Hà Nội

Hoại tử nặng vì đắp lá chữa tắc động mạch chi dưới

26-05-2022 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nhiều bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc điều trị của bác sĩ, tự ý cắt thuốc nam về dùng dẫn đến tai biến khiến cho việc điều trị thêm phức tạp và để lại hậu quả nặng nề...

1. Chuyện buồn thường gặp

Mới đây, tại Viện Tim mạch Việt Nam đã tiếp nhận bệnh nhân nam 65 tuổi với triệu chứng sưng tấy, nung mủ... ở vùng đùi và khoeo chân.

Trước đó bệnh nhân có biểu hiện đau chân khi đi lại, nên tự đi cắt thuốc nam về xông và đắp vào vùng đùi, khoeo, cẳng chân trái. Khoảng 10 ngày sau khi đắp thuốc bệnh nhân bị sốt, đau sưng nhiều hơn... nên mới vào viện để khám bệnh…

Tại Viện Tim mạch Việt Nam, khi cấy mủ tại vết loét thấy vi khuẩn tụ cầu đa kháng thuốc. Kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị hẹp khít động mạch cảnh 2 bên, hẹp khít động mạch chậu 2 bên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà bệnh nhân bị đau chân khi đi lại - triệu chứng đau cách hồi của hẹp tắc động mạch mạn tính chi dưới.

PGS.TS.Đinh Thị Thu Hương - nguyên Viện phó Viện Tim mạch Việt Nam cho biết: Đây lại là một câu chuyện buồn nữa, mà những chuyện buồn tương tự như vậy lại khá thường gặp do sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Ở trường hợp bệnh nhân này có tiên lượng bệnh khá xấu, điều trị phức tạp vì tình trạng nhiễm trùng nặng, vết loét ăn sâu, vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra bệnh nhân còn bị đái tháo đường, hút thuốc lá lâu năm. Đây là 2 yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tắc hẹp động mạch chi dưới.

Hoại tử nặng vì đắp lá chữa tắc động mạch chi dưới - Ảnh 1.

Mảng xơ vữa gây tắc hẹp động mạch.

Với bệnh cảnh này, lẽ ra khi có triệu chứng đau cách hồi, bệnh nhân phải đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch để được khám, chẩn đoán, dùng thuốc hoặc can thiệp động mạch. Nhưng bệnh nhân lại tự ý đắp thuốc và xông thuốc nam khiến việc điều trị bị chậm trễ và dẫn đến loét hoại tử chi.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến tắc động mạch chi dưới?

Tắc động mạch mạn tính chi dưới chủ yếu do chứng xơ - mỡ, chiếm trên 95% các trường hợp. Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao…

Trong đó, người tuổi từ 50-69 có nguy cơ bệnh tim mạch, đặc biệt là mắc đái tháo đường, hút thuốc có nguy cơ cao nhất.

Tắc động mạch mạn tính chi dưới có những biến chứng rất nguy hiểm do thiếu máu trầm trọng, khiến các vết loét, tổn thương tại chi lâu lành, dẫn đến hoại tử. Thậm chí có những trường hợp nặng phải đoạn chi. Ngoài ra, bệnh nhân bị tắc động mạch mạn tính chi dưới cũng có thể gặp đột quỵ não hoặc cơn đau thắt tim do mỡ lắng đọng tại động mạch nuôi não và tim.

3. Điều trị bệnh thế nào?

3.1. Điều trị yếu tố nguy cơ

Tắc động mạch mạn tính chi dưới có các yếu tố nguy cơ nêu trên, do đó cần phải điều trị các yếu tố nguy cơ và kiểm soát tốt các bệnh đang mắc.

- Ngưng hút thuốc: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh xơ vữa động mạch. Thuốc lá sẽ làm gia tăng LDL (cholesterol xấu) và giảm HDL (cholesterol tốt), tăng CO trong máu và thúc đẩy co mạch ở các mạch máu bị xơ vữa. Khói thuốc lá còn làm gia tăng kết dính tiểu cầu, tăng fibrinogen… dẫn đến tăng độ quánh của máu.

Vì thế khi ngừng hút thuốc lá sẽ giúp làm chậm tiến triển bệnh động mạch ngoại biên và các bệnh liên quan đến tim mạch khác.

Hoại tử nặng vì đắp lá chữa tắc động mạch chi dưới - Ảnh 2.

Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ cùng chế độ dinh dưỡng và luyện tập sẽ giúp giảm nguy cơ tắc động mạch.

- Kiểm soát đường huyết: Đái tháo đường thúc đẩy quá trình xơ vữa chung, gây ra các biến chứng thiếu máu ở các mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên và giảm sức đề kháng với tác nhân nhiễm trùng. Các yếu tố này dễ dẫn đến hiện tượng loét chân và nhiễm trùng bàn chân.

Do đó, bệnh nhân mắc đái tháo đường cần dùng thuốc đúng cùng chế độ ăn và luyện tập hợp lý để kiểm soát tốt đường huyết, làm chậm quá trình xơ vữa mạch máu.

- Sử dụng thuốc nhóm statin: Sử dụng statin trong điều trị tăng cholesterol máu nhằm ngăn ngừa các biến cố tim mạch. Trong các nghiên cứu, việc sử dụng simvastatin làm giảm sự cố tim mạch (giảm 12% tử vong chung, 17% tử vong mạch máu, 24% sự cố mạch vành, 27% đột quỵ, 16% can thiệp mạch máu ngoại biên).

- Kiểm soát huyết áp: Bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên có tăng huyết áp cần điều trị huyết áp ổn định. Huyết áp cần đạt được là dưới 140/90mmHg. Với người có mắc bệnh kèm đái tháo đường hoặc suy thận, mức huyết áp đạt được phải dưới 130/80mmHg.

- Sử dụng thuốc kháng tiểu cầu: Các thuốc kháng tiểu cầu làm giảm các sự cố mạch máu. Thuốc clopidogrel có tác dụng tốt trong ngăn ngừa thứ phát bệnh nhân có bệnh xơ vữa động mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch ngoại biên).

3.2 Điều trị triệu chứng

- Tập luyện: Tập luyện theo hướng dẫn và giám sát của bác sĩ sẽ giúp cải thiện được mức độ nặng của đau cách hồi.

Tùy trường hợp sẽ có chế độ luyện tập khác nhau và khá linh động các điều kiện tập luyện. Bệnh nhân có thể đi trên thảm lăn hoặc đi bộ trên đường đủ cường độ để tạo ra khập khiễng cách hồi. Sau đó sẽ nghỉ ngơi cho đến khi hết đau và tập lại. Mỗi đợt tập luyện khoảng 30-60 phút, 3 lần trong tuần và kéo dài trong 3 tháng.

Phương pháp tập luyện có thể giúp giảm các triệu chứng đau sau vài tháng. Mặc dù hiệu quả xuất hiện chậm nhưng đây được coi là biện pháp điều trị cơ bản cho tất cả các bệnh nhân bị tắc động mạch ngoại biên. Nên luyện tập và theo dõi tại các trung tâm phục hồi chức năng là tốt nhất. Nếu không có điều kiện đến các trung tâm phục hồi chức năng, cần tập luyện theo kế hoạch mà bác sĩ đã lập ra.

- Sử dụng thuốc: Đến nay, chỉ có cilostazol và naftidrofuryl là những thuốc đã được công nhận trong điều trị đau khập khiễng cách hồi và cải thiện chức năng.

Cilostazol là thuốc thuộc nhóm ức chế phosphodiesterase III với tác dụng giãn mạch, chuyển hóa và kháng tiểu cầu.

Naftidrofuryl là thuốc thuộc nhóm đối kháng 5-hydroxytryptamine type 2, có tác dụng cải thiện chuyển hóa cơ và giảm kết tập hồng cầu và tiểu cầu.. Thuốc có tác dụng phụ là các rối loạn nhẹ đường tiêu hoá.

- Can thiệp mạch máu và phẫu thuật mạch máu

Hầu hết các bệnh nhân bệnh động mạch ngoại biên chi dưới đều có một quá trình diễn tiến lâu dài, có sự bù trừ thông qua các mạch máu bàng hệ. Với bệnh nhân có triệu chứng khập khiễng cách hồi ảnh hưởng đến chất lượng sống nên được xem xét tái thông bằng can thiệp nội mạch hay phẫu thuật mạch máu.

Tùy thuộc độ tuổi, bệnh lý kèm theo, mức độ và dạng tổn thương mà bác sĩ sẽ lựa chọn tái thông bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật .

Bệnh tắc động mạch mạn tính chi dưới diễn tiến âm thầm cho đến khi có triệu chứng rõ rệt thì bệnh đã khá nặng. Do đó cách tốt nhất để phòng bệnh là giữ được nếp sống lành mạnh. Đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ cao cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

Tránh dùng một số thuốc chữa cảm lạnh có chứa pseudoephedrine, do thuốc có tác dụng gây co mạch và làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Thêm 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới, tỷ lệ ca nặng ở TP.HCM tăng gấp 5 lần năm 2021

Thu Hà
Ý kiến của bạn