Hà Nội

Hoảng loạn tìm bác sĩ cấp cứu ở Đăk Lăk: Lời nhắc nhở đến các bệnh viện

26-10-2018 07:24 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Đến ngày 25/10, BVĐK huyện Krông Bông (Đăk Lăk) cho biết, sức khỏe của cháu bé bị tai nạn giao thông được đưa đến vào chiều tối ngày 19/10 đã ổn định, chỉ bị thương nhẹ phần mềm. Bệnh viện cũng đã động viên gia đình chăm sóc cháu.

Khi người nhà đưa cháu vào viện trong tình trạng bê bết máu trên mặt, trán mà tìm mãi không thấy bác sĩ cấp cứu được, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc BVĐK huyện Krông Bông lý giải rằng, vì thấy vết thương không nghiêm trọng nên nhân viên y tế trực có nói chuyển cháu lên Khoa Ngoại - Sản vì ở đó đang sẵn các dịch vụ xử lý vết thương. Hôm đó tại bệnh viện có BS. Lê Văn Trung (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ) trực lãnh đạo và cấp cứu, BS. Nguyễn Quốc Sự (Phó khoa Ngoại - Sản) trực Khoa Ngoại - Sản và điều dưỡng trưởng Phan Đình Ba trực Khoa Ngoại - Sản.

Theo giải trình của kíp trực, vào thời điểm cháu bé nhập viện, các bác sĩ trực đang tranh thủ đi ăn cơm tối ở căng tin ngay trong bệnh viện để chuẩn bị cho ca trực đêm. Lúc tranh thủ đi ăn cơm có để một nhân viên y tế ở lại và dặn có bệnh nhân là cấp báo ngay. Nhưng do điều dưỡng này có thể chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống nên đã không gọi ngay đến bác sĩ khiến gia đình phải chạy qua nhiều khoa và bức xúc. Cũng vào thời điểm đó, có người quay clip đưa lên mạng.

Hoảng loạn tìm bác sĩ cấp cứu ở Đăk Lăk: Lời nhắc nhở đến các bệnh việnDo không tuân thủ kíp trực, BVĐK KRông Bông đã gây bức xúc cho gia đình người bệnh.

Sự cố này, BVĐK Krông Bông đã báo cáo, giải trình với Sở Y tế, huyện ủy và các cơ quan chuyên môn đồng thời sẽ sớm tiến hành họp xem xét, đánh giá kíp trực.

Bà Lê Thị Nga (mẹ ruột của cháu bé bị nạn) cho biết: Tâm lý chung của người dân là khi người thân gặp nạn sẽ rất hoảng loạn, lo lắng. Khi vào viện lại không thấy bác sĩ, chỉ có nhân viên chỉ đi chỗ này, chỗ khác càng lo hơn. Không thạo đường trong bệnh viện nên hai vợ chồng ôm con chạy nhớn nhác. May vết thương không nghiêm trọng nên băng bó, cầm máu và xử lý rồi uống thuốc chống nhiễm trùng là ổn.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk cho biết: Từ khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở Y tế đã có chỉ đạo rất quyết liệt. Một mặt chỉ đạo động viên cháu bé và gia đình đồng thời chấn chỉnh ngay thái độ đón tiếp bệnh nhân cũng như quy trình thực hiện kíp trực cấp cứu hôm đó. Trước mắt, đã nhắc nhở các cá nhân liên quan rồi phía bệnh viện sẽ họp và đưa ra hình thức xử lý.

Qua sự việc này, Sở Y tế Đăk Lăk cũng chỉ đạo các bệnh viện, phòng khám cần quán triệt đến toàn thể nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc về trực ca, kíp trực, nhất là trực cấp cứu. Tại các tuyến huyện, dù đêm tối hay ít bệnh nhân thì bắt buộc phải bảo đảm trực cấp cứu liên tục 24 giờ, để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân. Các ca, kíp trực phải được tổ chức chặt chẽ, có đầy đủ các phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc để kịp thời cứu người. Nếu để xảy ra sai xót hay gây bức xúc cho bệnh nhân và nhân dân sẽ bị xử lý nghiêm.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn