Hoàng thành Thăng Long hiện là điểm du lịch quen thuộc thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nhìn từ ngoài vào, di tích luôn trang nghiêm, lộng lẫy và cổ kính. Tuy nhiên, một cuộc họp trong tháng 7 vừa qua đã được khẩn cấp tổ chức với sự có mặt của đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại diện Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và Hội Khảo cổ Việt Nam để bàn về việc một phần diện tích Hoàng thành Thăng Long đã bị xâm phạm, bị phá huỷ nghiêm trọng.
Hoàng thành Thăng Long bị xâm hại.
Lỗi đó xảy ra trong quá trình thi công tại khu di tích Hoàng thành. Cụ thể, phần di sản bị trực tiếp phá hủy nghiêm trọng có diện tích khoảng 700m2, chạy dọc theo 2 hướng Đông và Bắc của Nhà Quốc hội và thuộc khu C, D của Hoàng thành. Ở đoạn này, một bức móng tường bằng bê tông cốt thép đã được xây dựng với độ sâu 3,4m cùng một số đoạn đường ống thoát nước đào sâu... Những cái hố quá sâu khi thi công đã gây ảnh hưởng tới những hố được khai quật trước đây gây nên việc ngập nặng và chắc chắn sẽ làm hỏng các di tích. Theo nguyên tắc bảo tồn, việc xử lý các hố khai quật bị ngập sẽ trải qua nhiều công đoạn như hút nước, xử lý chống ẩm triệt để, chụp mặt cắt 3D và lấp cát bảo quản. Tuy nhiên, các công đoạn đó dường như đã không được thực hiện một cách qui củ ở nơi đây.
Thêm nữa, việc dựng lán trại và nhà vệ sinh lưu động phục vụ cho việc thi công trong Hoàng Thành đã khiến các hố được khai quật trước đây, các hố khảo cổ bỗng dưng trở thành hố rác, nào rác thải, nào vật liệu xây dựng... mà các công nhân cứ vô tư ném xuống, thậm chí xuống cả các hố đã phát lộ các di vật... Mà ở khu di tích này, công việc còn liên quan tới việc quy hoạch và trưng bày các hố khảo cổ khi công viên Lịch sử Văn hóa tại 18 Hoàng Diệu được xây dựng. Ngay sau đó, Viện Khảo cổ được các bên giao trách nhiệm tiến hành di dời hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại Hoàng thành, cứu các hố khai quật, đồng thời thanh tra và làm rõ trách nhiệm.
Những hiện tượng trên đã được thực hiện bởi không ít người vô trách nhiệm với khu di tích thiêng liêng, vô trách nhiệm với chính mình, vi phạm Luật Di sản Văn hoá và Công ước Quốc tế của UNESCO, thậm chí với những vi phạm này, khu di tích rất có khả năng sẽ bị rút tên khỏi danh sách Di sản Thế giới. Bởi vậy, một đơn kiến nghị khẩn cấp đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hoá Việt Nam và Hội Khảo cổ Việt Nam soạn thảo để gửi lên UBND TP. Hà Nội, Bộ VH,TT&DL cũng như các cấp lãnh đạo cao hơn. Bởi theo qui chế của UNESCO, cứ 2 năm/lần phải có bản báo cáo về hiện trạng của di tích. Và hình ảnh hiện nay của Hoàng thành như thế thì thật khó có thể có một bản báo cáo như ý cho cả các bên.
Tiếp đó, ngày 25/7, một công văn khẩn cũng được Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam gửi tới Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL và UBND TP. Hà Nội. Công văn do Chủ tịch Ủy ban - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn ký. Công văn nhấn mạnh Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã báo cáo Trung tâm Di sản thế giới UNESCO tại Paris về những vi phạm hiện nay đối với khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Vì thế, UB lưu ý nếu không sớm khắc phục hậu quả, nhiều khả năng Trung tâm DSTG UNESCO cử đoàn chuyên gia quốc tế đánh giá những vi phạm tại đây.
Chưa biết UNESCO sẽ đối xử thế nào với khu di tích của Việt Nam nhưng việc mà chúng ta cần ngồi lại nhìn nhận với nhau là hãy xem lại cơ chế quản lý và cơ chế bảo tồn đã hợp lý và đúng đắn? Bởi nếu sai về nguyên lý và kỹ thuật sẽ dẫn đến những hậu quả khó ai có thể lường trước đối với Di tích Hoàng thành Thăng Long nói riêng và tất cả các khu di tích trên toàn quốc nói chung.
Qua rất nhiều sự việc về hành xử của con người với các khu di tích nổi tiếng trong cả nước như việc tự động sửa chữa các ngôi chùa cổ theo ý riêng, thiếu tôn trọng ý nghĩa văn hoá và lịch sử của các di tích tại nhiều nơi, thiết tưởng đã có nhiều trách nhiệm và sự cẩn trọng hơn từ phía những người thực hiện. Sự việc mới đây ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã lại một lần nữa gióng hồi chuông mới đánh thức trách nhiệm của mỗi công dân trước các di sản văn hoá và lịch sử của dân tộc.
Lan Nhi