Hoạt động của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam trong giai đoạn phòng chống COVID-19

30-08-2021 09:55 | Y tế
google news

Được sự cho phép của Ban Đối Ngoại Trung ương và Bộ Y tế, trong 4 ngày vừa qua (từ ngày 19 đến 22/8/2021) Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam (VSRNM) đã tổ chức thành công hai Hội nghị khoa học chuyên ngành Điện quang và Y học hạt nhân:

1. Hội nghị Chẩn đoán hình ảnh Tim mạch Châu Á lần thứ 14 (ASCI-2021) do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức đã diễn ra trong ba ngày 19-21/8/2021.

2. Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 22 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt nam (VSRNM-22) diễn ra vào ngày 22/8/2021.

Hội nghị Chẩn đoán hình ảnh Tim mạch Châu Á lần thứ 14 (ASCI-2021)

Đây là hội nghị khoa học chính thức được tổ chức hàng năm của Hội Chẩn đoán hình ảnh Tim mạch Châu Á (The Asian Society of Cardiovascular Imaging- ASCI) luân phiên trong các nước Châu Á. Hội nghị lần thứ 14 này do Việt Nam đăng cai năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, do đó đã hoãn lại sang năm nay 2021.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp đặc biệt các quốc gia Châu Á, Ban Lãnh đạo Hội nghị quyết định tổ chức theo hình thức trực tuyến với đầu cầu điều phối gốc tại Hà Nội và hai điểm cầu tại Huế và TP. Hồ Chí Minh.

photo-1630291735110

Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội nghị ASCI-2021 tại Việt Nam của PGS. TS. Hoàng Minh Lợi.

Hội nghị thu hút trên 1.000 đại biểu đăng ký tham dự, là các bác sĩ, chuyên gia thuộc chuyên ngành Điện quang, Tim mạch của Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là các quốc gia Châu Á.

Tham gia trình bày tại hội nghị có gần 150 chuyên gia - nhà khoa học, báo cáo viên đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như; Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… cùng trên 100 chuyên gia ở các chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, Y học hạt nhân và Tim mạch của nước chủ nhà Việt Nam.

So với hội nghị lần thứ 13 (tổ chức vào năm 2019 tại Đài Bắc – Đài Loan), hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh Y học trên toàn thế giới có sự thay đổi mang tính "bước ngoặt lịch sử với tác nhân chính là dịch COVID-19". Đó là, cần có phương pháp tiếp cận bình thường mới trong thách thức mới. Nội dung chính của Hội nghị hướng đến Chẩn đoán, cách phòng tránh và can thiệp điều trị bệnh Tim mạch.

Chính vì vậy tại Hội nghị trực tuyến ASCI-2021, nhiều báo cáo đã bắt đầu tiếp cận với vấn đề y học mang tính cập nhật mới nhất về chẩn đoán, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, hướng xử lý bệnh tim mạch.

photo-1630291739235

Tham gia điều hành và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến lần thứ 14 ASCI của Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh Tim mạch châu Á (ASCI): GS. Yung Liang Wan (Đài Loan).

Ban tổ chức đưa ra thông điệp mang tính định hướng: Triển vọng tương lai của chuyên ngành hình ảnh Tim Mạch: Cơ hội và thách thức. Đây vừa là thông điệp vừa là cảnh báo mang tính định hướng mà ban tổ chức gửi tới các nhà khoa học, bác sĩ nhân viên y tế trong chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh tim mạch ở hiện tại và tương lai. Những vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh tim mạch; ngoài các bệnh nhân tim mạch như lâu nay thường gặp, hội nghị nhấn mạnh bệnh nhân COVID-19 ảnh hưởng đến cơ tim và mạch máu, Cách tiếp cận mới với ttuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch. Đây là những vấn đề mới, mang tính thời sự cần nghiên cứu. Hiện nay toàn cầu đã có trên 200 triệu người mắc COVID-19 số lượng còn có thể tăng mạnh trong tương lai.

Kết thúc ba ngày hội nghị, với 29 phiên Hội thảo khoa học chuyên đề, gồm các bài giảng – báo cáo khoa học về các kỹ thuật Siêu âm, Cắt lớp vi tính, Cộng hưởng từ và Y học hạt nhân liên quan bệnh lý Tim mạch; Các báo cáo được trình bày song song trên 3 kênh khác nhau với 212 chủ đề trong đó có 166 chủ đề của các chuyên gia nước ngoài và 66 của các chuyên gia Việt Nam. Các đại biểu đã được lắng nghe một cách toàn diện những bài giảng, báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước. Phương pháp tiếp cận mới đang cần sự nỗ lực hợp tác cùng trao đổi và hoàn thiện của các chuyên gia trong Hội ASCI cũng như các Hội tim mạch khác trên toàn thế giới như .

Hội nghị bế mạc lúc 16h00 ngày 21/8 và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ đăng cai hội nghị ASCI lần thứ 15, năm 2022.

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 22 (VSRNM 22)

Theo chương trình Hội nghị khoa học thường niên của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam được tổ chức hàng năm, tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19 nên kế hoạch tổ chức năm 2020 bị hủy.

Hội nghị thường niên 2021 diễn ra trong ngày 22/8 ngay sau khi Hội tổ chức thành công Hội nghị ASCI lần thứ 14. Hội nghị đã thu hút hơn 2000 đại biểu, hội viên, bác sĩ kỷ thuật viên chuyên ngành điện quang và Y học hạt nhân đăng ký tham dự. Tại Hội nghị đón nhận 25 bài giảng của các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng 50 báo cáo khoa học được trình bày theo hình thức Hội nghị trực tuyến.

photo-1630291741016

Phát biểu khai mạc Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 22 của Chủ tịch Hội Điện quang – Y học hạt nhân Việt Nam: GS.TS. Phạm Minh Thông.

Dù trong thời gian cao điểm của phòng chống dịch, nhiều hội viên, đại biểu đăng ký tham dự, và trình bày báo cáo tại Hội nghị, song do nhiệm vụ phòng chống dịch nên không trực tiếp tham dự. Để khắc phục hoàn cảnh, ban tổ chức đã tạo điều kiện để các báo cáo viên có thể trình bày báo cáo trước và ghi hình gửi về Ban tổ chức, vì vậy các bài giảng, báo cáo được diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều đặc biệt là nhiều báo cáo được ghi hình tại các bệnh viện dã chiến chống dịch, nơi điều kiện rất khó khăn, và sự quá tải của công việc nhưng các đại biểu, báo cáo viên đã nỗ lực khắc phục để đảm bảo chất lượng chuyên môn của Hội nghị.

Với chủ đề: An toàn điện quang trong giai đoạn COVID-19. Đây là thông điệp mà Ban tổ chức Hội nghị, Ban chấp hành Hội gửi tới toàn thể Hội viên, bác sĩ - kỹ thuật viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong nhận thức và thực hành công việc để đảm bảo an toàn cho mình, cho bệnh nhân và an toàn thiết bị.

Các bài giảng, báo cáo trình bày tại hội nghị đã được ban tổ chức sàng lọc, tuyển chọn để đem tới hội nghị những thông tin hữu ích nhất đặc biệt là các báo cáo cập nhật phương pháp tiếp cận mới trong chẩn đoán, phân tích hình ảnh có liên quan tới COVID-19. Những bài giảng của các chuyên gia tới từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của hội nghị.

Trong phiên khai mạc, bế mạc hội nghị, GS.TS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài nước, các báo cáo viên, đại biểu, Hội viên đã khắc phục điều kiện khó khăn của dịch bệnh để tham dự hội nghị đông đủ. Đặc biệt, GS. Phạm Minh Thông gửi lời tri ân tới các báo cáo viên, hội viên đang ở nơi tuyến đầu chống dịch đã nỗ lực khắc phục khó khăn gửi các báo cáo cũng như tham dự đầy đủ góp phần làm nên thành công hội nghị.


PV
Ý kiến của bạn