Hoại tử chỏm xương đùi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

12-04-2025 10:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hoại tử chỏm xương đùi là biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi gồm cả chấn thương và không do chấn thương. Việc phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tàn phế cho người bệnh.

Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 65 tuổi và gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

1. Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi

Hoại tử chỏm xương đùi là kết quả của sự thiếu máu nuôi đến vùng chỏm – nơi xương đùi nối tiếp khung chậu để tạo nên khớp háng. Bệnh có thể là vô căn hoặc liên quan đến chấn thương trước đó.

Đối với trường hợp không liên quan đến chấn thương, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng trên vẫn chưa rõ ràng và các quan điểm hiện nay cho rằng có sự phối hợp giữa yếu tố di truyền, quá trình chuyển hóa, yếu tố tại chỗ ảnh hưởng sự cấp máu và stress cơ học dẫn đến bệnh.

Lạm dụng rượu bia: Thói quen xấu này có thể khiến chất béo tích tụ trong mạch máu, làm giảm lưu lượng máu tới xương.

Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch đều có thể ngăn chặn lưu lượng máu tới xương.

Đối với trường hợp liên quan đến chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi… có thể ảnh hưởng tới việc cung cấp máu tới xương, dẫn tới hoại tử xương. Hoại tử xương thường xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm, không bị ảnh hưởng bởi tuổi và giới tính.

Đối với trường hợp liên quan đến chấn thương, ghi nhận tỉ lệ mắc bệnh cao theo sau các tình trạng chấn thương như gãy chỏm xương đùi (75 – 100%), gãy nền cổ xương đùi (50%), trật khớp háng (2 – 40%) trong khi tỉ lệ này rất thấp đối với gãy liên mấu chuyển.

Nghiên cứu của một nhóm tác giả trên 235 bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi dưới 35 tuổi cho thấy các đối tượng dùng corticosteroid (điều trị lupus ban đỏ hệ thống, bệnh ác tính của máu, hen suyễn mức độ nặng, …) chiếm tỉ lệ cao nhất với hơn 60%, theo sau là vô căn và hậu chấn thương với xấp xỉ 10% mỗi loại.

Theo y văn, một số yếu tố nguy cơ của bệnh có thể kể đến như nghiện rượu, phơi nhiễm phóng xạ, dùng steroids, các bệnh về máu (lymphoma, bệnh hồng cầu hình liềm, …), tình trạng tăng đông máu.

Những yếu tố liên quan:

Tuổi tác: Bệnh có xu hướng gia tăng theo tuổi.

Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Một số bệnh lý: Các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ hoại tử xương rất cao.

2. Triệu chứng hoại tử chỏm xương đùi

Triệu chứng hoại tử chỏm xương đùi lúc bệnh khởi phát chưa rõ ràng, diễn biến âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng rầm rộ. Tình trạng hoại tử xuất hiện sau chấn thương khá lâu, khoảng 2 năm.

Vì vậy, nhiều bệnh nhân thường ít chú ý hoặc bỏ qua những dấu hiệu bệnh khi ở giai đoạn đầu. Đau vùng khớp háng là triệu chứng chính và xuất hiện sớm ngay từ giai đoạn đầu. Cơn đau xuất phát từ mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi hoặc có khi thấy đau vùng mông.

Hoại tử chỏm xương đùi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Hoại tử chỏm xương đùi là biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi.

Cơn đau ban đầu chỉ xuất hiện khi có lực tác động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra nhiều người bệnh xuất hiện đau ở khớp gối, nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Đau có thể xuất hiện ở một bên hay cả hai bên khớp háng, đau tăng lên khi vận động đi lại hay đứng lâu, nghỉ ngơi thì đỡ đau.

Hạn chế vận động khớp háng: đau xuất hiện làm vận động khớp háng khó nhất là động tác xoay trong, xoay ngoài, dạng và khép. Người bệnh thường khó khăn trong việc ngồi xổm hoặc không thể ngồi xổm được. Bệnh nhân đi tập tễnh, chân thấp chân cao.

Đến giai đoạn nặng người bệnh đau tăng nhiều, tình trạng cứng khớp nặng hơn, hạn chế hầu như các vận động khớp háng bao gồm cả động tác gấp, duỗi. Ở giai đoạn 3 trở đi, bắt đầu có tình trạng teo yếu cơ.

3. Hoại tử chỏm xương đùi có lây không?

Hoại tử chỏm xương đùi do các nguyên nhân như: chấn thương trật khớp háng hoặc gãy cổ xương đùi làm tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi. Hoặc hoại tử chỏm xương đùi do lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, các thuốc chứa corticoid kéo dài gây loãng xương. Hoặc bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, hồng cầu hình liềm, viêm ruột… phải sử dụng thuốc corticoid kéo dài. Hoại tử chỏm xương đùi không phải bệnh lây nhiễm nên không lây.

4. Phòng ngừa hoại tử chỏm xương đùi

Để giảm nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi, bạn cần lưu ý:

  • Hạn chế tối đa rượu bia, bỏ hút thuốc.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế dầu mỡ.
  • Kiểm soát tốt những bệnh nội khoa như kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết…
  • Không lạm dụng thuốc chứa corticoid. Chỉ nên dùng corticosteroids trong những trường hợp thực sự cần thiết để điều trị bệnh với liều lượng và thời gian cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh té ngã làm gãy xương vùng cổ xương đùi, nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi sau gãy cổ xương đùi rất cao.

5. Điều trị hoại tử chỏm xương đùi

Mục đích điều trị bệnh hoại tử chỏm xương đùi là phục hồi chức năng khớp háng, ngăn chặn sự phá hủy xương và hết đau. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, giai đoạn bệnh, vị trí và số lượng xương bị tổn thương, nguyên nhân…

Có nhiều phương pháp từ không phẫu thuật (nội khoa) đến phẫu thuật. Chỉ định cho các trường hợp chưa có vỡ sập chỏm xương đùi trên chẩn đoán hình ảnh.

Điều trị nội khoa với các trường hợp chưa có triệu chứng lâm sàng, tổn thương xương nhỏ (tốt nhất là <15%) hoặc những bệnh nhân không thể phẫu thuật. Các bước điều trị nội bao gồm:

  • Giảm chịu lực (đi nạng).
  • Loại bỏ sớm các yếu tố nguy cơ như: sử dụng kéo dài thuốc steroid, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia và chất kích thích…
  • Kết hợp thuốc giảm đau chống viêm, vật lý trị liệu, Biphosphonate, tùy theo bệnh lý nền của người bệnh mà dùng thuốc chống đông, giãn mạch, hạ mỡ máu…
  • Khám các yếu tố bệnh hệ thống, tự miễn, nội tiết…

Nếu điều trị nội mà các dấu hiệu lâm sàng và X quang vẫn tiến triển thì phải chuyển sang phẫu thuật.

Các phẫu thuật bảo tồn khớp háng bao gồm:

Chỉ định trong những trường hợp sớm, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng tổn thương xương nhỏ (< 30%). Tốt nhất là các tổn thương giai đoạn I và II của Ficat mà xơ cứng xương (sclerosis), kết quả không tốt ở những trường hợp tổn thương xương dạng nang.

  • Ghép xương cứng không có mạch nuôi hoặc có mạch nuôi: chỉ định tương tự như phẫu thuật khoan giảm áp và áp dụng cho những người tuổi dưới 40. Kết quả không tốt cho những trường hợp tổn thương xương lớn hơn ( > 30% chỏm xương đùi).
  • Cắt xương chỉnh trục vùng mấu chuyển xương đùi – chuyển vị trí chịu trọng lực lên vùng xương lành của chỏm xương đùi. Chỉ định với các tổn thương nhỏ, người trẻ hơn 40 tuổi.
  • Phẫu thuật thay khớp háng: Chỉ định cho những trường hợp tổn thương vỡ sập chỏm xương đùi có hoặc không có tổn thương của ổ cối hoặc không đáp ứng được các điều trị khác.
  • Thay bề mặt chỏm xương đùi và thay khớp háng bán phần ngày nay ít dùng thời gian sử dụng ngắn, nhanh phải thay lại.
  • Thay khớp háng toàn bộ: chỉ định cho các trường hợp lớn tuổi (> 50) hoặc bất kỳ lứa tuổi nào mà có tổn thương ổ cối hoặc thoái hóa khớp háng.
Ai dễ bị hoại tử chỏm xương đùi?Ai dễ bị hoại tử chỏm xương đùi?

SKĐS - Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là tình trạng chỏm xương đùi bị phá hủy mà nguyên nhân là do thiếu nuôi dưỡng. Tình trạng này xảy ra khi sự cung cấp máu cho chỏm xương đùi kém đi do nhiều nguyên nhân khác nhau và hậu quả là sự nuôi dưỡng của chỏm xương đùi kém, từ đó dẫn đến hoại tử tổ chức xương và sụn. Vì tình trạng hoại tử này do thiểu dưỡng, không do vi khuẩn nên gọi là hoại tử vô khuẩn.



BsCKII Nguyễn Tuấn Sơn
Ý kiến của bạn