong khi quy trình tiếp người đến kiến nghị, phản ánh và xử lý các kiến nghị, phản ánh vẫn chưa được quy định rõ. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tiếp công dân là khâu đầu tiên của quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhưng việc phân loại vụ việc chỉ có thể tiến hành sau khi tiếp nhận và xử lý bước đầu nội dung trình bày của người dân. Do đó, Chương VI của Dự thảo Luật chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục tiếp công dân từ việc tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người dân khi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; quyền, nghĩa vụ của các bên; thủ tục tiếp nhận nội dung trình bày trực tiếp của người dân; việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để nắm thông tin về quá trình giải quyết và thủ tục trả lời sau khi có kết quả giải quyết. Việc phân loại, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh cần được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tránh sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật.

Hoạt động tiếp công dân không tách rời giải quyết khiếu nại, tố cáo 2Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu tại hội trường.

Bỏ hay khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị?

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) - vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, kiến nghị là cần bỏ quy định trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị... (Dự thảo nâng từ 10% lên 15%). Nếu còn khống chế thì cần phải tính trên doanh thu thay vì tính trên chi phí. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, cần khống chế 15% trên doanh thu thay vì tính trên chi phí và Ban soạn thảo nên bổ sung quy định lộ trình bỏ mức khống chế này để phù hợp thông lệ quốc tế. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phân tích, với DN lớn thì mức 15% có thể là phù hợp nhưng với DN nhỏ thì mức này là chưa đủ, vì vậy, cần tính trên doanh thu và tương lai để DN tự quyết định. Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cũng chia sẻ: “Về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, với tỷ lệ khống chế cho chi phí quảng cáo và khuyến mại, việc tăng mức khống chế từ 10% lên 15% theo dự thảo là một bước tiến sau rất nhiều than phiền của DN từ khi Luật Thuế thu nhập DN ra đời. Tuy nhiên tôi cho rằng, chúng ta có thể làm tốt hơn, tôi không cho rằng việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập DN vào ngân sách. DN buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập DN phải nộp. Thực tế, những DN trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số DN không cần chi nhiều. Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các DN của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này”.

TSCT

Cần sửa đổi luật để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Hoạt động tiếp công dân không tách rời giải quyết khiếu nại, tố cáo 3

PV: Xin ông cho biết tại sao cần phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành?

Đại biểu Trần Du Lịch: Tôi nghĩ cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế TNDN vì một số lý do sau, thứ nhất là liên quan đến thuế suất. Theo Dự thảo Luật, mức thuế suất TNDN phổ thông sẽ giảm từ 25% xuống 22% vào năm 2014 và đến năm 2016 sẽ giảm xuống còn 20%. Tôi cho rằng, phương án này là hợp lý, bởi vì hiện nay rất nhiều DN làm ăn lỗ, không có tiền đóng thuế. Chính vì vậy, việc giảm thuế suất từ năm 2014 và năm 2016 sẽ tạo yếu tố tâm lý tốt cho các đầu tư mới và tạo ra hướng làm ăn lâu dài cho DN. Việc giảm theo lộ trình này vừa không làm giảm đột ngột nguồn thu, vừa hướng tới động viên DN, để DN thấy rằng, bây giờ đầu tư làm ăn đến năm 2016 thuế suất còn 20% là mức thuế tương đối cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Thứ hai quy định về ưu đãi thuế đối với DN đầu tư mở rộng. Tôi ủng hộ phương án như trong Tờ trình của Chính phủ, nghĩa là nếu một DN không lập pháp nhân mới mà xây dựng một nhà máy mới do DN đó quản lý gọi là mở rộng đầu tư thì cũng được hưởng chính sách miễn giảm thuế. Tôi cho rằng, quy định miễn giảm thuế cho DN đầu tư mở rộng sẽ khuyến khích DN, đặc biệt là DN nước ngoài vào mở rộng đầu tư mà không phải lập pháp nhân mới, song đương nhiên cần phải có sự kiểm soát theo các quy định như trong luật.

PV: Dự thảo Luật Thuế TNDN lần này cũng bổ sung việc ưu đãi thuế đối với các DN có dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (KCN) (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi), quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Du Lịch: Theo quan điểm của tôi thì cần cân nhắc kỹ về quy định này. Bởi vì, nếu mục đích chúng ta muốn khuyến khích DN sản xuất tại KCN để xử lý vấn đề môi trường, vấn đề chất thải, cung cấp dịch vụ... để tránh việc đầu tư bên ngoài KCN hiện nay không kiếm soát được, thì chính sách ưu đãi trong KCN không nên phân biệt địa bàn. Đây không phải là chính sách ưu đãi khó khăn cho vùng sâu, vùng xa mà là chính sách để DN vào KCN cảm thấy có lợi hơn ở ngoài KCN. Thực tế hiện nay, ở nhiều tỉnh miền Trung xây dựng rất nhiều KCN nhưng nhiều DN vẫn cứ làm bên ngoài, không vào KCN, dẫn đến hậu quả là không giải quyết được vấn đề môi trường, vấn đề an sinh mà trong tương lai khi đô thị hóa lại phải di rời. Chính tại TP.HCM đã từng phải di rời hơn 1.000 DN hoạt động bên ngoài KCN. Tôi đề nghị, chính sách này nên áp dụng rộng rãi cho tất cả các địa bàn.

Anh Tuấn (lược ghi)

 
Ý kiến của bạn