HOÀNG SA sáng 25/5: TQ phản ứng mạnh, tàu VN quyết áp sát giàn khoan

25-05-2014 08:14 | Quốc tế
google news

Các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh, tiến vào gần và áp sát giàn khoan ở khoảng cách 5,5 – 6,5 hải lý để tuyên truyền

Cục Kiểm ngư cho biết, các tàu Trung Quốc phản ứng mạnh và nguy hiểm hơn trong ngày 24/5, nhưng các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn hoạt động theo nhóm, đồng loạt cơ động, kiên trì đấu tranh, tiến vào gần và áp sát giàn khoan ở khoảng cách 5,5 – 6,5 hải lý để tuyên truyền. Thậm chí có lúc ta đã đã áp sát giàn khoan ở khoảng cách 3,7 hải lý.

Chính trị viên tàu CSB 8003 Nguyễn Huy Trung quan sát từng diễn biến trên thực địa. Ảnh: Nguyễn Huy.
Chính trị viên tàu CSB 8003 Nguyễn Huy Trung quan sát từng diễn biến trên thực địa. Ảnh: Nguyễn Huy.

Khi phát hiện các tàu Việt Nam gặp hư hại, các tàu của Trung Quốc tổ chức thành các tốp liên tục dồn ép với tốc độ cao với chủ đích triệt hạ tàu chấp pháp của Việt Nam.

Phun vòi rồng, đâm va tốc độ cao

Ngày 24/5, tại khu vực Nam - Đông Nam giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, các tàu Ngư chính, Hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục có nhiều hành động khiêu khích, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam ở khoảng cách cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 8-10 hải lí.

Cụ thể, 7h cùng ngày khi cách giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép 8 hải lý, tàu Ngư chính số hiệu 31001 và Hải cảnh 37101 của Trung Quốc gia tăng tốc độ dùng vòi rồng uy hiếp tàu Kiểm ngư 770 của Việt Nam.

Theo quan sát của phóng viên  tại thực địa, các tàu Hải cảnh, Ngư chính, tàu dịch vụ lai dắt của Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành vi hung hăng hiếu chiến trước các tàu chấp pháp của Việt Nam như phun vòi rồng áp lực cao gây hư hại các thiết bị thông tin, điện máy, đâm va tốc độ cao nhằm gây hư hỏng chấn động kết cấu của tàu.

Đặc biệt khi phát hiện các tàu Việt Nam gặp hư hại, các tàu của Trung Quốc tổ chức thành các tốp liên tục dồn ép với tốc độ cao với chủ đích triệt hạ tàu chấp pháp của Việt Nam. Không chỉ vậy, vào ban đêm các tàu hải cảnh, ngư chính, lai dắt đẩy ủi của Trung Quốc tổ chức thành nhóm gồm 3-4 tàu liên tục dùng đèn pha công suất lớn, pha mặt biển hú còi ép đuổi một tàu chấp pháp của Việt Nam.

Trái với các hành động đầy khiêu khích, hiếu chiến của các tàu Trung Quốc, các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư của Việt Nam luôn kiên trì tuyên truyền đấu tranh nhằm buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam, chủ động tránh đối đầu không đẩy tình hình căng thằng.

Đưa tàu hộ vệ tên lửa ra xa giàn khoan 981

Chiều 24/5, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa tàu hộ vệ tên lửa cách xa giàn khoan, neo ở phía đông nam đảo Tri Tôn và được ẩn giấu kỹ hơn trước.

Theo Cục Kiểm ngư, hôm qua Trung Quốc duy trì 127 tàu (tăng 5 tàu so với hôm trước) tại khu vực giàn khoan 981 đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong đó, gồm 44 tàu Hải cảnh, 18 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 50 tàu cá và 1 tàu chiến. Trung Quốc cũng huy động 4 máy bay, bay nhiều vòng trên khu vực các tàu chấp pháp Việt Nam hoạt động, ở tầm cao 300-500 m.

Tàu CSB 8003 triển khai nhiệm vụ trên biển.
Tàu CSB 8003 triển khai nhiệm vụ trên biển.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho biết, các tàu Trung Quốc đã phản ứng mạnh và nguy hiểm hơn khi lực lượng chấp pháp của ta tiến vào sâu vào khu vực giàn khoan 981. Các tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc tăng tốc độ ngăn cản và tăng phạm vi ngăn cản hơn những ngày trước, ngăn cản ngay ở phạm vi cách giàn khoan 10-12 hải lý.

Trong khi đó, tàu lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vẫn hoạt động theo nhóm, đồng loạt cơ động, kiên trì đấu tranh, tiến vào gần và áp sát giàn khoan ở khoảng cách 5,5 – 6,5 hải lý để tuyên truyền. Thậm chí có lúc ta đã đã áp sát giàn khoan 981 ở khoảng cách 3,7 hải lý.

Tuy nhiên, Trung Quốc bố trí tàu kéo, tàu cá vỏ sắt đâm va, phun nước nhằm chia cắt, cản phá đội hình tàu Việt Nam làm 8 tàu chấp pháp của ta bị hỏng trang thiết bị nghe nhìn, ăng ten, phần vỏ bị móp méo, và làm 3 kiểm ngư viên bị thương nhẹ.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho hay, dù bị các tàu Trung Quốc tăng mức độ nguy hiểm, nhưng các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn quyết liệt đấu tranh, củng cố duy trì lực lượng, duy trì cường độ để tiếp cận giàn khoan gần hơn thực hiện công tác tuyên truyền.

VN 26 lần đề nghị, TQ chỉ bố trí gặp một Thứ trưởng hơn

"Bộ Ngoại giao đã 26 lần có đề nghị trao đổi nhưng Trung Quốc chỉ bố trí gặp một Thứ trưởng Ngoại giao . Chúng ta luôn luôn mong muốn giải quyết vấn đề bằng giải pháp hòa bình, chúng ta đã nhiều lần đề nghị gặp gỡ trao đổi theo các cấp nhưng họ không gặp"

Cảnh sát biển VN và tàu TQ ở khu vực giàn khoan trái phép. Ảnh: TNO.
Cảnh sát biển VN và tàu TQ ở khu vực giàn khoan trái phép. Ảnh: TNO.

Ngày 24/5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như trê. Ông cũng nhấn mạnh: “Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”.

Sẽ có thêm giàn khoan TQ?

Theo PLO, trong năm 2012, chính ông Vương Dĩ Lâm - Chủ tịch Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương TQ (CNOOC) đã mập mờ khi cho rằng: “Các giàn khoan nước sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược của TQ”. Do đó có thể sẽ có thêm nhiều giàn khoan di động cỡ giàn khoan Hải Dương 981 xuất hiện ở biển Đông với tư cách là các cứ điểm quân sự giả danh dân sự nhằm “gặm nhấm” dần biển Đông.

Tuy nhiên, việc xuất hiện tiếp theo của các giàn khoan khác còn phụ thuộc nhiều vào hành động của Việt Nam và các quốc gia khác có can hệ trong bức tranh bành trướng của TQ. Cụ thể, nếu Việt Nam vẫn vững nhận thức và hành động phản đối chống lại bất cứ hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam; cộng với sự ủng hộ của dư luận quốc tế và cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ thì TQ có thể phải thận trọng và cân nhắc khi đưa các giàn khoan kiểu Hải Dương 981 vào biển Đông.

Đây chính là cơ sở quan trọng mà không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng phải tính đến trong việc ngăn chặn sự bành trướng của TQ ra toàn bộ biển Đông.

 

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

Theo Tấm Gương


Ý kiến của bạn