Hà Nội

Hoảng hồn: Ngậm kẹo mút ngủ quên bé trai nuốt trôi que nhựa dài 7cm

22-06-2019 08:39 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố -HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công cho bệnh nhi 7 tuổi nuốt trôi kẹo mút trong lúc ngủ.

Bệnh nhi là bé trai  tên là T.M.K  7 tuổi, ở Long An. Theo lời kể của người nhà bé, vào chiều ngày 19/6, trong lúc nằm mút kẹo bên cạnh mẹ, bé trai bỗng ngủ quên. Không lâu sau đó mẹ bé phát hiện con mình đã nuốt que kẹo vào họng. Quá  hoảng loạn, mẹ bé lay con dạy, móc họng, cho uống nước… nhưng vẫn không lấy được dị vật ra ngoài.

Bệnh nhi ngay lập tức được đưa đến bệnh viện địa phương rồi chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngay trong đêm.

"Mọi thứ diễn ra quá nhanh, sau khi quay lại và không thấy thanh kẹo mút trên tay con, em đã biết chuyện chẳng lành vừa xảy ra. Thằng bé khóc rất nhiều. Quá hoảng loạn, móc họng không ra, em chỉ biết nhanh chóng đưa con tới bệnh viện nhờ các bác sĩ cứu giúp con trai mình”, chị K.N, mẹ bệnh nhi hoảng hồn kể lại.

Bệnh nhi được đưa đến BV Nhi đồng Thành phố cấp cứu trong đêm.

Theo BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, tại phòng Cấp Cứu, các bác sĩ đã khám loại trừ dấu hiệu nguy hiểm, bệnh nhi được chụp phim và siêu âm bụng, kết quả cho thấy một dị vật ống thẳng dài hơn 5cm áp sát thành dạ dày. Bệnh nhân được gắp dị vật là que kẹo dài 7,5 cm bằng thòng lọng qua nội soi và nhanh chóng ổn định sức khỏe trở lại bình thường.

BS Nguyễn Cẩm Tú, trưởng khoa Tiêu Hóa, trưởng ekip nội soi cho biết, nếu không đươc xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi sẽ bị nhiễm trùng và viêm dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường. Nguy hiểm hơn, sẽ làm tổn thương, thậm chí là thủng dạ dày.

Hình ảnh dị vật trong quá trình nội soi.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ cần đặc biệt chú ý khi con chơi với những đồ vật hay thức ăn có nguy cơ hóc, nghẹn cao. Ngoài ra, việc vừa nằm vừa mút thanh kẹo mút cũng khiến trẻ dễ lơ là, nuốt trôi hay hóc sặc gây tắc, nghẹt thở, thậm chí mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Điều quan trọng các phụ huynh cần lưu ý, trẻ em thường bị hóc dị vật thực quản dạ dày với triệu chứng như đau vọng, vướng ở họng, đau vùng ngực, đau bụng... có thể có các trường hợp đau ở dạ dày, dễ gây nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày thông thường. Khi bị hóc dị vật, ngoài biết cách sơ cứu đúng và kịp thời bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.

 


Sơ cứu đúng cách khi hóc dị vật

Thực tế cho thấy, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật rất quan trọng và cần thiết. Theo các bác sĩ các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Cụ thể, cho trẻ ngồi trên ghế và đặt lên cánh tay mình, cho đầu chúi xuống, nghiêng một bên, sau đó vỗ lưng 5 lần. Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật có ra không. Nếu dị vật vẫn bị mắc thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ngực trẻ nhiều lần, sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ...

 



Khánh Mai
Ý kiến của bạn