Hoảng với “ma trận” ngôn ngữ tuổi teen

26-04-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có lẽ chưa bao giờ ngôn ngữ teen Việt lại đáng báo động như hiện nay. Nếu vô tình vào facebook, các diễn đàn mạng xã hội hay nhận được tin nhắn của một 9X...

Có lẽ chưa bao giờ ngôn ngữ teen Việt lại đáng báo động như hiện nay. Nếu vô tình vào facebook, các diễn đàn mạng xã hội hay nhận được tin nhắn của một 9X, 10X nào đó, không ít người sẽ phải giật mình vì cảm giác như lạc vào thế giới hoàn toàn khác. Chữ viết tắt vô tội vạ, những biểu tượng thời @ và cả những biến dạng chữ viết được sử dụng tràn lan. Chẳng biết sự trong sáng của tiếng Việt sẽ ra sao trong vài chục năm nữa?

Những con chữ nổi loạn

Một trào lưu rất rõ trong cách sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay là viết tắt. Ví dụ, chữ “không” được viết thành “ko”, “k”, “kg”; chữ “nhưng” viết thành “no”, “nhg”, “tình yêu” thành “tizh iu”, “buồn lắm” thành “pùn lém”… Viết tắt để tốc ký bài giảng hay ghi nhanh để nhớ một sự kiện nào đó không hề xấu nhưng sẽ rất tồi tệ nếu nó được sử dụng tràn lan, mọi lúc mọi nơi.

Ngôn ngữ teen đang đe dọa sự trong sáng của tiếng Việt.

Một cách khác cũng được nhiều bạn trẻ sử dụng nhằm tiết kiệm thời gian là dùng ngôn ngữ nước ngoài để viết tắt. Ví dụ trong tiếng Anh, chữ “hoặc” thành “or”, chữ “của” là “of”, chữ “nhưng” thành “but”… Ngay cả những từ tiếng Anh cũng được viết tắt tràn lan. “Hi!” (xin chào) được viết thành “2!”, “PLZ” (làm ơn) là viết tắt của “please”, “OMG” là viết tắt của “Oh My God” (chúa ơi), “G9” là viết tắt của “Good night” (chúc ngủ ngon), “WC” là từ viết tắt của “Welcome” (chào mừng)… Trào lưu mượn âm và nghĩa tiếng Anh để diễn tả ý tiếng Việt kiểu nổi loạn được coi là những sáng kiến “siêu cao thủ”. Ví dụ: cụm từ “No four go” được hiểu theo ngôn ngữ teen là “Vô tư đi”. Tương tự như vậy, “no table” được hiểu là “không bàn”, “like is afternoon” có nghĩa “thích thì chiều”, “sugar you you go” là “đường ai nấy đi”…

Cuộc sống thường nhật hiện nay, nhiều teen đã làm biến dạng ngôn ngữ khiến câu chữ trở nên khó đọc, khó hiểu. Họ lấy con số thay cho chữ mà không có một nền tảng cơ sở nào. Ví dụ, chữ “e” là số 3, “a” là số “4”. Với một câu hỏi đơn giả như: “Cậu làm gì thế?” sẽ được viết thành: “Ca^u la\m gi’ the^”, “Chúc chị vui vẻ” sẽ được viết là “Chut chi dzui dze”, “Hôm nay em buồn quá” thường được viết thành “Hum ney em bun wa :(”, “Tôi đâu có lỗi gì cơ chứ” sẽ có “biến dạng” là: “To^i da^u co’ lo^~i gi\ co’ chu’/” hay “3m hj~u chi’t lj’n” có nghĩa là “Em hiểu chết liền”… Bên cạnh đó, teen Việt cũng rất thích sử dụng biểu tượng để chen vào giữa hoặc cuối câu như cách để thể hiện cảm xúc của mình: “<3” là yêu; “*” là hôn, “$_$” là bao nhiêu tiền, “@ @” có nghĩa ám chỉ đến những người đeo kính… Không chỉ trong tin nhắn, blog, diễn đàn hay forum, trên các mạng xã hội, cách sử dụng ngôn ngữ trên cũng rất phổ biến. Điều đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ lại coi đó là cách thể hiện cá tính, “vành đai” an toàn để họ có thể đối phó với cha mẹ, thầy cô giáo.

Một trào lưu nữa cũng rất đáng bàn trong giới trẻ là sử dụng tiếng lóng, chêm vào câu nói nghe rất bậy bạ như “vãi”, “củ chuối”, “bó tay”... Đáng xấu hổ là những lời bậy bạ này lại được phát ra từ miệng những cô cậu học trò, trong lời đối thoại, chia sẻ trên mạng xã hội. Chưa hết, cách sử dụng ngôn ngữ teen thậm chí còn làm sai lệch nghĩa đen vốn có của nhiều từ. Ví dụ, từ “thím” vốn được sử dụng chỉ vợ của chú (em trai bố) thì nay được sử dụng để chỉ những thanh niên ngoa ngoắt; từ “thánh” trên mạng xã hội dùng để chế giễu ai đó hoặc than vãn (thánh nhọ); từ “chém gió” thường được dùng để diễn tả hành động vô nghĩa thì nay được dùng chỉ người thiếu hiểu biết, nói phét hay ý nói chuyện tào lao (trà chanh chém gió vỉa hè); từ “ném đá” giờ được dùng để chỉ hành động phản đối ai đó…

Ngôn ngữ teen từng vào một đề thi lớp 9 (được cho là ở một huyện của tỉnh vùng Tây Nguyên) gây xôn xao cư dân mạng.

Gỡ rối từ đâu?

Có lẽ không quá lời khi nói rằng ngôn ngữ teen đang đe dọa sự trong sáng của tiếng Việt. Theo quy luật xã hội, cái gì không phù hợp chắc chắn sẽ bị đào thải và ngôn ngữ teen cũng có thể chỉ là một trào lưu nào đó trong rất nhiều trào lưu đang tồn tại song hành với sự phát triển của giới trẻ Việt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không cần định hướng hay có bất cứ động thái nào với ngôn ngữ teen. Chúng ta phải ý thức được rằng, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cần sự chung tay của toàn xã hội. Một thực tế, không ít trang mạng xã hội là nơi “sáng tạo”, phổ biến, tuyên truyền ngôn ngữ teen. Sự bùng nổ của internet khiến giới trẻ có cơ hội “thoát” khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, thầy cô. Sự du nhập văn hoá ngoại lai khiến giới trẻ lầm tưởng rằng “ngôn ngữ teen” cho phép thể hiện cá tính với bạn bè thế giới mà không nhận ra mình đang làm xấu hình ảnh chính mình, nói rộng ra là hình ảnh đất nước. Nếu ngôn ngữ teen không được kiểm soát, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Đó không còn là sự biến dạng ngôn ngữ mà còn là sự biến dạng cách nghĩ, cách sống. Khi làm biến dạng ngôn ngữ, giới trẻ không còn nhận ra ngôn ngữ chính bản sắc, nét đẹp, niềm tự hào của mỗi dân tộc. Hãy sử dụng tiếng Việt một cách trong sáng như nó vốn có bởi đó cũng chính là cách thể hiện tình yêu với cội nguồn văn hoá của dân tộc.

Tường Phạm

 

 

 

 


Ý kiến của bạn