Bệnh nhân tên là V.Đ.M (40 tuổi), địa chỉ ở Thái Nguyên. Theo lời của bệnh nhân kể, bệnh nhân có tiền sử tâm thần và đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên.
Khoảng hơn 2 tuần, trước khi vào Bệnh viện, người bệnh có dấu hiệu bụng chướng, ăn không tiêu và được cán bộ y tế của Bệnh viện Tâm thần đưa đi khám và điều trị ở trạm y tế, rồi chuyển đến Bệnh viện A Thái Nguyên điều trị. Với chẩn đoán theo dõi bệnh lý tắc ruột/Xơ gan - rối loạn tâm thần nhưng không đỡ.
Hình ảnh chiếc bàn chải đánh răng bám thức ăn và dịch mật trong đường tiêu hoá của bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bán tắc ruột cơ năng/Xơ gan và được chuyển vào khoa Nội Tiêu hoá điều trị. Các bác sĩ khoa Nội Tiêu hóa đã tiến hành nội soi, phát hiện có dị vật ở đoạn DII tá tràng (một chiếc bàn chải đánh răng) đã có hiện tượng bám thức ăn và dịch mật trong đường tiêu hoá của bệnh nhân, ngay lập tức các bác sĩ đã quyết định thực hiện lấy dị vật (bàn chải đánh răng) ra khỏi ống tiêu hoá của bệnh nhân.
Ca nội soi được tiến hành khó khăn do dị vật đã di chuyển đến đoạn công DII của tá tràng. Bằng kinh nghiệm và sự hỗ trợ của phương tiện trang thiết bị hiện đại, ê kíp nội soi gồm: ThS.BS. Lục Lê Long, BSCKI. Nguyễn Thị Phương Nga, Điều dưỡng Đặng Hoàng Sơn và Điều dưỡng Mẫn Thị Thúy Thanh, khoa Nội Tiêu hoá đã tiến hành nội soi, gắp ra khỏi tá tràng của bệnh nhân với dị vật là bàn chải đánh răng với kích thước 18 cm.
Chiếc bàn chải dài 18 cm được gắp ra từ tá tràng của bệnh nhân tâm thần.
Theo ThS.BS. Lục Lê Long, khoa Nội Tiêu hóa, Trưởng kíp nội soi cho biết, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp nuốt dị vật vào đường tiêu hoá như: Răng giả, niềng răng, hạt hoa quả, đồng su, các loại xương cá, xương gà, thịt lợn và đặc biệt đây là ca thứ 2 nuốt bàn chải đánh răng đối với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần mà bệnh nhân không tự ý thức được nên gia đình và quản lý không nắm bắt được.
Qua sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chú ý những vật dụng cá nhân khi sinh hoạt hằng ngày dễ hóc, nuốt phải gây tắc nghẽn, nguy hiểm đến đường tiêu hoá. Nếu phát hiện những trường hợp trên, nên đưa đến các cơ sở y tế uy tín, trong đó có khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Thái nguyên, là nơi luôn thực hiện thành công nội soi cấp cứu, phục vụ những trường hợp hóc, tắc dị vật đường tiêu hoá.
Ai dễ mắc dị vật đường tiêu hóa?
Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi… Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong do biến chứng của dị vật gây ra còn rất cao.
Tất cả mọi người không phân biệt tuổi và giới đều có thể bị mắc dị vật đường tiêu hóa. Song nhiều nghiên cứu đã cho thấy những đối tượng sau thường bị mắc hơn là: trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ chơi trong khi chơi; người có răng kém hoặc có răng giả; người cao tuổi; người mắc bệnh tâm thần; người say rượu; người có thói quen ăn uống nhanh, nuốt vội...; bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng như cắt 2/3 dạ dày nối vị tràng...; người có bệnh hẹp môn vị, làm ứ đọng thức ăn trong dạ dày - tá tràng...
Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến kích thước to hay nhỏ, thời gian mắc sớm hay muộn. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào cũng không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh thầy thuốc mới phát hiện dị vật. Có thể phân chia các triệu chứng mắc dị vật làm 2 nhóm: mắc tại thực quản và mắc tại dạ dày. Khi mắc dị vật trên thực quản, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sau: nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức, ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; bệnh nhân có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe... Nếu mắc dị vật ở dạ dày có dấu hiệu: đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, đầy bụng, chậm tiêu.
Tỷ lệ tử vong do các biến chứng của dị vật gây nên là rất lớn. Tiên lượng và kết quả điều trị phụ thuộc vào tính chất của dị vật và thời gian xử trí sớm hay muộn. Các loại dị vật của đường tiêu hóa rất đa dạng, song các nhà chuyên môn phân chúng làm 3 loại chính như sau: dị vật thực sự là loại dị vật hay gặp nhất như xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin, đồ chơi...; dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau, trái cây...; dị vật dạng cục bã thức ăn được tạo bởi bã, xơ thực vật, có thể kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây... với chất nhầy của dạ dày.