Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội thống nhất đối với các tỉnh, thành phố để tổ chức các tuyến đi/đến 7 địa phương gồm:
- Quảng Ninh,
- Lạng Sơn,
- Cao Bằng,
- Hà Giang,
- Lào Cai,
- Lai Châu,
- Sơn La.
Trước đó, ngày 13/10, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức tạm thời hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh trong tình hình mới.
Mục đích của việc tổ chức thí điểm hoạt động này nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Kế hoạch nêu rõ, đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải:
- Tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID- 19 trong vòng 6 tháng;
- Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.
Đối với hành khách đi từ địa phương/ khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ cao hơn được yêu cầu:
- Tuân thủ "Thông điệp 5K";
- Khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế;
- Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.
Thực hiện hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", ngày 15/10, CDC Hà Nội đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố đáp ứng cấp độ 1 - nguy cơ thấp, màu xanh, bình thường mới.
Tại Kế hoạch, Sở GTVT cũng yêu cầu với các bến xe như: Xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; Bố trí vị trí để lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng…
Ghi nhận của Báo Sức khỏe & Đời sống tại các bến xe của Hà Nội như: Yên Nghĩa, Gia Lâm, Giáp Bát những ngày qua các đơn vị chức năng phối hợp bố trí khu vực để thực hiện việc test nhanh COVID-19 để phục vụ việc di chuyển cho người dân cũng như đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ bến.
Tại Bến xe Yên Nghĩa, điểm test nhanh kháng nguyên được bố trí ngay tại khu vực sảnh chính. Lực lượng y tế tham gia công tác test nhanh kháng nguyên luôn túc trực và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ người dân, hành khách. Đặc biệt, điểm test nhanh kháng nguyên này được bố trí theo "dây chuyền" khép kín nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Do số lượng xe, tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh được cấp phép hoạt động trở lại ít nên trong 1-2 ngày vừa qua các điểm test nhanh kháng nguyên chỉ phục vụ khách số lượng thấp. Nếu trong thời gian tới, khi Hà Nội khôi phục hoạt động vận tải tuyến cố định với nhiều tỉnh, thành khác, các điểm test nhanh sẽ phục vụ số lượng lớn hoặc tùy theo tình hình.
Nói về điều này, nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại đây cho biết: "Điểm test nhanh kháng nguyên luôn bố trí gần 10 người, nếu thời gian tới lượng khách đông hơn chúng tôi sẽ bố trí thêm lực lượng để phục vụ người dân".
Các điểm test nhanh tại bến xe hiện nay mỗi ngày có thể phục vụ hàng trăm khách, quy trình test cho mỗi người khoảng 30 phút, giá được niêm yết công khai.
Việc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu thiết lập các điểm test nhanh COVID-19 tại các bến xe không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc di chuyển từ Hà Nội về các tỉnh, thành phố, đặc biệt thời gian tới Hà Nội mở 100% các tuyến đi/đến mà còn giúp người dân đỡ phải di chuyển đến các bệnh viện, phòng khám để thực hiện test nhanh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phó Thủ tướng: Chống dịch nhưng không được hạn chế lưu thông | SKĐS