1. Tác dụng của hoàng kỳ trong các y thư cổ
Theo tài liệu cổ, hoàng kỳ có nhiều tác dụng khác nhau, tùy theo cách bào chế.
Nếu dùng sống: Sinh hoàng kỳ có tác dụng ích vệ, cố biểu, lợi thủy, tiêu thũng, thác độc, sinh cơ.
Nhưng nếu đã bào chế (nướng) thì có tác dụng bổ trung ích khí... (Trung được đại từ điển).
Nếu tẩm sao, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí huyết, bổ tỳ vị (Trung Quốc dược học đại từ điển); hoặc có tác dụng bổ khí, cố biểu, lợi thủy, thác độc, mau lành các vết thương, sinh cơ (Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc dược điển).
Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn, quy vào hai kinh phế và tỳ; có tác dụng bổ khí thăng dương, cố biểu, lợi tiểu… Được áp dụng điều trị những triệu chứng như tiêu chảy, mệt mỏi, tự hãn (tự đổ mồ hôi), ăn uống kém ngon, cảm lạnh, hụt hơi, dương hư huyết thoát...
Một số chỉ định truyền thống khác bao gồm những chứng bệnh đạo hãn (đổ mồ hôi ban đêm), lở loét và đau mãn tính, tê cóng và chứng liệt chân tay, phù thũng...
Trong một số cổ thư như Bản kinh, Biệt lục, Dược tính bản thảo..., hoàng kỳ được sử dụng điều trị một số bệnh chứng như lợi thủy tiêu thũng, thác sang sinh cơ (trừ mụn nhọt lở loét, mau liền da thịt); chủ trị các chứng nội thương suy nhược, tỳ hư khí nhược (chức năng tiêu hóa yếu), ngũ lao (5 tạng hư tổn) gầy ốm, chỉ khát, bụng đau, tiêu chảy, lỵ, ích khí, lợi âm khí.
Sách Nhật hoa tử bản thảo cho rằng hoàng kỳ có tác dụng trợ khí, tráng gân cốt, trưởng nhục, mạnh cơ bắp, bổ huyết, huyết băng, đới hạ..., đặc biệt là phá trưng tích, trị loa lịch…. Hoàng kỳ thường được dùng độc vị hoặc phối hợp với những vị thuốc khác.
2. Tác dụng của hoàng kỳ trong y học hiện đại
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hoàng kỳ có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể; thúc đẩy quá trình chuyển hóa sinh lý của tế bào, tăng cường chuyển hóa protid của huyết thanh và gan; tăng cường độ co bóp của tim bình thường, đối với trạng thái suy tim do mệt mỏi hoặc do nhiễm độc tác dụng cường tim của hoàng kỳ càng rõ.
Đối với động vật thí nghiệm, nước sắc, cao lỏng và cồn thuốc hoàng kỳ đều có tác dụng hạ áp nhanh, nhưng thời gian tác dụng ngắn, có thể do làm giãn mạch ngoại vi; còn có tác dụng tăng sức đề kháng của mao mạch, có thể đề phòng hiện tượng thẩm thấu của mao mạch tăng do histamin gây nên; bảo vệ tế bào gan; lợi tiểu, chống phù thũng.
Vị thuốc hoàng kỳ
Thí nghiệm lâm sàng cho thấy, hoàng kỳ dùng cùng với đảng sâm có tác dụng chữa protein niệu do viêm thận có kết quả tốt; kháng nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như trực khuẩn lỵ Shigella, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, tụ cầu vàng.
3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư
3.1 Hỗ trợ điều trị ung thư và phẫu thuật điều trị ung thư: Hoàng kỳ 40g, sắc uống ngày một thang.
3.2 Hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày hoặc sau phẫu thuật cắt u: Hoàng kỳ, đảng sâm, phục linh, bạch thược, mỗi vị 30g; bạch truật 20g, đương quy 12g, quế chi 10g, cam thảo và đại táo 5g. Sắc uống ngày một thang.
3.3 Hỗ trợ điều trị ung thư bàng quang: Hoàng kỳ 60g, thạch vĩ 60g, ban trang căn 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
3.4 Hỗ trợ điều trị ung thư cổ tử cung: Hoàng kỳ, bạch mao đằng, nữ trinh tử (cây xấu hổ), câu kỷ tử, bổ cốt chi, mỗi vị 30g; Kha tử, thích gia bì mỗi vị 15g. Sắc uống ngày một thang.
3.5 Hỗ trợ điều trị ung thư tai mũi họng: Hoàng kỳ, đan sâm, kê huyết đằng, xích thược, mỗi vị 30g; xuyên khung, đào nhân, hồng hoa, trần bì mỗi vị 10g; đương quy 20g. Sắc uống ngày một thang.
3.6 Hỗ trợ điều trị bệnh bạch huyết mãn tính: Sinh hoàng kỳ 30g, đảng sâm 20g, sinh quy bản 20g, sinh miết giáp 15g, thạch quyết minh 15g, địa hoàng 10g, a giao 10g, địa cốt bì 10g, quy vĩ 20g, đan bì 10g, tô mộc 10g. Sắc uống ngày một thang.
3.7 Hỗ trợ điều trị bệnh u keo ở não: Hoàng kỳ, bạch hoa xà thiệt thảo mỗi vị 30g, đương quy 20g, bán biên liên 10g. Sắc uống ngày một thang.
3.8 Hỗ trợ điều trị chứng giảm bạch cầu: Sinh hoàng kỳ 30g, đảng sâm 15g, hồng táo 20 quả. Sắc uống.
Mời bạn xem thêm video:
Mỹ phát triển thuốc chữa khỏi ung thư