Hoàng kỳ - vị thuốc quý cho bệnh thận mạn

SKĐS - Hoàng kỳ là một vị thuốc bổ lâu đời. “Thần Nông bản thảo kinh”, quyển sách đầu tiên về dược vật học, đã cho hoàng kỳ là thượng phẩm.

Bệnh thận mãn tính (Chronic Kidney Disease - CKD) là một tình trạng ngày càng phổ biến (cứ mỗi 10 người có 1 người mắc bệnh thận mạn ở các giai đoạn khác nhau trên thế giới). Nó là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu với tỉ lệ tử vong cao và chi phí y tế rất lớn, có thể phát sinh ra nhiều bệnh cảnh mới, hơn nữa không thể kéo dài tuổi thọ.

Hoàng kỳ vốn được xem là thuốc bổ khí từ xưa đến nay, nhưng phạm vi ứng dụng thực tế mở rộng rất nhiều. Ngày nay nó được nghiên cứu rất nhiều để ứng dụng trong điều trị bệnh thận.

Hoàng kỳ

Mô tả dược liệu

Hoàng kỳ: tên khoa học Astragalus membranaceus Bge; họ Đậu (Fabaceae).

Thành phần hóa học:

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi, hoàng kỳ có nhiều thành phần rất tốt cho cơ thể như: saccaroza, nhiều loại axít amin, protid, cholin, betatain, axít folic, vitamin P, selenium, sắt, canxi, phốt pho, magnesium và amylase.

Dùng hoàng kỳ 40g/ngày giúp cải thiện chức năng thận

Tính vị, quy kinh:

Cam, ôn. Vào các kinh phế, tỳ.

Công dụng:

Người xưa cho rằng, hoàng kỳ có tác dụng:

- Điều trị các triệu chứng suy nhược cơ thể.

- Bổ nguyên khí, tăng cường các chức năng của tạng phủ.

- Bổ tỳ, vị.

- Có tác dụng giải độc.

- Trị lở loét, giảm đau, hoạt huyết, là phương thuốc hữu hiệu để điều trị mụn nhọt, lở loét.

Hoàng kỳ trong điều trị bệnh thận mạn

Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh rằng, hoàng kỳ có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm chậm sự lão hóa của tế bào và có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa. Qua nhiều nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm cho thấy hoàng kỳ có các tác dụng sau trong điều trị bệnh thận mạn:

Giảm protein niệu (đạm niệu):

Protein niệu không chỉ được coi là dấu hiệu quan trọng tổn thương thận, mà cũng là một yếu tố làm cho bệnh lý thận nặng lên. Ảnh hưởng của hoàng kỳ trong việc giảm mức độ protein niệu có thể có lợi ích trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn.

Sử dụng hoàng kỳ (40g/ngày) hoặc kết hợp với đương quy trong 12 tuần, có tác dụng làm giảm đạm niệu, tăng độ lọc cầu thận, làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh.

Giảm lipid máu:

Hoàng kỳ có thể cải thiện rối loạn chuyển hóa lipid do tác động lên thụ thể tại gan.

Chống viêm và điều hòa miễn dịch tại thận:

Hoàng kỳ ức chế các cytokine gây viêm và có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ trong các tế bào biểu mô.

Tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương thận:

Nghiên cứu cho thấy dùng hoàng kỳ (40g/ngày) giúp cải thiện chức năng thận. Hoàng kỳ có thể duy trì mức độ ổn định của eGFR và trì hoãn việc bắt đầu điều trị thay thế thận ở những bệnh nhân CKD giai đoạn 4 tiến triển.

Tác dụng lợi tiểu:

Hoàng kỳ cải thiện cân bằng nước và natri, làm tăng lượng nước tiểu.

Kiểm soát huyết áp:

Ở liều thấp hoàng kỳ có tác dụng tăng huyết áp nhẹ. Với liều lớn hơn 30g/ngày hoàng kỳ làm hạ huyết áp ổn định.

Phục hồi tổn thương tái tưới máu do thiếu máu cục bộ:

Hỗn hợp của hoàng kỳ và đương quy (30g/ngày/lần/3 tháng) đã được chứng minh bảo vệ thận chống lại tổn thương thiếu máu cục bộ và tăng phục hồi chức năng và mô học sau khi thận tổn thương do thiếu máu cục bộ.

Tác động lên quá trình xơ hóa thận:

Hoàng kỳ và đương quy tác động trên biểu hiện TGF-1 - một chất điều chỉnh quan trọng ảnh hưởng đến sự tiến triển của xơ thận.

Hoàng kỳ và hỗn hợp của hoàng kỳ với các loại thuốc  khác như đương quy và xuyên khung có thể có vai trò có lợi trong việc làm chậm sự tiến triển của CKD. hạn chế kích hoạt viêm, điều hòa miễn dịch nội tại thận, giảm đạm niệu, và tăng albumin huyết và giảm lipid máu, tăng độ lọc cầu thận, lợi tiểu, hạ áp...

Hoàng kỳ Rễ hoàng kỳ (Radix Astragali)

Phương thuốc tham khảo

Trị chứng tiểu tiện bí: lấy 6g hoàng kỳ, thêm 2 chén nước sắc còn 1 chén, uống khi thuốc còn nóng. Trẻ nhỏ chỉ uống một nửa.

Trị chứng tiểu ra máu hoặc nước tiểu lẫn máu: hoàng kỳ, hoàng liên tán nhỏ, trộn với nước rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 30 viên.

Trị chứng tiểu ít: hoàng kỳ, nhân sâm nghiền nhỏ. Lấy vài lát củ cải, thêm một ít mật ong rồi sao qua. Sau đó tán nhỏ, uống với nước muối dưa chua.

Trị chứng tiểu đạm, cao huyết áp: hoàng kỳ và đương quy tán bột hoặc sắc nước (30g - 40g/ngày/lần/3 tháng).

Trị phù thũng: nước sắc hoàng kỳ 6 - 12g/ngày.

Tương tác thuốc: tránh dùng chung với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu, kháng tiểu cầu, hoặc thuốc chống huyết khối.


BS. LÊ THỊ NGỌC DIÊP
Ý kiến của bạn