TP.HCM chuẩn bị phương án cho tình huống có 30.000 ca bệnh
Trong ngày 8/5, TP.HCM ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm mới là BN3205, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đến nay, số trường hợp nhiễm COVID-19 phát hiện tại thành phố là 267. Trong đó có 243 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 24 trường hợp đang điều trị.
Liên quan đến các ca bệnh mới được phát hiện trong nước và thành phố, hiện nay TP.HCM đã truy vết được hàng trăm trường hợp, nhiều trường hợp vẫn đang được cách ly, theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, hàng trăm trường hợp F2, F3 cũng được cách ly, theo dõi tại nhà.
Công tác tiếp nhận người cách ly tại khu trung tâm cách ly Quận 7, TP.HCM. Ảnh: H.T
TP.HCM có mật độ dân số đông nhất cả nước, giao thương đi lại phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập được nâng lên mức “báo động”, được đánh giá là “điểm nóng”.
Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh xâm nhập, TP.HCM đã gấp rút hoàn thành các kịch bản đáp ứng công tác thu dung điều trị, với phương châm “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ).
TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó trong tình huống dịch lan rộng từ cấp thấp đến cấp cao. Cụ thể, triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung của thành phố, nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường. Mỗi quận huyện duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung công suất 100 giường.
Dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh); phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và Trung ương trên địa bàn (24 cơ sở) đảm bảo công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24h, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000-40.000 mẫu đơn). 22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi đơn vị (tổng cộng 250 đội); huy động lực lượng sinh viên các trường ĐH y khoa (400 người) thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh ổ dịch.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin về các phương án điều trị ca bệnh COVID-19 từ cấp thấp đến cấp cao. Ảnh: TTBC
Về phương án tổ chức điều trị, TP.HCM sẵn sàng triển khai ngay phương án điều trị cho 50-100 người bệnh COVID-19, dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh và nhiều hơn. Ngành y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để trình UBND TP, chuẩn bị phương án cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác dự phòng, hiện nay tại thành phố đã có 59.260 người thuộc đối tượng ưu tiên (nhân viên y tế, nhân viên thực hiện cách ly tập trung, nhân viên sân bay) được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thành phố đang gấp rút đảm bảo chất lượng tiêm chủng, an toàn, đúng tiến độ quy định, hoàn tất tiêm vét mũi 1 trước ngày 15/5, đạt tỷ lệ tiêm 98%.
Đảm bảo người bệnh vùng biên được điều trị tại chỗ
Tại tỉnh Đồng Tháp, được xem là một trong những “điểm nóng” ở phía Tây - Nam trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập. Đây là nơi sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam, phía đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh An Giang, phía nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía bắc giáp tỉnh Prey Veng (Campuchia) và tỉnh Long An. Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới giáp với Campuchia, có chiều dài hơn 50 km với 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong chuyến kiểm tra phòng chống dịch ở bên giới Tây - Nam. Ảnh: H.T
Ngoài các cửa khẩu được quản lý xuất - nhập cảnh chặt chẽ, với hơn 50 km đường biên từ lâu trên địa bàn đã tồn tại nhiều đường dân sinh, đường mòn- lối mở. Trên thực tế, thời gian vừa qua, lực lượng liên ngành của tỉnh đã kiểm soát và phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, cho nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, từ đầu mùa dịch đến nay các cấp, ban ngành và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã và đang thực hiện nghiêm các biệt pháp phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đồng Tháp đã chỉ đạo các cấp, ban ngành liên quan tăng cường kiểm soát biên giới. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh đã quán triệt thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ tùy theo cấp độ dịch bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: H.T
BS.CKI Mai Ngọc Lành – Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên toàn tỉnh hiện đã triển khai 5 khu cách ly tập trung với tổng công suất tiếp nhận hơn 1.000 người. Trong tình huống phải tiếp nhận nhiều kiều bào hơn, tỉnh đã có phương án huy động thêm các khu cách ly tập trung khác. Tại mỗi khu cách ly đều được xây dựng khu điều trị, trong trường hợp có ca bệnh. Bên cạnh đó, thuốc men, trang thiết bị y tế chống dịch cũng đã được trang bị tại chỗ. Tỉnh đã có phương án chọn Trung tâm y tế huyện Hồng Ngự (mới) và có thể thêm Trung tâm y tế huyện Tân Hồng làm bệnh viện dã chiến tại khu vực biên giới trong trường hợp số ca lây nhiễm nhiều, vượt quá khả năng của từng đơn vị riêng lẻ. Tổng cộng khoảng 1.000 giường. Người bệnh sẽ không phải di chuyển đến nơi khác điều trị.
Trước đây, các mẫu xét nghiệm khẳng định COVID-19 trên địa bàn phải gửi đến Viện Pasteur TP.HCM. Hiện nay, tỉnh đã nâng cao năng lực xét nghiệm, tổng cộng công suất tối đa khoảng 3.000 mẫu/ngày. Trong đó, tỉnh chú trọng phân bổ các thiết bị ở các khu vực biên giới. Bên cạnh nhiều trang thiết bị y tế từ các nguồn tài trợ, tỉnh đang đấu thầu mua thêm 1 máy PCR và 3 máy tách chiết tự động từ nguồn quỹ phòng chống dịch COVID-19, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quản lý, để tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.