Hoàng tinh còn gọi là củ cơm nếp, khinh lài. Trước khi chế biến thường luộc để loại ngứa. Theo Đông y, hoàng tinh vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, thận và phế. Có tác dụng bổ âm ích khí, nhuận phế kiện tỳ, cường kiện cân cốt. Dưới đây xin giới thiệu một số cách chữa bệnh từ hoàng tinh.
Cách dùng hoàng tinh làm thuốc:
Nhuận phổi dịu ho: hoàng tinh 20g, bắc sa sâm 8g, ý dĩ nhân 12g. Sắc uống. Trị lao phổi mới mắc, sốt nhẹ, ho. Hoặc hoàng tinh 40g, bạch cập 20g, bách bộ 20g. Thái phiến, phơi khô, tán bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 3 lần, mỗi lần 8g. Trị lao phổi, ho ra máu.
Hoàng tinh. |
Một số món ăn - bài thuốc có hoàng tinh:
Hoàng tinh kỷ tử pha rượu: hoàng tinh 2kg, xương truật 2kg, kỷ tử 250g, trắc bách diệp sao 250g, thiên môn 1,5kg. Tất cả nấu, cô đặc dạng cao lỏng, để sẵn. Khi ăn trộn với bột nếp, xôi, men bia hoặc rượu nếp cái. Có tác dụng bổ dưỡng gân xương, bổ thận, cố tinh, làm đen nhuận râu tóc.
Gà hầm hoàng tinh đảng sâm sơn dược: hoàng tinh 30g, đảng sâm 30g, sơn dược 30g, gà giò 1 con. Gà làm sạch, hầm với dược liệu. Dùng cho các trường hợp ăn kém, suy nhược cơ thể.
Thịt lợn hầm hoàng tinh: thịt lợn nạc 150g, hoàng tinh 15 - 30g. Nấu nhừ ăn. Dùng cho bệnh nhân lao phổi suy kiệt.
Hoàng tinh chế đường phèn: hoàng tinh tươi 60g, đường phèn 30g. Nấu nhừ ăn. Dùng cho bệnh nhân lao phổi, khái huyết, khí hư, huyết trắng.
Cháo hoàng tinh: hoàng tinh 15 - 30g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ. Hoàng tinh nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nước thuốc nấu thành cháo, khi ăn thêm chút đường (hoặc muối). Dùng cho bệnh nhân tỳ vị hư ăn kém, phế hư ho khan dài ngày.
Kiêng kỵ: người có chứng đàm thấp, tỳ hàn, tiêu chảy không được dùng.
Cần tránh nhầm với cây củ dong, cũng gọi là hoàng tinh (Maranta arundinacea L), thuộc họ dong (Marantaceae). Tinh bột của rễ củ dong thường được gọi là bột hoàng tinh.
TS. Nguyễn Đức Quang