Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Hàng trăm khán giả là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh Lũng Lô (Binh đoàn Hương Giang) đang rôm rả hào hứng trong đêm giao lưu văn nghệ “Tổ quốc và người chiến sĩ” tổ chức cuối tháng 12 vừa qua, chợt lặng đi khi nghe nhà thơ cựu chiến binh Hoàng Nhuận Cầm đọc bài thơ Thanh thản trên đây của anh. Anh bảo đây là anh “chép lại” lời của một chiến sĩ gỡ mìn đã anh dũng hi sinh, mà sao cứ như đấy là lời của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã anh dũng ngã xuống trong các cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng hòa bình. Vâng, ngót 70 năm xây dựng và chiến đấu (1947-2017), biết bao thế hệ chiến sĩ gỡ mìn của Lữ đoàn đã thanh thản bước vào Khu Vườn Cấm như người chiến sĩ trong bài thơ trên đây…
Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của những bài thơ được nhiều thế hệ chiến sĩ nắn nót chép trong sổ tay, như: Chiếc lá buổi đầu tiên; Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu; Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến; Viên xúc xắc mùa thu; Nhớ Vũ Đình Văn... Anh cũng là nhà biên kịch nổi tiếng với nhiều kịch bản điện ảnh “để đời” như: Đêm hội Long Trì; Hà Nội mùa đông năm 46; Mùi cỏ cháy; Nhà tiên tri… Anh là bạn học và đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - tác giả cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi. Anh nói rằng hôm nay đến với cán bộ, chiến sĩ Đoàn công binh Lũng Lô là anh được “về nhà” bởi hơn 40 năm trước, anh là chiến sĩ của Sư đoàn 325-Binh đoàn Hương Giang thân yêu. Cho nên, trò chuyện với thế hệ chiến sĩ trẻ hôm nay về “Tổ quốc và người chiến sĩ”, anh không dẫn thơ của mình mà trích dẫn thuộc lòng nhiều trang trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Và anh đọc thăng hoa diễn cảm những câu thơ của một cây bút cùng thế hệ “tài hoa ra trận”: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?/ Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em... (Thanh Thảo). Rồi anh nói như tâm sự với các chiến sĩ Công binh Lũng Lô: “Đã từ lâu tôi ấp ủ ước nguyện viết một kịch bản phim về những người lính công binh hôm qua và hôm nay. Mỗi khi ngắm biểu tượng chiếc xẻng và chiếc cuốc trên phù hiệu Bộ đội Công binh, tôi thường suy nghĩ về những người cầm chiếc xẻng và chiếc cuốc ấy. Họ là những người đã mở đường lên Điện Biên, đã bí mật “dắt” xe tăng vào chiến trường miền Nam, đã đảm bảo cho cả một binh đoàn cơ động thần tốc dọc tuyến duyên hải miền Trung để thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập trong Đại thắng Mùa xuân năm 1975… Họ là những người “đi trước trận đánh, về sau chiến công”. Thời bình, họ tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn, rà phá bom mìn trả lại bình yên cho đất đai, làm đường tuần tra biên giới… Các em hãy cùng tôi cố gắng hơn nữa để xứng đáng với họ...”.
Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Đúng là khẩu khí nhà thơ cựu chiến binh của Binh đoàn Hương Giang!
Trong số các nhà thơ áo lính trưởng thành trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoàng Nhuận Cầm là người đến nay vẫn “gan ruột” với thơ nhưng lại sống khỏe với nghề biên kịch điện ảnh, đôi khi anh còn diễn kịch và đóng phim. Mà chẳng cứ gì thơ, đã làm việc gì là thi sĩ họ Hoàng này cũng “gan ruột” hết mình. “Gan ruột” quá nên đôi khi anh “bốc lửa” khiến những người yếu bóng vía như tôi phát hoảng.
Chuyện cách nay đã ngót chục năm, một lần ngồi ở quán bia cỏ trên đường Hoàng Hoa Thám với một dàn mấy em hoa khôi đang ríu rít vây quanh Hoàng thi sĩ, tôi hỏi rằng có phải bài thơ Phương ấy là anh làm tặng một em tên Phương cùng lớp ở Đại học Tổng hợp văn. Tiếc rằng đó lại là một mối tình đơn phương, nhưng lại hóa may là nhờ thế mà Hoàng Nhuận Cầm có thêm một bài thơ nổi tiếng. Tưởng là anh sẽ gật đầu xác nhận, nào ngờ lão trợn mắt rít lên: Láo, thằng nào bảo với ông như thế? Đừng đùa với xương máu đồng đội tôi nhé. Ông nghe đây: Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/ Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/ Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn... Đấy là mặt trận, là máu lửa, làm gì có em nào?
Sau lần ấy, tôi đâm ngại không dám ngồi bù khú với Hoàng Nhuận Cầm nữa. Ấy vậy mà chỉ vài tuần sau, anh gọi điện mời tôi đến nhà uống rượu. Thật là buồn ngủ gặp chiếu manh, bởi tôi cũng đang muốn gặp anh. Chuyện là trước đó một tuần, chúng tôi cùng dự buổi họp về dự án đầu tư sáng tác trường ca và tiểu thuyết sử thi đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức. Tôi đăng ký một trường ca về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Còn Hoàng Nhuận Cầm là trường ca Ngọn gió thiêng liêng viết về Trị Thiên Huế sau Mậu Thân 1968. Hoàng Nhuận Cầm là lính chiến Quảng Trị, có rất nhiều sáng tác nổi tiếng trong thời gian này, vì thế mà tôi rất muốn gặp anh hỏi chuyện nhưng đang ngần ngại. Nay được anh gọi điện mời là tức tốc đến ngay. Vẫn cái giọng “gan ruột” hết mình, Hoàng Nhuận Cầm bảo tôi:
- Anh em mình thỉnh thoảng phải gặp nhau ông ạ, chẳng giúp được gì cho nhau nhưng phải truyền cho nhau ngọn lửa!
Tôi hiểu là Hoàng Nhuận Cầm đang nói về ngọn lửa đam mê nghệ thuật, niềm cảm hứng sáng tác.
Bây giờ thì hãng phim Điệp Vân của anh sạch sẽ ngăn nắp lắm, cửa đóng kín mít vì máy điều hòa nhiệt độ chạy ro ro suốt ngày đêm, thế mà Hoàng Nhuận Cầm vẫn không từ bỏ được cái điếu cày. Hôm tôi đến thăm, ngửa cổ phả một hơi thuốc lào sảng khoái, với tay bật công tắc quạt thông gió cho khói thuốc lùa bớt ra ngoài, Hoàng Nhuận Cầm hớn hở khoe với tôi một chiếc điếu cày bằng đồng đen bé xíu, được nhà sản xuất “cách điệu” trông từa tựa như chiếc pip của các bá tước châu Âu rất vui mắt. Phần nõ điếu có gắn lò xo bên trong, rít xong một hơi chỉ cần ấn nỏ một cái là xái thuốc “bắn” vào bô rác, chính xác không sai một li. Hoàng Nhuận Cầm kể, nửa như trần tình: “Của anh Thục - anh trai Nguyễn Văn Thạc đi Trung Quốc về tặng mình đấy. Anh Thục lúc nào cũng khuyên mình nên bỏ thuốc lào, thế mà vẫn chiều mình…”.
Tôi biết, Hoàng Nhuận Cầm là bạn học cùng trường phổ thông với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc Mãi mãi tuổi hai mươi, cùng trong đội tuyển học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, cùng là sinh viên nhập ngũ đợt mồng 6 tháng 9 năm 1971 và cùng vào chiến trường Quảng Trị. Mấy năm nay, Hoàng Nhuận Cầm đã có hàng trăm buổi nói chuyện về một thời Mãi mãi tuổi hai mươi tại các nhà trường, cơ quan, đơn vị... Hiện tại, anh đang viết kịch bản văn học của bộ phim Mùi cỏ cháy về cuộc chiến đấu của Nguyễn Văn Thạc và đồng đội lính sinh viên ở thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972... Trong nhà anh, ngoài bàn thờ gia thần và gia tiên còn có một góc thờ các đồng đội liệt sĩ đặt ngay trên bàn viết của anh. Trên đó có bát hương, cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc và một viên đá rước về từ Thành cổ Quảng Trị. Đó là viên đá mà theo Hoàng Nhuận Cầm, đã thấm máu biết bao đồng đội của anh...
Tôi rụt rè xin lỗi anh về câu chuyện Phương ấy hôm nọ. Hoàng Nhuận Cầm lại dốc bầu “gan ruột”:
- Tổ quốc, nhân dân và người lính đối với tôi là những giá trị thiêng liêng, không đùa giỡn cà chớn được đâu ông ạ. Có người nói rằng người nghệ sĩ sinh hoạt, nói năng thế nào không quan trọng, vấn đề là ở tác phẩm họ viết ra có tốt đẹp hay không. Bao nhiêu tinh túy dồn vào tác phẩm cả rồi thì họ chỉ còn là cái “xác phàm”… Bởi vậy mà họ được sống kiểu “nghệ sĩ”, đề cao cá tính sáng tạo một cách cực đoan. Quan điểm tách rời giá trị thẩm mỹ khỏi vai trò người nghệ sĩ trong đời sống, rõ ràng trái ngược với cả quan điểm “văn là người” của cổ nhân lẫn lý thuyết mỹ học hiện đại. Ngày nay, phẩm chất “văn là người” không chỉ thể hiện ở sự gương mẫu về đạo đức, lối sống và nhân cách… mà còn đòi hỏi thái độ rõ ràng, dứt khoát, quyết liệt của “người văn” trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu; không được làm ngơ, né tránh những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; không chạy theo thị hiếu tầm thường để làm ra những tác phẩm giải trí tầm thường, thậm chí là lệch chuẩn. Trước sau, tôi vẫn là thằng lính máu lửa, nhé!
Các lực lượng vũ trang miền Nam trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân. Ảnh: TTXVN
Nhân đà thân tình, tôi ngỏ ý mượn anh mấy tập thơ viết về thời “máu lửa”. Hoàng Nhuận Cầm “Ok” và xăng xái đi lấy sách. Lục mãi, tìm mãi, cả mấy giá sách chẳng còn một quyển thơ nào của Hoàng Nhuận Cầm. Mà cả thảy anh đã có tới 6 tập thơ dày dặn chứ ít ỏi gì! Sau một hồi quần thảo săm soi không có kết quả, Hoàng Nhuận Cầm ngồi thở dốc, rồi bảo tôi:
- Chết thật, hóa ra mình không còn quyển sách nào của mình ông ạ. Kiểu này có khi phải xin lại mấy người bạn ngày xưa mình đã tặng những tập thơ, may ra họ còn giữ được!
Tôi hiến kế: “Nay mai ra tập mới và làm tuyển tập, anh nên chịu khó tặng sách cho các thư viện, cũng là một cách nhờ họ giữ hộ”.
Hoàng Nhuận Cầm gật gù ra vẻ tán thành. Nhưng chỉ chốc lát anh đã kêu lên: “Không được, thư viện cũng chưa an toàn đâu! Ngày xưa mình đã từng có lần “thó” sách ở thư viện nên mình biết. Chỉ có bảo Hoàng Nhuận Cầm gật gù ra vẻ tán thành. Nhưng chỉ chốc lát anh đã kêu lên: “Không được, thư viện cũng chưa an toàn đâu! Ngày xưa mình đã từng có lần “thó” sách ở thư viện nên mình biết. Chỉ có bảo tàng mới khả dĩ, bởi vì bảo tàng là “cấm sờ vào hiện vật”. Lần này nếu xin lại được mấy tập sách đã tặng bạn bè, mình sẽ tặng lại cho Bảo tàng Hội Nhà văn. Đúng rồi! Mình sẽ tặng mấy tập thơ và cái điếu cày của anh trai Nguyễn Văn Thạc tặng mình cho Bảo tàng Hội Nhà văn!”.
Rồi như để tự thưởng cho “diệu kế” vừa chợt nghĩ ra, Hoàng Nhuận Cầm lại vớ cái ống điếu, nạp thuốc, châm lửa và rít một hơi rõ dài, sảng khoái…