Sự kiện này được nhiều chuyên gia đánh giá là động lực để Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới phát huy giá trị, tiềm năng vốn có để thu hút du khách, thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển mạnh mẽ.
Giá trị trường tồn
Có thể nói, tại Hà Nội hiện nay, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được xem là quần thể di tích lịch sử - văn hóa có giá trị bậc nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết, Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Cách đây 5 năm, các chuyên gia đã tiến hành khai quật khảo cổ học trên tổng diện tích 19.000m2, đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).
Lễ rước kiệu đậm đà bản sắc dân tộc tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long nhiều năm qua.
Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long hiện nay còn nhiều vết tích và các di tích được bảo tồn, lưu giữ qua nhiều thế kỷ. Trong đó, trục chính tâm hiện còn 5 điểm di tích: Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, Nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Chính Bắc Môn (Cửa Bắc). Bước chân vào Hoàng thành, du khách như được chở che bởi Đoan Môn hùng vĩ, với 5 vòm cổng. Theo giới chuyên môn, cửa lớn nhất Đoan Môn xưa kia dành riêng cho vua, trong khi đó 4 cửa nhỏ để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại Điện Kính Thiên.
Hiện nay, tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long còn lại nền điện và bậc thềm rồng đá được tạo tác năm 1467, đôi rồng ở giữa được làm từ đá nguyên khối dài 5,3m, uốn 7 khúc và có 5 móng biểu tượng cho quyền lực. Hai bên là đôi rồng cách điệu vân mây - biểu tượng cho vũ trụ và trời đất. Bậc thềm rồng phía sau được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XVII, thân rồng dài 3,7m. Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao lửa, cá hóa rồng... là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chính vì những yếu tố lịch sử, văn hóa lâu đời và có nhiều giá trị thời đại, cuối tháng 7/2010, UNESCO đã công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.
Làm gì để hút khách?
Thực tế, đơn vị quản lý khu di sản Hoàng thành Thăng Long thời gian qua đã triển khai nhiều hình thức để thu hút du khách. Không khó để nhận thấy, tại khu di sản này những năm qua và hiện tại đã trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, trong đó các lễ hội thường niên mỗi dịp lễ Tết như: Lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế vào đầu xuân, chương trình vui tết Trung thu, lễ trồng cây nêu và thả cá chép vào dịp Tết ông Công ông Táo, Hội sách, Lễ hội âm nhạc... Bên cạnh đó, nhằm thu hút khách tham quan, ngành du lịch Hà Nội và Ban quản lý di tích đã tổ chức nhiều tuor du lịch khám phá tại Hoàng thành Thăng Long.
Đại diện Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho biết, hiện nay đang có một số loại hình tour phục vụ du khách như: “Tour về nguồn” tìm hiểu Hoàng thành; tour tham quan cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; tour dành riêng cho học sinh tiểu học. Theo đó, tour tham quan cho học sinh cấp 2 và cấp 3 tham quan, xem phim, tương tác dán quạt, vẽ gốm. Tour dành học sinh tiểu học, các em tham gia trò chơi, xem phim, tham quan di tích khảo cổ, tham gia chương trình tương tác “Em làm nhà khảo cổ”. Ngoài ra, Ban quản lý Hoàng thành Thăng Long còn tổ chức tour tâm linh về nguồn tham quan thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại đối với du khách là phụ nữ, người trung niên và người cao tuổi.
Tuy đã mở nhiều tour, sự kiện văn hóa kể trên nhưng với lượng khách 300.000 lượt/năm, nhiều chuyên gia đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Để thu hút nhiều người hơn đến với Hoàng thành Thăng Long, một số chuyên gia cho rằng, Ban Quản lý di sản này cần có các bài thuyết minh đa ngôn ngữ, đồng thời dịch vụ đồ lưu niệm tại khu di sản cần đa dạng, phong phú hơn nhằm bổ sung kiến thức về các giai đoạn lịch sử khác nhau thông qua các hiện vật.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để thu hút khách tham quan nhiều hơn, đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long nên xây dựng điểm nghỉ chân cho du khách nghe thuyết minh, cho thuê trang phục truyền thống mà một số nước trên thế giới đã thực hiện rất thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài ra, khu di sản này nên tổ chức định kỳ những chương trình tái hiện sinh hoạt cung đình, biểu diễn nghệ thuật truyền thống... để giúp công chúng có thêm những trải nghiệm, kiến thức văn hóa - lịch sử, từ đó giúp người dân cùng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản mà cha ông đã để lại.