Hoàng Sa của Việt Nam - Bằng chứng do Pháp công bố

02-12-2019 06:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thưa ông Trần Đăng Khoa! Ở số báo Sức khỏe&Đời sống Thứ hai tuần trước, ông có bàn về một chuyện khá thú vị: Đó là việc họa sĩ Trần Lương đã “chặt đứt đường lưỡi bò ngay trên chính đất nước Trung Quốc”...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thực ra, nói cho thật công bằng thì chính những người dân Trung Quốc chân chính, mà cụ thể là Ban Tổ chức Triển lãm Hội họa đương đại đã xẻo cái lưỡi bò ngang ngược, man rợ, theo đề xuất của họa sĩ Trần Lương. Họ xẻo thế, không phải chỉ ủng hộ chúng ta, ủng hộ lẽ phải, mà chính là họ bảo vệ danh dự Trung Quốc, nhân phẩm Trung Quốc. Người tử tế thì phải có lưỡi người, chứ sao lại mang lưỡi bò. Có lưỡi bò thì chỉ là con bò thôi. Họ cứ nhắm mắt nói càn, nói lấy được rằng trong họ không có máu bành trướng, không xâm chiếm đất đai của ai (!). Thế thì ai xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979? Ai cướp Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974? Rồi Gạc Ma 1988, ai cướp? Rồi đảo của Nhật Bản, của Philippine, ai lấn chiếm? Trung Quốc có chung đường biên giới với 14 quốc gia, thì đều có chuyện hục hặc vì xâm lấn, xà xẻo đất đai, sông suối của họ. Còn các nước khác có chuyện thế đâu. Họ cứ bảo tư bản giãy chết, tư bản xấu xa, nhưng các nước tư bản “xấu xa” ấy, họ có ăn cướp của nhau đâu? Họ còn không có biên giới, không có hải quan. Từ nước nọ sang nước kia cứ đi thẳng một lèo. Chỉ có nhìn biển chỉ dẫn trên các đường cao tốc, thấy có chữ khác mới biết mình đã sang một quốc gia khác. Tư bản đấy. Họ đâu có như Trung Quốc. Mấy ông có lưỡi bò kia còn bảo, toàn bộ biển Đông với các đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, do cha ông họ để lại từ bao đời. Cha ông nào? Bằng chứng đâu?

Đúng vậy. Như ông nói, “tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1904 trở về trước chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Không bản đồ nào có Hoàng Sa, Trường Sa”.

Điều ấy cả thế giới biết. Chỉ có một số người dân Trung Quốc do bị lừa và bị bưng bít mới không biết thôi. Mới đây, chính nước Pháp đã đưa bằng chứng chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Điều này cũng không mới mẻ gì? Tôi xin trích nguyên văn thông tin của chính người Pháp: “Năm 1938, khi còn bảo hộ Việt Nam, Chính phủ Pháp nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.”. Đấy là họ còn ghi cụ thể tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Marseille, Pháp: Ký hiệu hồ sơ số: MQ28/02. Họ còn ghi cụ thể: “Việt Nam xây dựng Trạm khí tượng tại quần đảo Hoàng Sa”. Ở tài liệu thứ nhất, với đề tài: “Pháp có chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hay không?” họ khẳng định: “Ngày xưa, quần đảo Hoàng Sa là thuộc về Việt Nam. Vương triều An Nam (nhà Nguyễn - chú thích của người dịch) đã đóng quân trên đảo này từ đầu thế kỷ XIX. Quần đảo này là vùng thuộc chủ quyền của An Nam (Đại Nam tức Việt Nam - người dịch). Pháp chỉ làm cái việc là khẳng định tất cả các quyền không thể chối cãi đối với quần đảo này. Vấn đề này là thực tế”. Cũng tư liệu lưu trữ (từ năm 1938) của Pháp khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. “Năm 1932, dưới thời Toàn quyền Pasquier, một tàu Pháp đã đổ bộ lên và cắm cờ Pháp trên quần đảo này”. Tài liệu còn cho biết thêm: “Để bảo đảm an toàn hàng hải trên vùng biển này, chính quyền Đông Dương đã thiết lập trên quần đảo này hai ngọn hải đăng và một trạm khí tượng. Một vài biệt đội vùng với lực lượng đông đảo cảnh sát người Việt cũng đã được cử đến quần đảo này để bảo vệ những công trình này. Trong năm 1937, một quan chức hành chính của chính quyền Đông Dương cùng 6 lính bảo an đã thực hiện cuộc kiểm tra trên quần đảo này nhằm duy trì hai ngọn hải đăng và bảo đảm cho trạm khí tượng đặt trên quần đảo này được hoạt động tốt”. Và như thế, Pháp đã khẳng định: Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ XIX.

Hoàng Sa của Việt NamCác bạn trẻ tìm hiểu về chủ quyền biển đảo.

Tài liệu thứ hai trong Hồ sơ lưu trữ cho biết: “Theo luận điểm của Pháp, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập Việt Nam bởi Vua An Nam (Vua Nguyễn) vào năm 1816, sau đó là bởi Courbet vào năm 1885. Vào năm này, theo người Pháp “chính Trung Quốc đã thừa nhận rằng, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Tài liệu cũng nêu rõ, lối vào quần đảo Hoàng Sa là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Bởi “Quần đảo này được tạo bởi 36 đảo nhô lên hoặc đảo chìm. Yếu tố này thực sự nguy hiểm đối với giao thông hàng hải. Những đảo lớn của quần đảo này bao gồm các đảo: Tri Tôn, Pyramide, Lincoln, Boiseé, Rocheuse, Roberts, Pattle, Amphitrite,...”.

Cũng theo tài liệu của Pháp: Một số hải đội người Việt đã đóng trên quần đảo này, nằm giữa đảo Hải Nam và cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi Chính phủ bảo hộ Pháp và triều đình Việt Nam thiết lập trên quần đảo Hoàng Sa một vài ngọn hải đăng và trạm khí tượng để kiểm soát bão, thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại kiến nghị với Bộ trưởng Pháp rằng, quần đảo này là của Trung Quốc. Ngay từ thời đó, Chính phủ Pháp cũng đã khẳng định: Quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam năm 1816. Đến năm 1885, Trung Quốc cũng đã thừa nhận, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tôi cũng cần nói rõ thêm: Trung tâm Lưu trữ Phòng Thương mại và Công nghiệp Marseille (CCIMP) ở số 9 đường La Canebìere, 13001, thành phố Marseille, nước Pháp. Trung tâm này chủ yếu lưu trữ những tài liệu liên quan tới thương mại giữa Pháp và các nước trên thế giới cũng như với thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Nguồn tài liệu ở đây được chính thức thu thập và lưu trữ từ thế kỷ XVII. Các hồ sơ lưu trữ ở đây phản ánh những thông tin liên quan tới chính sách thương mại, quan hệ thương mại, thuế từ thế kỷ XIII đến nay. Nguồn lưu trữ ở đây được chia thành 3 phông chủ yếu: Phông cũ là những hồ sơ chứa đựng thông tin từ năm 1801 trở về trước, gồm các tư liệu từ A đến K. Phông hiện đại là những hồ sơ chứa đựng thông tin từ năm 1801 đến nay, gồm các tài liệu nối tiếp: MA, MB, MC, MD, MÉTROPOLE, MF, MG, MH, MJ, MK, ML, MM, MN, MP, MQ, MR, AC. Phông đính kèm là những hồ sơ liên quan tới các công ty thương mại, những nhân vật, quan chức thương mại của Pháp và các thuộc địa Pháp. Tài liệu liên quan tới Hoàng Sa mà chúng tôi đề cập nằm lẫn trong Hồ sơ série MQ thuộc phông hiện đại.

Và như thế: “Theo luận điểm của Pháp, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam bởi Vua An Nam (Vua Nguyễn) vào năm 1816, sau đó là bởi Courbet vào năm 1885. Vào năm này, chính Trung Quốc đã thừa nhận rằng, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”. Thế thì còn gì mà nói nữa!

Cảm ơn ông đã đưa ra một bằng chứng không thể phủ nhận hay chối cãi...

Điều quan trọng không phải ta nói. Mà người Pháp nói. Người Pháp không có tranh chấp gì ở đây. Họ hoàn toàn khách quan. Chỉ những kẻ ngang ngược và ngu muội thì mới nói liều mạng, nói lấy được. Bây giờ, mọi thứ đều sáng tỏ. Không thể bưng bít được. Chúng ta lại có Luật Biển. Không dễ nhập nhẹm được đâu. Nếu cứ cố tình bất chấp sự thật, bất chấp đạo lý thì sẽ càng bị cô lập. Vì thế chúng ta càng phải làm cho sáng tỏ để thế giới biết, toàn dân biết. Muốn thế, phải nói đúng sự thật và gọi đúng tên sự vật, hiện tượng. Đừng ám chỉ bằng những cái tên chung chung, như tàu lạ, tàu nước ngoài. Điều đó không những không đúng mà còn có gì khuất tất. Người đàng hoàng, tử tế, không ai làm thế!

- Xin cảm ơn ông!


Vũ Huyền (ghi)
Ý kiến của bạn