bổ sung một số nội dung dự án luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay như: quy định thời hạn bảo vệ BMNN; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; xây dựng rõ danh mục bí mật Nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng, cái gì cũng... mật hóa.
Luật Bảo vệ BMNN là yêu cầu khách quan và cần thiết
Theo Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ BMNN do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, Pháp lệnh Bảo vệ BMNN số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001 (sau đây gọi là Pháp lệnh). Triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác bảo vệ BMNN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, ý thức trách nhiệm bảo vệ BMNN của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục BMNN, quy chế bảo vệ BMNN và tăng cường công tác bảo vệ BMNN; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập BMNN của các thế lực thù địch. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho rằng có tình trạng lạm dụng “mật”.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ BMNN và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, việc sửa đổi và xây dựng dự án Luật Bảo vệ BMNN là yêu cầu khách quan và cần thiết.
Bịt chặt kẽ hở để tránh lộ, lọt thông tin bí mật của Nhà nước
Thảo luận ở tổ, đa số đại biểu tán thành với Tờ trình dự án luật và cho rằng, dự án luật đã tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ BMNN đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung dự án luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Theo ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa), thực tiễn những năm gần đây, tình trạng lộ, lọt BMNN diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ BMNN là rất cần thiết nhằm bịt chặt các kẽ hở để khắc phục tình trạng nêu trên. Bên cạnh đó, ĐB Hùng cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục BMNN cần bảo vệ nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy định bảo vệ BMNN để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hóa” văn bản để bưng bít thông tin. Liên quan hành vi bị cấm quy định trong luật này, ĐB Vũ Xuân Hùng cho rằng, hiện nay do hạn chế nhận thức về bảo vệ BMNN và do nhiều lý do khác nhau nên có tình trạng cá nhân, tổ chức tùy tiện mang tài liệu bí mật ra ngoài. Do vậy, cần phải quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm.
ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) góp ý vào dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề lợi dụng quy định bảo vệ BMNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cũng cho rằng có tình trạng lạm dụng “mật”. Đồng thời đặt vấn đề “sức khỏe lãnh đạo Đảng và Nhà nước của ta có phải bí mật không? Nếu như BMNN thì ta phải thực hiện theo đúng tính chất của BMNN, chứ không để thông tin ra ngoài trái chiều, khác nhau”. ĐB Bùi Đặng Dũng dẫn chứng, vừa qua liên quan đến sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sao không công khai mà cứ để trên mạng, ngoài xã hội đồn thổi. “Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật bình thường, tuổi 60 bệnh tật cũng là lẽ thường. Chỉ đến khi hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện khỏe mạnh thì ngay lập tức đập tan dư luận, nếu công bố sớm hơn thì tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc” - ĐB Dũng góp ý.
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh), BMNN là những thông tin quan trọng, thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là cơ sở phân biệt giữa BMNN với các loại bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời tư. Về thời hạn và việc gia hạn thời hạn bảo vệ BMNN, dự thảo luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ BMNN: tuyệt mật: 30 năm; tối mật: 20 năm; mật: 10 năm. Thời hạn bảo vệ BMNN được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Về vấn đề này, đại biểu Hải cũng cho rằng, thực tế có những tài liệu mật được bảo vệ suốt đời, chứ không phải 10, 20, 30 năm... Bởi vậy, cần phải bổ sung cơ sở nào quy định các thời hạn 10 năm, 20 năm, 30 năm? Thời hạn gia hạn bao nhiêu lần?