Hoán đổi, cắt van động mạch phổi để “cứu” van tim đã mục nát

14-12-2016 06:55 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Sau 2 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa đã được ra viện trong tình trạng khỏe mạnh. Nhìn người phụ nữ cười tươi trong ngày ra viện, không ai có thể tin rằng, trước đó chị đã ở lằn ranh của sự sống- cái chết do van tim đã bị mục nát, kết hợp với ổ nhiễm khuẩn trầm trọng...

 

Bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng khiến vi khuẩn “ăn” mục nát van tim, khi quyết định can thiệp cho ca bệnh này, bác sĩ cũng “đắn đo” bởi lằn ranh giữa sự sống – cái chết là 50 – 50, nhưng nếu không phẫu thuật, bệnh nhân mười mươi sẽ chết…

TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (C8), Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa (44 tuổi, Hòa Long, Bắc Ninh), các bác sĩ lo sợ người bệnh không thể sống bởi khi nhập viện, van tim của bệnh nhân đã mủn cộn với bị nhiễm trùng rất nặng.

Trước đó từ tháng 6/2016, chị Hòa bị sốt cao liên tục. Cứ hạ sốt được vài ngày chị lại bị sốt lại. Đi khám liên tục, nhưng những cơn sốt của chị không dứt hẳn. Đến giữa tháng 9, tình trạng sốt ngày càng tăng lên khiến bị bị ngất liên tục, tím tái người, gia đình đã chuyển bệnh nhân đến thẳng BV Bạch Mai.

TS Hùng nhớ lại, khi nhập viện, bệnh nhân Hòa bị nhiễm trùng rất nặng, phải dùng rất nhiều loại kháng sinh đắt tiền. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân không thể kiểm soát được bằng kháng sinh. Qua chẩn đoán, các bác sĩ nghi ngờ vi khuẩn tấn công vào tim người bệnh, gây nhiều ở áp xe đầy mủ ở cơ tim.

TS Dương Đức Hùng chúc mừng bệnh nhân Hòa đã được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định                Ảnh BSCC

Kể về trường hợp bệnh nhân này, TS Hùng cho hay, để quyết định can thiệp cho người bệnh là vô cùng khó khăn. Bởi thông thường, với những bệnh nhân mổ tim cần phải điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể (kể cả ổ răng sâu) rồi mới tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân này mổ ngay cũng nguy (vì đang nhiễm khuẩn) mà không mổ thì cũng sẽ chết vì lúc này uống thuốc đã không thể kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn. Trong khi hoàn cảnh bệnh nhân rất éo le, với một ca can thiệp như này không chỉ nguy hiểm (thành công – thất bại là 50 – 50) mà chi phí điều trị, thời gian nằm viện kéo dài vô cùng tốn kém.

Xác định để cứu bệnh nhân là cần phẫu thuật, cần chi phí, cần sự chăm sóc hậu phẫu dài hàng tháng trời, TS Hùng đã thảo luận với các đồng nghiệp, điều dưỡng để cùng cố gắng cứu tính mạng chị Hòa.

Tuy nhiên, trong tình huống này bác sĩ không thể thay van tim nhân tạo cho bệnh nhân, bởi van tim bị mủn hoàn toàn, sẽ không có “bản lề” giữ van nhân tạo, van mới sẽ bị bung ra khi lắp vào. Chưa kể nếu dùng van nhân tạo sẽ không “ngấm” được kháng sinh, vi khuẩn sẽ càng có cơ hội làm tổ khiến tình trạng nhiễm trùng khó được phục hồi. Trước tình thế đó, để cứu người bệnh, các bác sĩ đã quyết định hoán đổi van, cắt van động mạch phổi để ghép sang van tim. Để bù lại van động mạch phổi bị thiếu hụt, bác sĩ đã tạo hình một van mới được lấy từ màng tim, lắp vào thay thế van động mạch phổi bị cắt

Ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ (trong khi các ca can thiệp khác chỉ hơn 1 tiếng) các bác sĩ đã thành công trong việc tạo nên một van tim mới tự thân cho bệnh nhân.

Sau ca phẫu thuật căng thẳng, bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu và hồi phục dần, lên cân, ăn uống biết ngon miệng, hết nhiễm trùng và vừa được xuất viện về với gia đình.

 


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn