Hoàn thành 10 tập kịch bản đầu tiên của “Hà Nội dấu yêu”

21-03-2009 6:16 AM | Văn hóa – Giải trí

Hạ quyết tâm - 6 ngày viết 1 tập, vậy mà sau 4 tháng mới hoàn thiện được 10 tập đầu tiên của bộ phim truyền hình 45 tập Hà Nội dấu yêu.

Hạ quyết tâm - 6 ngày viết 1 tập, vậy mà sau 4 tháng mới hoàn thiện được 10 tập đầu tiên của bộ phim truyền hình 45 tập Hà Nội dấu yêu. Thế đã là cố gắng lắm, bởi nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang “bơi” trong đống hợp đồng được “ấn vào tay” mà hợp đồng nào cũng hoành tráng và quan trọng - Kịch bản 10 ngày Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; kịch bản Công bố quyết định của Thủ tướng về Ngày Văn hoá các dân tộc VN; kịch bản Asian Indoor Games 3/2009...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục trao đổi về kịch bản Hà Nội dấu yêu. 

Thú nhận “yêu Hà Nội” bằng máu thịt nên phải viết một bộ phim “để đời” với chính mình, chứ không đơn thuần là phim  hướng đến ngày Đại lễ, Nguyễn Khắc Phục đã vắt sức trên từng kịch bản bằng  chính những trải nghiệm từ  cuộc đời mình. Ông bảo: “Tôi chọn 60 năm cuối của Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ năm 1950. Đời một người Hà Nội từ năm 1950 đến nay, bao nhiêu kịch tính, đau khổ, hạnh phúc, vấp ngã, bừng tỉnh, ám ảnh và hy vọng... Thông qua cuộc đời của nhân vật chính (một công chức Hà Nội bình thường như vô vàn người dân Hà Nội khác), những biến cố quan trọng nhất liên quan đến Hà Nội sẽ được tái hiện, như: Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến; Hà Nội đổi mới, hội nhập và những hệ luỵ liên quan như phát triển, công tác quản lý xã hội,  sự biến động của thị trường chứng khoán, lạm phát”.

Viết bằng sự trải nghiệm, bằng chất liệu sống thực tế  nên tác giả khẳng định rất khó tách bạch có bao nhiêu phần trăm là “ông Phục” trong nhân vật chính. Nhưng chắc chắn, những chi tiết đời tư của nhân vật thì chẳng liên quan gì đến người viết kịch bản, còn tâm thế, cảm xúc của nhân vật và tác giả thì là một.

Trong số các kịch bản điện ảnh và truyền hình đã được duyệt đưa vào sản xuất cho ngày Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,  Hà Nội dấu yêu là phim duy nhất thuộc thể tài tâm lý xã hội lấy bối cảnh thời hiện tại với độ lùi 60 năm. Vì thế, hơn bao giờ hết, bộ phim phải thể hiện được nét đặc trưng của Hà Nội là hào hoa và thanh lịch. Về điều này, Nguyễn Khắc Phục khẳng định: “Mọi người sẽ tìm thấy trong phim một Hà Nội hào hoa, tinh tế trong thử thách, giông bão chứ không phải trong nhung lụa và tháp ngà”. Nói cách khác, tên phim thì thấm đẫm chất cảm xúc, nhưng nội dung cũng khốc liệt và  kịch tính lắm.

Nói là thời hiện tại, nhưng với độ lùi 60 năm thì cũng là một thử thách “chết người” đối với các nhà làm phim,  trong điều kiện VN chưa có trường quay, mà bối cảnh thực tế... thì chỉ vài năm trở lại đây thôi cũng đã thay đổi ở mức chóng mặt. Tuy nhiên, Nguyễn Khắc Phục vẫn tự tin lắm. Ông quả quyết “không phải ép sức tưởng tượng để ra một quy mô phim phù hợp với “kinh phí eo hẹp”, hay sự khó khăn của bối cảnh”. Với ông, đây là cơ hội cuối cùng với truyền hình. “Tuổi tôi, làm gì còn cơ hội nào để viết phim dài tập nữa”. Mặt khác, ông cũng cho rằng, để có một Hà  Nội dấu yêu ấn tượng không cần nhiều tiền, không cần kỹ thuật cao siêu mà cần tài năng và cảm xúc. “Điều này thì tôi chịu trách nhiệm. Vì tôi đã dốc sức và tất cả tình yêu Hà Nội cho bộ kịch bản này”.

Hoàn thành 10 tập kịch bản để kịp đưa vào sản xuất, những ngày tới đây, Nguyễn Khắc Phục sẽ phải “xả thân” để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ mà ông bảo  do “cơ duyên” nên được “ấn vào tay”.  “Điều tôi lo lắng nhất lúc này chính là sức khỏe. Tôi phải sắp xếp các công việc ưu tiên. Cái gì cũng phải toàn tâm và dốc sức. Và khi tôi đã dồn sức cho những công việc của mình, tôi cũng mong những đạo diễn, những vị tổng đạo diễn đón nhận và thực hiện nó với tất cả tâm huyết và tài năng của mình”. 

Nguyệt Nhi


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH