MV ‘Lẽ nào quên em’ của Lê Thanh Phong được phát hành trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống COVID-19. Lại ý nghĩa hơn vì đây là sản phẩm âm nhạc nghệ sĩ trẻ muốn tri ân các thế hệ cha anh nhân ngày thương binh liệt sĩ (27/7).
PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với “Hoàng tử ví, giặm” Lê Thanh Phong.
Kể câu chuyện thật của nhà thơ Phạm Tiến Duật
Lê Thanh Phong vừa ra mắt MV Lẽ nào quên em. Anh có thể chia sẻ về quá trình làm MV này được không? Đâu là lý do anh thực hiện MV này?
Nghệ sĩ trẻ Lê Thanh Phong: Tôi rất thích lịch sử. Đặc biệt rất thích truyền tải thông điệp, hay câu chuyện lịch sử qua mỗi sản phẩm âm nhạc. Mỗi dịp đến những ngày lễ trọng đại, hay dịp kỷ niệm lịch sử nào đó thì tôi luôn cố gắng để ra mắt sản phẩm âm nhạc phù hợp như sinh nhật Bác Hồ thì có MV “Nhớ mẹ làng Sen”, Ngày Xô viết Nghệ tĩnh thì có MV “Tiếng hát sông Lam”, 30/4 thì có MV “Miền Nam trong tim Bác”. Và dịp này đến ngày tri ân anh hùng thương binh liệt sỹ, tôi lại làm MV ca nhạc “Lẽ nào quên em”.
Lê Thanh Phong hát Lẽ nào quên em
Đây là một bài hát rất ý nghĩa, với lời thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhạc sĩ Quốc Nam phổ nhạc. Bài hát dựa trên câu chuyện có thật của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông cùng đồng đội lái xe qua ngã ba Đồng Lộc những năm chiến tranh ác liệt. Vì sợ máy bay ném bom nên phải tắt đèn xe, tất cả đi trong sự chỉ dẫn của các o thanh niên xung phong, đêm tối mịt không thể nhìn thấy nhau, chỉ cảm nhận bằng giọng nói và câu hỏi thân thương “em quê ở đâu ?”.
O thanh niên xung phong vừa e ấp, vừa trêu đùa nhà thơ “em quê ở Thạch Nhọn đố anh biết ở mô!”. Hóa ra cô ấy là người xã Thạch Kim (Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mà lại trêu đùa nhà thơ là Thạch... Nhọn. Sau này vào những ngày cuối đời nhà thơ Phạm Tiến Duật điều trị tại bệnh viện 108, o thanh niên xung phong năm xưa đã ra thăm và đến bên giường bệnh khẽ gọi “Anh ơi! Em là người năm xưa trêu anh Thạch Nhọn, Thạch Kim đây...”.
MV Lẽ nào quên em của "Hoàng tử ví giặm" Lê Thanh Phong
Cảm xúc của anh khi hát Lẽ nào quên em?
MV “Lẽ nào quên em” tôi đã ấp ủ cách đây 15 năm rồi. Năm 2008 tôi mới là học sinh lớp 8, khi được nhạc sĩ Quốc Nam gọi điện ra báo cho cả nhà tối mở tivi nghe tác phẩm mới của bác trong chương trình kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đồng Lộc. Tôi đã rất thích và xúc động khi nghe bài hát này. Đến hôm nay khi đã trưởng thành, tôi mới thực hiện phối bài, thu thanh ca khúc này. Vì dịch COVID- 19 đang phức tạp nên tôi không thể quay hình ngoại cảnh tại ngã ba Đồng Lộc được, đành quay tại studio, có sử dụng tư liệu phim truyện “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh để minh họa cho MV thêm chân thực, sinh động và cảm xúc.
Khi hát, tôi tưởng tượng về một thời hoa lửa năm xưa ấy và từ cả câu chuyện của bố mẹ từng là lính nơi chiến trường, nên tôi rất xúc động và thả từng câu hát nắn nót, đẩy cảm xúc nhiều hơn kỹ thuật.
Chọn nhạc dân tộc vì đây là tài sản dân tộc
Lê Thanh Phong được biết đến nhiều hơn ở dòng nhạc dân gian, dân tộc. Tại sao anh lại chọn dòng nhạc này mà không phải nhạc thị trường vốn hút người xem, người nghe?
Cũng nhiều người hỏi Phong như thế. Khi xã hội phát triển, du nhập nhiều loại hình văn hóa, trào lưu âm nhạc vào đất nước nếu biết chọn lọc thì rất tốt, rất hay và thị hiếu người trẻ thì hay theo cái mới.
Nghệ sĩ trẻ Lê Thanh Phong đã có nhiều năm gắn với âm nhạc dân tộc
Nhưng Phong chợt nghĩ một câu nói rằng dân ca là tài sản dân tộc, có phải chỉ người già hát đâu mà cách đây hàng trăm năm, hay hàng chục năm lại đây thôi dân ca do người trẻ hát trong lao động, giao duyên... Thời gian trôi qua, lớp người trẻ ngày xưa đã trở thành nghệ nhân già hát dân ca trong hoài niệm, nên ai cũng nghĩ dân ca của người già. Tự Thanh Phong thấy trách nhiệm của người trẻ ngoài đón nhận cái mới thì mình phải nâng niu và biết hát dân ca cổ nữa. Tôi là người Vinh, Nghệ An - quê hương của ví giặm nên đã ngấm lời hát ví của mẹ của bà từ bé. Cộng thêm một thực tế là chất giọng bẩm sinh rất hợp với dân ca, hay ca khúc âm hưởng dân gian. Nên tôi đã quyết tâm theo đuổi dòng nhạc này.
Anh nghĩ gì về dòng nhạc dân gian, nhất là các ca khúc về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc?
Tôi cho rằng mỗi khúc dân ca cổ, hay các bài hát về anh hùng liệt sĩ luôn để lại nhiều cảm xúc cho người nghe, bởi ngoài giá trị nghệ thuật giải trí, còn chứa đựng cả một ý nghĩa to lớn, nội dung giáo dục lịch sử giàu cảm xúc nhất. Cả người hát và người thưởng thức sẽ có chung một nhịp đập một tấm lòng tri ân sâu nặng.
Trong những ngày giãn cách xã hội, Lê Thanh Phong có kế hoạch, dự định gì trong sáng tạo nghệ thuật không?
Những ngày dịch thế này thì tôi vẫn nghiêm túc thực hiện đúng chủ trương giãn cách xã hội mà Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó sẽ ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để biểu diễn một cách gián tiếp là hát online, hay up bài lên các trang mạng để khán giả có thể cùng thưởng thức nghệ thuật.
Thời gian này tôi cũng tập trung nhiều hơn cho việc viết kịch bản ca kịch và soạn lời mới cho dân ca xứ Nghệ nữa. Mong một ngày hết dịch để mọi người có thể hoạt động trở lại và nghệ sĩ sẽ được lên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả nhiều hơn.
Cảm ơn "Hoàng tử ví giặm" về cuộc trò chuyện này. Chúc anh sẽ có nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật, đặc biệt là sự an lành trong những ngày này.
Các sản phẩm nghệ thuật của Lê Thanh Phong có: Album Ân tình Ví giặm, Tiếng thơ song ca (cùng NSƯT Minh Phương), MV Bác ơi (ngâm thơ).
Lê Thanh Phong còn là biên kịch và Tổng Đạo diễn các chương trình nghệ thuật: Xuân qua miền ví giặm (2017), Dòng sông chở những câu hò (2019), vở ca kịch “Dâng Người câu hát quê hương” Truyền hình QPVN.