Hoạt động thể chất để bảo vệ trái tim

22-03-2020 21:40 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Hoạt động thể chất chính là món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dành cho trái tim.

Trên thực tế, sự kết hợp giữa luyện tập thường xuyên cùng với chế độ ăn uống lành mạnh là một kế hoạch bảo vệ sức khỏe tuyệt vời, giúp chống lại các bệnh tim mạch.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch đã khẳng định rằng, tập thể dục có tác dụng mạnh mẽ tương tự như một số loại thuốc bổ trợ. Lợi ích của tập luyện cho sức khỏe tim mạch có thể dễ dàng nhận thấy như:

Tập thể dục giúp giảm huyết áp và mỡ máu: Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề về tim mạch. Việc luyện tập thể dục có tác dụng như một loại thuốc giúp làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp (khi nghỉ ngơi và cả khi tập thể dục). Việc tập luyện thể thao thường xuyên sẽ làm giảm các thành phần mỡ có hại trong máu (LDL hoặc cholesterol toàn phần), làm tăng các thành phần mỡ có lợi (HDL), nhờ đó làm giảm tiến triển của xơ vữa động mạch.

Giúp kiểm soát đường huyết: Tiểu đường là một bệnh mạn tính, có thể gây rối loạn và làm suy yếu các chức năng của một số cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim mạch. Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim. Khi tập luyện thường xuyên như đạp xe, đi bộ nhanh hoặc bơi lội có thể giảm hơn 50% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các biến chứng tim mạch do tiểu đường.

Giảm stress: Hormon căng thẳng tạo thêm nhiều áp lực cho tim, nó được ví như “kẻ giết người thầm lặng” và gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe tim mạch nếu bạn bị stress trong một thời gian dài. Các bài tập thể dục như aerobic, chạy bộ, tập tạ hoặc yoga sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi, từ đó ngăn ngừa được các cơn đau tim thứ phát.

Là chìa khóa giúp kiểm soát cân nặng: Tình trạng thừa cân béo phì không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, sinh hoạt của người bệnh, mà còn tác động tiêu cực tới tim mạch. Thân hình vượt quá số cân nặng bình thường sẽ gây căng thẳng và áp lực cho tim, nó là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim và đột quỵ. Hoạt động thể chất kết hợp với một chế độ ăn uống thông minh sẽ là một phần thiết yếu giúp bạn giảm cân và kiểm soát cân nặng. Điều này cũng giúp tối ưu hóa sức khỏe của tim.

Tập thể dục tăng cường cơ bắp: Sự kết hợp của các bài tập và rèn luyện sức mạnh được coi là rất tốt cho sức khỏe của tim. Những bài tập này giúp cải thiện khả năng của cơ bắp để lấy ôxy từ máu lưu thông, giúp tim hoạt động đỡ vất vả hơn khi bơm máu.

Bơi lội và đi bộ vừa sức giúp kiểm soát bệnh tim mạch.

Bơi lội và đi bộ vừa sức giúp kiểm soát bệnh tim mạch.

Bơi lội và đi bộ vừa sức giúp kiểm soát bệnh tim mạch.

Những môn thể thao tốt cho người bệnh tim mạch

Đi bộ: Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để đi bộ có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Hay khi bỏ ra 3 tiếng/ tuần để đi bộ thì nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ giảm được 35%.

Aerobic: Đây là một loại hình tập luyện không quá nặng và không cần nhiều sức nên an toàn đối với người bệnh tim mạch. Nên tập luyện khoảng 20-25 phút mỗi buổi tập và nên tập những bài tập nhẹ nhàng khoảng 5 buổi/tuần. Bên cạnh đó cũng nên chú ý không nên tập những bài tập mang tính đột ngột bởi chúng sẽ khiến tim phải hoạt động nhiều hơn.

Đạp xe đạp: Có thể cải thiện sự dẻo dai cho cơ bắp, đồng thời còn giúp tăng sức bền cho tim, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất. Với những bệnh nhân tim mạch, việc đạp xe tại nhà với máy tập sẽ là phương pháp tập luyện an toàn hơn cả.

Yoga: Là hình thức tập luyện tốt cho người bệnh tim mạch, tác động tốt tới tâm lý, tạo sự lạc quan và tự tin cho người tập.

Chạy bộ: Là cách tập luyện rất tốt cho người bệnh tim. Mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần nhưng vừa sức và đều đặn. Khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi dừng hẳn.

Bơi lội: Tham gia bơi lội đều đặn làm cho các khớp hoạt động tốt hơn, do đó rất tốt cho người bị bệnh khớp mạn tính, đau lưng. Bơi lội thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, kiểm soát tăng huyết áp và lượng cholesterol trong cơ thể. Khi bơi lội có thể giúp gia tăng lượng máu và ôxy cung cấp tới phổi và các cơ bắp, tăng cường hoạt động của hệ tim mạch, duy trì huyết áp luôn ở mức tốt cho cơ thể. Tùy theo tình trạng sức khỏe mà mỗi người có thể lựa chọn cho mình kiểu bơi, tốc độ bơi và thời gian bơi.

Luyện tập thế nào cho phù hợp?

Người bệnh tim mạch cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện với cường độ phù hợp. Trước mỗi lần luyện tập cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ - xương - khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động. Bệnh nhân tim mạch cần tập luyện với cường độ vừa phải, không nên đặt ra những mục tiêu quá sức. Cần lưu ý đến những dấu hiệu vận động quá sức. Nếu cảm thấy chế độ tập luyện quá nặng nên giảm cường độ tập luyện. Trong khi tập, nếu có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, đau nhức cơ xương hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm, cần đến bác sĩ kiểm tra.

Thời tiết cũng là yếu tố người bệnh cần chú ý. Vận động ở thời tiết có độ ẩm cao làm mau mệt. Vận động trong thời tiết quá nóng hay quá lạnh đều có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực, có thể khiến huyết áp dao động, không ổn định và có thể là yếu tố khởi phát cho những cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.


BS. Minh Trung
Ý kiến của bạn