Hoại tử bàn chân do chữa bỏng theo lời thầy lang

28-05-2022 07:16 | Y tế
google news

SKĐS - Chỉ với một vết bỏng diện tích không lớn ở vùng bàn chân 2 bên, nhưng do tin lời thầy lang, nam thanh niên phải nhập viện gấp với tình trạng vết bỏng lở loét, bàn chân hoại tử nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.

Bệnh nhân V.B. 33 tuổi  trú tại Chí Linh Hải Dương. Theo người bệnh cho biết, trước đó trong lúc nấu cơm do sơ suất bệnh nhân có bị bỏng dầu ăn vùng bàn chân 2 bên.

Trong đó bàn chân trái diện tích bỏng nhiều hơn với vết phồng rộp, có bọng nước. Do tâm lý ngại đi viện, anh B. đã nghe lời mách và ở nhà điều trị theo một bài thuốc của thầy lang.

Hoại tử bàn chân do chữa bỏng theo lời thầy lang - Ảnh 1.

Vùng bàn chân trái bị hoại tử của người bệnh khi nhập viện.

Theo lời kể, thầy lang đến tận nhà và mang theo một loại thuốc bột màu vàng cam không rõ là được bào chế từ gì. Sau đó dùng một đoạn lông gà chấm thuốc và rắc đều vào vùng bỏng ở chân của bệnh nhân. Kèm theo đó là lời hứa chỉ sau một lần điều trị, chỉ 1-2 ngày sau đó vết bỏng sẽ khô miệng và sau đó tự khỏi. 

Tuy nhiên sau 2 ngày, người bệnh phát hiện vùng bỏng có hiện tượng đau, sưng, nóng, chảy dịch mới vội vàng đến BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để kiểm tra.

Người bệnh nhập viện với vết bỏng mặt trong bàn chân trái kích thước khoảng 10x6cm khuyết hổng phần mềm, nhiều dịch đục lẫn hoại tử mo cau đen. Gan bàn chân phải diện tích bỏng kích thước 4x3cm hoại tử da, nhiều dịch đục kèm giả mạc trắng.

Các bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng vết bỏng bàn chân 2 bên. Hiện người bệnh đang được điều trị kháng sinh, thay băng, cắt lọc hoại tử và xét mổ ghép da/chuyển vạt che phủ diện khuyết hổng phần mềm khi đủ điều kiện.

Qua trường hợp của bệnh nhân B, các bác sĩ khuyến cáo với những tổn thương bỏng do bất cứ nguyên nhân gì, hãy đến với cơ sở y tế hoặc liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn điều trị đúng cách. 

Bởi có thể từ 1 tổn thương ban đầu đơn giản (như của người bệnh B.), nếu xử trí sai cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như hoại tử gây khuyết hổng phần mềm, có thể dẫn đến hoại tử gân cơ gây ảnh hưởng chức năng của bàn chân, làm kéo dài điều trị và tốn kém cho người bệnh. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng hoại tử và có thể phải cắt cụt cả bàn chân.

Vụ bé gái bị rắn cắn tử vong: Vì sao đến BV tỉnh cũng không có huyết thanh để cứu người?Vụ bé gái bị rắn cắn tử vong: Vì sao đến BV tỉnh cũng không có huyết thanh để cứu người?

SKĐS - Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh nhân bị rắn độc cắn khá cao, nhưng huyết thanh kháng nọc rắn độc rất khan hiếm.


Nhị Vũ
Ý kiến của bạn