Hoang mang về virus Hanta từ chuột cắn

26-11-2012 09:43 | Thời sự
google news

Nỗi hoang mang được đẩy lên đỉnh điểm khi ngành y xác nhận trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.T (55 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) dương tính với virus Hanta (gây suy thận cấp) sau khi bị chuột cắn.

Nỗi hoang mang được đẩy lên đỉnh điểm khi ngành y xác nhận trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.T (55 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) dương tính với virus Hanta (gây suy thận cấp) sau khi bị chuột cắn.
 
Thực tế, không chỉ riêng ở TPHCM mà ngay cả trên địa bàn Hà Nội hiện tượng chuột sinh sôi và ngang nhiên hoành hành tại quá nhiều nơi và khó kiểm soát. Và khi đã “bó tay”, mọi người càng tỏ ra dễ dãi, vô tình để chuột “sống chung” với chính mình. Cho đến khi báo chí đưa tin về virus Hanta gây suy thận thì nhiều người lo sợ, tá hỏa tới viện khám.
Hoang mang về virus Hanta từ chuột cắn 1
 Sinh viên Bùi Thu Trang (ĐH Luật Hà Nội) “khoe” trên Facebook bắt được cả một ổ chuột con trong gầm giường ký túc xá.
Chờ khám tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chị Trần Thị Huề - ngụ tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy – HN) - cho biết: “Ngay sau khi biết tin, tôi thấy lo, vì cách đây một tuần, tôi bị chuột cắn vào chân lúc đang ngủ. Cứ nghĩ không việc gì nên tôi chủ quan không đi khám. Giờ hay tin, lo quá, đến đây khám xem có mắc bệnh không”.

Còn với sinh viên tại các khu ký túc xá, việc hằng ngày chứng kiến sự hoành hành của những con chuột cống to oạch là điều bình thường. Có sinh viên còn khoe trên facebook bắt được cả ổ chuột con ngay dưới gầm giường ký túc xá của mình.

Khi biết tin chuột có “độc”, nhiều sinh viên mới thấy ghê sợ. Nguyễn Thảo Thúy (sinh viên Đại học Y Hà Nội) nói trong tâm trạng sợ sệt: “Chuột ở ký túc xá đầy ra đó, cứ mỗi tối đi học thêm về, ngang qua những đống rác là thấy chuột chạy đi chạy lại, lúc ấy không sợ lắm, nhưng giờ thì hãi quá”. Còn Lâm Đức Công – một sinh viên được nhóm bạn cùng phòng phong là “thủ lĩnh bắt chuột” - cũng không khỏi rùng mình khi biết tin chuột gây suy thận: “Trước do không sợ chuột nên mình thường cài bẫy, túm đuôi, giẫm lên thân chuột, nhưng giờ thì sợ rồi”.

Cũng từ đó, việc cảnh giác, phòng tránh chuột ở nhiều nơi trong địa bàn HN trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Ngang qua vài xóm trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhiều sinh viên rục rịch vệ sinh, dọn dẹp phòng, vệ sinh sân bãi xóm. Bạn Nguyễn Thị Mùi (trọ ở số nhà 52 – phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy – HN) nói: “Bây giờ chuột làm ổ khắp nơi, không có chỗ nào nó không mò tới, nên tốt nhất cứ dọn lại phòng”. Tại các hộ gia đình, việc cất thức ăn, cài khóa cửa cẩn thận càng được chú trọng hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc phòng tránh chuột không hề dễ. Dù con người có đủ cách để ngăn chặn chuột (bẫy, keo dính, thuốc, hóa chất...) nhưng ngược lại, chuột cũng có đủ cách tinh ranh để tránh bẫy.

Theo GS-TS Trương Uyên Ninh - chuyên gia virus học, nguyên cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - virus Hanta thuộc họ Bunyaviridea, chúng chỉ gây bệnh cho người, nhưng không gây bệnh cho loài gặm nhấm. Chuột là vật trung gian mang mầm bệnh và truyền bệnh cho người.

Người bị nhiễm virus Hanta sẽ mắc hội chứng sốt xuất huyết kèm theo suy thận cấp, có biểu hiện nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt, lạnh run, nôn ói. Có thể có tình trạng mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban ngoài da. Sau đó bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp, sốc, thoát huyết tương (tương tự sốt xuất huyết dengue) đồng thời xuất hiện suy thận cấp.
 
Theo Lao động

Ý kiến của bạn