Hoàn lưu bão gây mưa lớn, sạt lở đất; xuất hiện thêm không khí lạnh

14-10-2020 21:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 14/10, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa lũ.

Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay, mưa tại khu vực Trung bộ và hiện tượng lũ, ngập lụt giảm dần. Về tình hình cơn bão số 7, sáng nay bão số 7 đã đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh cấp 8-9 giật cấp 12. Bão gây gió mạnh và mưa lớn đặc biệt tăng cường trong trưa và chiều nay, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, hoàn lưu sau bão có thể gây mưa với tổng lượng mưa cả đợt 200-300 mm, tập trung các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, nam Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao gây ra lũ quét sạt lở đất khu vực miền núi, ngập lụt khu vực trũng thấp, đô thị trong đó có Thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, xuất hiện áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông di chuyển khá nhanh, dự kiến đi vào khu vực biển Đông vào sáng mai hướng vào khu vực miền Trung và nhiều khả năng hình thành bão.

Bên cạnh đó, trong 02 ngày 16-17/10 xuất hiện đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, khả năng sẽ gây mưa lớn trên diện rộng và kéo dài đến ngày 19-20/10 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cảnh báo nguy cơ xảy ra đợt lũ mới ở khu vực Trung bộ.

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Chánh văn phòng BCĐ trung ương về Phòng chống thiên tai.

Báo cáo nhanh về công tác phòng chống thiên tai, ông Lê Minh Nhật - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai thông tin, tính đến 23h00 tối hôm qua (13/10), tại khu vực miền Trung có 212 xã, phường/135.329 hộ bị ngập, hiện nước đang rút chậm, độ ngập sâu giảm dần. Để ứng phó với bão số 7, đã có 07/07 tỉnh khu vực bão có khả năng đổ bộ đã tổ chức cấm biển.

Về tình hình tàu thuyền, tính đến 6h00 ngày 14/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 phương tiện/115.607 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hơn 137 nghìn ha lúa chưa thu hoạch tại khu vực đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Về tình hình đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 41 vị trí xung yếu và 19 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7; Trên các tuyến đê sông có 213 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu và 33 công trình đang thi công dở dang.

Khu vực Bắc bộ có hơn 2500 hồ chứa trong đó có 81 hồ hư hỏng, 51 hồ đang thi công; khu vực Bắc Trung bộ có hơn 2300 hồ chứa trong đó có 55 hồ hư hỏng, 41 hồ đang thi công. Hiện tại, Hồ chứa thủy điện Hòa Bình xả 01 cửa xả đáy vào hồi 18h00 ngày 13/10.

Chỉ đạo ứng phó bão số 7 và mưa lũ

Để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão số 7, ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện số 25/CĐ-TWPCTT ngày 13/10 của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Về đảm bảo an toàn tàu thuyền và ven bờ: tiếp tục thông báo, kêu gọi, yêu cầu các tàu thuyền di chuyển vào bờ để tránh trú. Cử người đến từng khu neo đậu để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tránh trú. Quản lý chặt chẽ đối với các tàu vận tải, vãng lai. Đảm bảo an toàn cho lồng bè, nuôi trồng thủy hải sản.

Về sản xuất nông nghiệp: tiếp tục huy động các lực lượng hỗ trợ thu hoạch lúa sớm, chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất.

Tiếp tục rà soát tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt lưu ý những khu vực ngoài các tuyến đê biển, trên các lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Trong trường hợp cần thiết đề nghị cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

Đảm bảo an toàn về hồ chứa, đê điều đặc biệt những công trình xung yếu, đang bị sự cố, công trình đang thi công. Trong đó, lưu ý các hồ chứa đã đầy nước, hồ sông Mực ở Thanh Hóa, các tuyến đê đang thi công như đê Bình Minh 4 – Ninh Bình, đê Quỳnh Lưu – Nghệ An, tuyến đê xung yếu như tuyến đê biển Nam Định…


D.Hải
Ý kiến của bạn