Phát biểu tại hội thảo, ông Jerome Faucet, Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam cho biết : Trong những năm tới nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở Việt Nam. Nắng nóng sẽ khiến cho số người dân phải nhập viện gia tăng. Theo thống kê sơ bộ, vào các đợt nắng nóng, số người dân nhập viện tăng 20%. Cũng theo khảo sát có 66% những người lao động ngoài trời như lái xe ôm, hàng rong, thợ xây mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng. Ông Jerome Faucet cho rằng: Nếu không có các biện pháp phòng ngừa thiệt hại gây ra do nắng nóng như say nắng, đột quỵ....thì nắng nóng là một trong những tác nhân dẫn đến tử vong thầm lặng.
Ông Jerome Faucet, Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và lĩnh vực cảnh báo, dự báo là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Ông Hùng khẳng định: Dự án “Giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội thông qua nâng cao năng lực cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo” (gọi tắt là sẵn sàng cho FbF) đã thể hiện được tính cần thiết của nó với những điểm nổi bật, đó là: Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai nhanh nhậy, kịp thời, hiệu quả; Định hướng một cách ứng phó mang tính chuyên sâu (nắng nóng là 1 trong 21 loại hình thiên tai); Dự án có tính khoa học, kết nối được với các đối tác; Tạo ra những bài học về ứng phó với nắng nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và quốc tế; Hướng tiếp cận của dự án là một nội dung đã được lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đưa vào Chiến lược của Hội giai đoạn 2030-2045.
Phó Chủ tịch Trần Quốc Hùng đề nghị trong quá trình triển khai dự án, các bên cần tuân thủ đúng quy trình ứng phó thiên tai thảm họa mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành để đạt kết quả tốt nhất.
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Được biết, dự án “Giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội thông qua nâng cao năng lực cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo” là dự án đầu tiên trong 22 dự án FbF ứng phó với nắng nóng được triển khai trên toàn cầu. Dự án được triển khai từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2020, nhằm mục tiêu xây dựng hành động sớm giúp giảm tác động tiêu cực của nắng nóng lên sức khoẻ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người khuyết tật, người bị bệnh mãn tính và người bán hàng rong). Các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn là cơ sở để kích hoạt các hành động cứu trợ nhân đạo trước thiên tai nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai.
Trong tháng 8, 9/2019, Dự án đã được triển khai thí điểm tại 3 phường của Hà Nội. Từ những kết quả của hoạt động thí điểm dự án đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để thiết lập Quy trình chuẩn vận hành điểm tránh, trú nắng cố định và lưu động. Hội thảo lần này là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành điểm tránh, trú nắng cố định và lưu động để có thể mở rộng các điểm tránh, trú nắng trên địa bàn Hà Nội trong năm tới.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và xemlại video mà các cơ quan báo chí truyền thông đã đưa tin về đợt thí điểm dùng xe buýt lưu động kết hợp với dựng các nhà bạt làm điểm nghỉ ngơi, hỗ trợ y tế cho người lao động đã được thực hiện thời gian qua. Cùng với đó, bằng những hình ảnh thực tế được ghi lại, đại diện từng khu vực đã chỉ ra những ưu điểm và nhiều bất cập xuất phát từ thực tế, từ việc bố trí địa điểm đặt điểm tránh nắng di động phù hợp, bố trí những vị trí ngồi để tình nguyện viên có thể chăm sóc người trú, tránh nắng một cách tốt nhất, giải thích và sử dụng một cách tối đa hình ảnh nhận diện Chữ thập đỏ để những người cần trú, tránh nắng có thể nhận biết được đây là chương trình phục vụ cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với vai trò là tổ chức nòng cốt trong hoạt động nhân đạo của đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội đã chuyển mạnh sang hỗ trợ phòng ngừa, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn; hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Trong đó, hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo là cách tiếp cận mới - dựa trên thông tin dự báo và phân tích rủi ro thiên tai có thể sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện hành động sớm cho hoạt động nhân đạo.