Giờ mà vẫn có người cắm hoa đồng tiền ấy ư, thậm chí vẫn còn người bán hoa đồng tiền đỏ cũng đã là lạ. Lọ hoa hoài cổ ấy không phải loại đồng tiền đỏ, cam, hồng, vàng, trắng cánh xòe to tướng như thời bây giờ mà là đồng tiền thân mảnh, bông nhỏ và cánh mềm li ti. Thời ấy đồng tiền chỉ có màu đỏ, một màu đỏ sậm không tươi, xét về độ mỹ học thì còn lâu mới bằng được chủng hoa đồng tiền giống mới đầy màu sắc, song nhìn những thân hoa mảnh dẻ như một bức tranh, bỗng đâu thấy lòng bâng khuâng và bất chợt nhận ra, vẻ đẹp đôi khi không thể hiện ở thẩm mỹ mà còn phủ bóng những vầng hào quang của hồi ức.
Đám đông chen chúc ở cửa hàng mậu dịch là hình ảnh thường thấy thời bao cấp.
Không hiểu sao, cái thời bao cấp đói nghèo khốn khó của cuối thập niên 70, đầu 80 khiến bao người kinh hoàng và ám ảnh, từ hồi nào đã trở nên đầy chất thơ trong hoài niệm. Mười năm ròng rã ăn cơm độn bo bo và xếp gạch trước các cửa hàng mậu dịch đã thành nguồn cảm hứng cho bao tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu lẫn cả ngàn giai thoại và... huyền thoại. Thời bao cấp bỗng trở thành “đặc sản” của Việt Nam, khiến khách du lịch thích thú mà tò mò ngắm nhìn. Kiểu “design” đặc trưng thuở mậu dịch và những món ăn bao cấp biến thành ý tưởng tuyệt vời cho những người kinh doanh hốt bạc. Dù là một tiểu cảnh sân khấu hay góc trường quay mà muốn cho ra không khí cũng rất dễ. Chỉ cần bộ bàn ghế gỗ nâu có tay vịn lượn cong cong, chiếc tủ buýp-phê với hai bên cánh tủ, ở giữa kéo kính bày bộ ấm chén quý hóa tới dịp lễ mới dám mang ra thưởng trà, trên nóc tủ có chiếc tivi đen trắng và con lật đật đỏ chót của Nga, thêm bộ ấm giỏ, cái rèm cửa hoa valide, chiếc chăn con công và lọ hoa đồng tiền đỏ là đã xong “design” kinh điển của thời bao cấp. Chuỗi quán cà phê cũng lấy cảm hứng ấy mà thành ra thu hút khách của toàn Hà Nội, cả những người chưa từng biết đến bao cấp là gì. Các quán cà phê đều treo tranh cổ động, ghế gỗ có đệm bọc vải hoa con công cùng mấy vật dụng tái chế kiểu ly cốc, lọ hoa tái lại từ những lọ đựng thuốc bệnh viện. Cửa hàng ăn uống mậu dịch phố Nam Tràng cũng “thăng hoa” cùng cảm hứng bao cấp mà biến nhà hàng thành một bảo tàng thu nhỏ: Những bàn ăn sửa chữa từ chân máy khâu, đôi dép cao su làm từ lốp xe - dép lốp, chiếc xe đạp kỳ dị trứ danh và toàn bộ bát đĩa được thửa đồ tráng men như lối thập niên 80.
Tôi sinh ra và lớn lên trong những tháng năm khổ sở ấy, giờ nhìn lại các thứ đó thấy thất kinh. Nhiều người cũng thực lạ, họ ưa hoài niệm đến mức cực đoan. Kiểu như họ phản đối tốc độ phát triển của xây dựng đô thị, họ nhớ hoài những con đường thời bao cấp và muốn Hà Nội cứ giữ nguyên như thế. Mỗi lần nghe vậy là tôi khó chịu ra mặt. Là họ quên rồi cái con phố ngoằn ngoèo bụi mù trồng đầy cúc tần Lạc Long Quân, mà giờ con đường rộng lớn chạy thẳng ra bờ đê đã khang trang với đầy biệt thự và chung cư cao cấp còn thơ hơn cả phố châu Âu. Họ quên rồi cái ngõ Vân Hồ xập xệ toàn nhà lợp giấy dầu của những công dân nghèo thập niên 80, giờ biến thành con đường có giá bất động sản nhất nhì thành phố bởi đã được mở rộng với view nhìn thẳng ra hồ. Cả đường Nguyễn Chí Thanh nữa, trước chỉ là ngõ nhỏ lụp xụp ki-ốt, hẵng cứ giữ nguyên thế thì Daewoo, Lotte và Vinhomes mất nhờ. Hà Nội thời bao cấp nhỏ tí hin tới mức chỉ cần đi xe đạp một lúc là hết vòng. Còn thực phẩm nữa chứ. Mẹ tôi là một điển hình. Cứ hễ ăn nho thì bà bảo nho ngày xưa ngon hơn thế này, ăn thịt thì bà bảo thịt xưa thơm nức lên, ăn rau thì rau xưa xanh tươi hơn. Mỗi lần thế là tôi hay nhăn mặt, bảo ngày xưa cả nước đói quá nên ăn gì cũng thấy là ngon, giờ thực phẩm dồi dào thừa thãi nên thức nào cũng không còn ngon nữa. Thực phẩm của thời bao cấp khéo là tệ nhất trong lịch sử thế giới mà mẹ cứ khen ngon là sao. Giờ tôi chỉ nhớ trái cây bao cấp loanh quanh có mấy loại quý hiếm là dưa lê, dưa hấu, nho, hồng xiêm mà loại nào cũng hoặc là nhạt hoét hoặc chua lòm. “Chẳng nhẽ kinh tế đất nước tiến lên vài chục lần, HDI, GDP ngày càng tăng, công nghệ trồng trọt tiến bộ, thời toàn cầu hóa, đồ nhập khẩu Mỹ có thứ gì Việt Nam có thứ đó mà thực phẩm lại ngày một kém đi ấy à?”. Mẹ tôi nghe thế đuối lý bảo: “Chị rõ là phải cho đi giảng nghị quyết”.
Duy có một nét duyên dáng của thời bao cấp mà tôi hay hoài nhớ là hoa, đặc biệt là hoa Tết. Có lẽ thế chăng mà tới thế kỷ 21 rồi, chợ hoa ngập tràn trăm loại mà nhà nhà vẫn ưa cắm thược dược và violet. Hoa xưa kia hiếm quá nên mỗi bận thắp hương rằm của hơn 30 năm về trước, mẹ tôi hay ra chợ mua một nắm mẫu đơn, nhài, huệ... gói trong lá chuối rồi về đặt lên chiếc đĩa con bày bàn thờ chứ không dùng hoa cành cắm lọ như bây giờ. Cô dâu mà cưới là y rằng cô nào cũng ôm bó lay ơn dài ngoẵng ngang bụng. Màn tuyn phòng cưới treo ngang tường, tết thêm mấy bông hồng nhung đỏ thắm vào mép màn. Và ngày Tết, gia cảnh ai thế nào cũng cố mua một cành đào nhỏ cắm vào cái lọ lục bình hoa xanh, rồi lại vắt lên mấy dây kim tuyến xanh đỏ cho thêm phần rực rỡ. Hiếm thành quý, thành trân trọng và cái nỗi trân trọng ấy cứ mãi trong tiềm thức, dù bây giờ mà ai làm hoa cúng kiểu ấy, rồi ôm hoa cưới, trang trí ngày Tết theo lối bao cấp chắc khách đến chơi phải ôm bụng cười. Tết năm nay, dạo quanh phố phường thấy hằng hà đồ nội thất Singapore, đồ điện tử Nhật Bản, chân giò xông khói rồi đùi gà Hàn Quốc và ngập tràn sắc màu của mai, mận, ly ly, salem, tulip, hồng xanh, bỗng đâu đã 30 Tết qua rồi.