Ngày 22/2, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng chủ trì phiên giải trình.
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương và nhân dân mà trực tiếp là mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em được quan tâm hơn. Việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng. Nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân trong gia đình gây ra.
Trên tinh thần dân chủ, xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan chức năng, các đại biểu nêu các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực ở trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Tại phiên giải trình, các ĐBQH đã đề nghị Bộ LĐTBXH cần làm rõ tính đầy đủ, toàn diện của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em; trách nhiệm của Bộ và các đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan trong xử lý các vụ việc bạo lực trẻ em trong thời gian gần đây; nguyên nhân xảy ra các vụ bạo lực trẻ em nghiêm trọng; hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực trẻ em; nhân lực tại cơ sở thực hiện công tác trẻ em…
Nêu vấn đề, thời gian vừa qua có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng về bạo hành trẻ em xảy ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đây không chỉ là vụ việc mang tính đơn lẻ mà trở thành một vấn đề xã hội được dư luận hết sức quan tâm.
Giải đáp vấn đề của ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021, tổng số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em qua báo cáo và tiếp nhận có giảm 1.6%. Tuy nhiên, tính chất và mức độ phức tạp hơn, đặc biệt là những ngày cuối năm 2021 xảy ra một số vụ đau lòng, khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, hiện nay đạo đức xã hội xuống cấp ở một nhóm bộ phận xã hội; xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới, trong đó vấn đề thực hiện quyền trẻ em là một trong số nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em. Tất cả các vụ việc vừa qua đều bắt nguồn từ xung đột gia đình mà người lớn không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường.
Ngoài ra, tồn tại một nguyên nhân sâu xa là môi trường xã hội chưa thực sự an toàn. Trong xã hội còn đang xem nhẹ hành vi bạo lực gia đình và thái độ thờ ơ "đèn nhà ai, nhà nấy rạng" là lỗ hổng, thúc đẩy gia tăng bạo lực trẻ em.
Về giải pháp, các đại biểu đề xuất tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cùng với việc xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.