Với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, thay vì bỏ phiếu “đồng ý hay không đồng ý” cho thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa được EU chấp thuận thông qua, Quốc hội Anh lại bỏ phiếu chấp thuận đề xuất do cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, yêu cầu phải có một Luật thi hành thỏa thuận Brexit mới trước khi “chấp thuận” nó.
Điều này đồng nghĩa với việc Quốc hội Anh tiếp tục “cản đường” Thủ tướng Anh trong việc thực hiện kế hoạch rời khỏi EU vào đúng hạn ngày 31/10 tới đây. Nó cũng đồng nghĩa với việc Vương quốc Anh không thể rời Liên minh Châu Âu như dự kiến, nếu không có một thỏa thuận cbia tay đúng nghĩa với EU. Với động thái này, cũng có thể hiểu rằng Quốc hội Anh đã sử dụng một kế “hoãn binh” khéo léo, vừa không phải gánh quả bóng trách nhiệm Brexit trong một tình huống ngay lập tức, nhưng vừa buộc Thủ tướng tướng Anh phải tuân thủ việc dời ngày Anh ra khỏi EU đến 31/1/2020 theo luật.
Thủ tướng Boris Johnson gửi 2 bức thư đến EU đếm 19/10. Tuy nhiên bức thư xin gia hạn rời khỏi EU lại không có chữ ký của ông.
Nói vậy nhưng không có nghĩa mọi cánh cửa đã đóng lại với Thủ tướng Anh bởi nếu toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được Quốc hội thông qua, ông Johnson vẫn có thể thực hiện Brexit đúng hạn chót 31/10. Hoặc nếu Quốc hội Anh kịp thời phê chuẩn Luật Áp dụng Thỏa thuận (hay còn gọi là Luật Thỏa thuận Triệt thoái) thì Vương quốc Anh vẫn có thể rời khỏi EU đúng hạn. Tuy nhiên, liệu Quốc hội Anh có thông qua được luật này hay không? và sau bước đi này, họ có đồng ý bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson hay không lại là những câu hỏi khác, mà không ai có thể trả lời.
Tất nhiên, trong tình huống rối ren hiện nay, Thủ tướng Anh không thể hài lòng với cách thức mà Quốc hội Anh từ chối bỏ phiếu cho Thỏa thuận Brexit mới ngày hôm qua. Và việc ông Johnson nói rằng ông sẽ không đàm phán lại về việc yêu cầu EU gia hạn thời gian nước Anh rời khỏi EU sang ngày 31/1/2020, không chỉ thể hiện một lập trường cứng rắn mà còn cho thấy thái độ sẽ không nhượng bộ của nhà lãnh đạo này trước Quốc hội Anh.
Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận Thủ tướng Anh Boris Johnson tối qua đã phải gửi một bức thư không chữ ký đến các nhà lãnh đạo EU xin gia hạn thỏa thuận Brexit. Ngoài bức thư này, ông Boris Jonson cũng đã gửi 1 bức thư khác nói rằng ông không muốn EU gia hạn Brexit sau ngày 31/10.
Với diễn biến mới nhất này, chính trường nước Anh vẫn tiếp tục tình trạng bế tắc và chia rẽ hơn bao giờ hết. Đã có hai thỏa thuận Brexit khác nhau được trình ra Hạ viện Anh trong vòng 2 năm qua. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May thất bại đến 3 lần, và giờ đến lượt ông Boris Johnson. Các phe nhóm tại hạ viện quá bất đồng và chia rẽ để có thể đạt được ủng hộ đa số cho bất kỳ thỏa thuận nào với cơ cấu nghị sĩ hiện tại. Việc thiếu vắng một Hiến pháp thống nhất cùng các quy trình và thủ tục chính trị rối rắm tạo ra quá nhiều kẽ hở mà các nghị sĩ lão luyện có thể sử dụng để gây cản trở cho chính phủ. Điều trớ trêu là những người có khả năng nhất trong việc đưa nước Anh ra khỏi “mớ bòng bong” hiện tại lại ở Brussels chứ không phải ở London. Về lý thuyết, EU chỉ cần từ chối thẳng thừng đề nghị gia hạn Brexit và buộc Hạ viện Anh phải lựa chọn chấp nhận ủng hộ ông Johnson nếu không muốn Brexit không thỏa thuận. Nhưng ít có khả năng EU sẽ lựa chọn cách đi ngược lại ý chí của một cơ quan lập pháp một nền dân chủ lâu đời như nước Anh. Khả năng EU chấp thuận kéo dài Brexit sau ngày 31/10 là hoàn toàn có thể, bất chấp các tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo khối này.
Điều dư luận quan tâm hiện nay là điều gì sẽ xảy ra những ngày tới khi chỉ còn 2 tuần nữa nước Anh sẽ rời khỏi EU theo kế hoạch?
Với những gì đang diễn ra hiện nay, nước Anh sẽ đối mặt với những tình huống hỗn loạn và bất ổn khác. Thứ nhất, nếu hôm nay (21/10), Quốc hội Anh vẫn không bỏ phiếu lại cho bản Thỏa thuận mới Brexit mới đạt được giữa Anh và EU hôm 17/10, hoặc cũng không phê chuẩn Luật Áp dụng Thỏa thuận Brexit, thì kịch bản nước Anh ra đi với một Brexit không thỏa thuận hoàn toàn hiện hữu. Thứ hai, nếu Quốc hội và chính phủ Anh tiếp tục không nhượng bộ nhau, rất có thể kịch bản một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit lần thứ hai sẽ hình thành. Thậm chí tồi tệ hơn, số phận chính trị của ông Boris Johnson có thể bị đe dọa bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể xảy ra. Thứ ba, tâm lý chán nản, bất ổn và bất lực của người dân trước những bế tắc Brexit kéo dài suốt 3 năm qua, đang hình thành những bất ổn ở sú xở sương mù khi đường phố nước Anh cũng đang nóng lên từng giờ, với những cuộc biểu tình quy mô lớn được lên kế hoạch của cả những người ủng hộ và phản đối thỏa thuận Brexit.
Rõ ràng, với một nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay, điều gì cũng có thể xảy ra khi hy vọng tìm kiếm một sự đồng thuận về Brexit đang tắt dần.