Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ. Trong đó có nội dung khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc.
Báo cáo cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, số nhân sự cơ quan, tổ chức hành chính xin thôi việc, nghỉ việc là 1.029 người, chiếm 10,19%. Con số này ở các đơn vị sự nghiệp công lập là 35.523 người, chiếm 89,81%.
Số lượng công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc ở các bộ ngành là 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%). Số nghỉ việc, thôi việc ở các địa phương là 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người chiếm 92,22%). Số lượng công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 25.507 người, chiếm tỷ lệ 64,49%.
Về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục báo cáo nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời trình Quốc hội thông qua phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) thực hiện từ ngày 1/7/2023.
Tuy nhiên để giải quyết căn cơ vấn đề này, trong thời gian tới Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiến lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của nước ta, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát hệ thống thể chế, chính sách, điều chỉnh, bổ sung, đổi mới hơn nữa công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm khách quan, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài.
Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, theo thông tin tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023: "Những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.
Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Từ chiều nay, miền Bắc sẽ đón không khí lạnh tăng cường, có nơi dưới 16 độ | SKĐS