Hà Nội

Hoảng sợ và lo lắng sẽ tăng nguy cơ mắc COVID-19

09-08-2021 14:00 | Sức khỏe tâm hồn

SKĐS - Đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần với những tâm lý hoảng sợ, lo lắng. Những tâm lý tiêu cực này sẽ làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 và các bệnh về tâm thần.

Hoảng sợ và lo lắng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19

Ảnh hưởng của tinh thần đến sức khỏe con người

Cơ thể con người là bộ máy thu năng lượng mạnh mẽ. Mọi suy nghĩ đều tác động lên các tế bào trong cơ thể. Những suy nghĩ tích cực có tần số dao động cao giúp đẩy lùi bệnh tật. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực với dao động thấp sẽ mang lại nhiều nguy cơ bệnh tật.

Sự căng thẳng, lo lắng quá độ hoặc kéo dài, lặp lại thường xuyên sẽ tạo ra sự mất cân bằng lặp đi lặp lại đối với việc kiểm soát năng lượng, dẫn đến sự suy giảm miễn dịch, là yếu tố nguy cơ khiến cho cơ thể dễ mắc bệnh.

Khi có những cảm xúc tích cực sự lạc quan, vui vẻ, sẽ hoạt hóa vùng dưới đồi phản ánh cảm xúc thay đổi và làm tăng ý chí phòng chống bệnh tật, tác động lên hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh, kích thích tạo ra các hormone nội sinh có lợi như: endorphine, serotonine, dopamine… giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

Theo Nội kinh (Linh khu – Bản thần) "Huyết mạch doanh khí tinh thần, tất cả đều do ngũ tạng tàng chứa. Can tàng hồn, tâm tàng thần, tỳ tàng ý, phế tàng phách, thận tàng chí, đó là sở xá của ngũ tạng".

Theo lý luận y học cổ truyền, tình chí thất điều cũng là nguyên nhân gây bệnh quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khí huyết, tạng phủ. Nhiệm vụ cốt yếu của người thầy thuốc trong việc chữa trị cho bệnh nhân là phải giúp bệnh nhân có niềm tin tưởng, sự lạc quan và có ý chí bởi ý chí có tác dụng: Ngự tinh thần, thu hồn phách, quát hàn ôn, hòa hỉ nộ. Nhờ đó mà khí huyết được thông sướng, ngũ tạng được điều hòa, bệnh tật ắt tự lui.

COVID-19 gây hoảng sợ và lo lắng

Hoảng sợ và lo lắng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 - Ảnh 1.

Dịch bệnh COVID-19 khiến tâm lý nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong tình cảnh dịch bệnh hiện nay, hầu như tất cả mọi người đều quan tâm đến những tin tức liên quan dến đại dịch. Với những con số báo động về số ca mắc bệnh, số ca tử vong do COVID-19 đã khiến nhiều người có tâm lý hoảng sợ và lo lắng. 

Họ sợ rằng mình có thể bị mắc bệnh, khi mắc bệnh có nguy cơ tử vong hay trường hợp những người bị mất người thân vì dịch bệnh… từ đó mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cho cơ thể bị giảm đề kháng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế, hầu như các ngành nghề sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Giãn cách xã hội khiến cho nhiều cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ phải đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người vì vậy mà vẫn bất chấp kiếm tiền, không tuân thủ các chỉ thị phòng chống bệnh khiến cho nguy cơ lây lan trong cộng đồng tăng lên.

Chuẩn bị tâm lý và tinh thần 

Biết sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 để phòng bệnh chủ động là điều rất quan trọng. Có rất nhiều thông tin sai lệch, hãy tiếp nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như các bản tin truyền hình, các trang web của chính phủ và cơ quan y tế quốc gia.

Tuy nhiên không nên lo lắng thái quá hoặc hoảng sợ mà cần phải chuẩn bị tâm lý và tinh thần chống lại bệnh dịch.

Cần phải trang bị đủ các kiến thức về phòng chống bệnh với tâm lý vững vàng, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Hãy lắng nghe cơ thể, liên hệ y tế nếu thấy các biểu hiện bất thường như các triệu chứng của COVID-19 được cơ quan y tế cảnh báo bao gồm: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác… Nếu bị xác định là dương tính với SARS-CoV-2, càng cần phải giữ vững tâm lý, có ý chí quyết tâm chiến thắng bệnh tật, tuân thủ điều trị để mau chóng phục hồi.

Trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị hoảng loạn, lo sợ cũng là những đối tượng dễ bị virus tấn công, bởi vậy cần phải bảo vệ những đối tượng này trước bệnh dịch. Luôn luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe và động viên tinh thần để họ yên tâm phòng bệnh.

Giảm căng thẳng để ứng phó COVID-19

Hoảng sợ và lo lắng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 - Ảnh 3.

Giữ kết nối với mọi người trong giãn cách để tinh thần được vững vàng trong đại dịch COVID-19.

Theo thông tin của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về cách ứng phó với COVID-19 và những vấn đề về tâm lý gặp trong bối cảnh dịch bệnh, có những phương pháp giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe như sau:

Hít thở vài hơi thật chậm

Hít vào bằng mũi, rồi từ từ thở ra. Hít thở chậm là một trong những cách tốt nhất để giảm căng thẳng, vì động tác này gửi tín hiệu đến não rằng cần thư giãn cơ thể. Chú ý đến những cảm xúc và suy nghĩ đang diễn ra bên trong cơ thể, nhưng đừng đánh giá. Thay vì phản ứng hay đáp lại những cảm xúc và suy nghĩ đó, hãy cứ ghi nhận rồi để chúng qua đi.

Kết nối với người khác

Việc trò chuyện với những người thân thiết, kể cho họ nghe cảm xúc của bản thân có thể giải tỏa được sự lo lắng.

Duy trì lối sống lành mạnh

Nên thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày, giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống lành mạnh và đúng bữa, tập thể dục đều đặn, phân bổ thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, dành thời gian làm những việc mà bản thân thích; không nên dùng rượu bia và chất gây nghiện để xoa dịu nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn chán và cảm giác bị cô lập khỏi xã hội.

Tử tế với bản thân và mọi người

Cố gắng giảm bớt việc xem, đọc hoặc nghe những tin tức khiến cho bản thân lo lắng hay đau buồn. Chỉ tìm thông tin mới nhất từ các nguồn đáng tin cậy vào những thời điểm cụ thể trong ngày. Việc giúp đỡ người khác cũng có thể giúp ích cho bản thân. Nếu có điều kiện, hãy giúp đỡ những người cần được hỗ trợ trong cộng đồng.

Liên hệ nhờ giúp đỡ khi cần

Đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của y tế khi chúng ta cảm thấy cần. Lưu lại các hotline trợ giúp bởi chúng rất hữu ích trong việc hỗ trợ người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.

Chống dịch như chống giặc, sẽ có những tổn thất về mặt tinh thần, sức khỏe nhưng không nên quá lo lắng, việc lúc này chúng ta cần làm là tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch để tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng. Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin chính thống để cập nhật tình hình dịch bệnh, tăng hoạt động có ích (xem phim, đọc sách, nghe nhạc…), quan tâm tới mọi người trong gia đình để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Xem thêm video được quan tâm:

Vũ điệu 5K phòng chống bệnh COVID-19


TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Ý kiến của bạn