Xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật là hết sức cần thiết
Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Trình bày tổng quan một số vấn đề về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (XDPL), Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, kế thừa các thành tựu lập pháp của giai đoạn trước, Quốc hội Khóa XIV đã tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, tập trung xây dựng và ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, công tác XDPL thời gian qua vẫn còn những hạn chế.
Để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, việc xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là hết sức cần thiết.
8 nhóm nhiệm vụ XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Về nhiệm vụ XDPL nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Đề án xác định 8 nhóm bao gồm:
1/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.
2/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tận dụng tối đa các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng khung chính sách pháp luật về phát triển hạ tầng số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia; hoàn thiện thể chế, pháp luật phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, điện ảnh, di sản văn hóa.
3/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, trọng tâm là pháp luật về bảo hiểm xã hội, việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách chất lượng, an toàn, thuận lợi của tất cả người dân; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh có quy mô tác động lớn; nâng cao chất lượng dân số.
4/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, trọng tâm là pháp luật về đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
5/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước;
6/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nội luật hóa đầy đủ, kịp thời cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
7/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của Nhân dân; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong mọi cơ chế, chính sách, pháp luật.
8/ Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trọng tâm là tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện quy trình lập pháp, cơ chế giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...
Với tinh thần chủ động đi trước một bước, chuẩn bị từ sớm, từ xa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc nghiên cứu, rà soát đối với các nhiệm vụ lập pháp cần được các cơ quan, tổ chức tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ (2022 - 2023) để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các năm trong nhiệm kỳ.