Hoài Linh bức xúc với tin đồn quan hệ với Dương Triệu Vũ

02-02-2015 15:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

Dù bị ảnh hưởng của chứng hạ đường huyết khiến cho cuộc trò chuyện bị gián đoạn, nhưng chỉ sau 5 phút nghỉ ngơi, danh hài Hoài Linh lại tiếp tục chia sẻ những cảm xúc rất thật về chuyện đời, chuyện nghề trong phần cuối của talkshow Lần đầu tôi kể.

Hoài Linh, danh hài, Thành Lộc, MC, Dương Triệu Vũ

Phim của tôi thuộc tuýp bình dân

- Ở lĩnh vực điện ảnh, hai ông vua phòng vé giờ có Linh và Thái Hòa. Linh có thấy sự khác biệt nào khi một tác phẩm của Thái Hoa được đầu tư kĩ lưỡng phải quay cả mấy tháng trời mới hoàn thành, còn Linh thì với lý do sức khỏe và quỹ thời gian ít ỏi nên chỉ có thể quay một bộ phim điện ảnh trong vòng 2,3 tuần thôi nên chắc chắn sẽ không bằng một bộ phim đầu tư vài tháng. Linh có cảm thấy đây là một vấn đề không?

Không phải! Bây giờ chuyện ông hoàng, bà chúa trong giới showbiz này thì tôi không quan tâm vì đó là danh xưng của mọi người đặt cho người đó thôi. Đối với tôi, Thái Hòa là một nghệ sĩ rất có duyên. Chính Thái Hòa cũng đã từng làm đạo diễn, lo kịch bản cho những liveshow của tôi rồi. Việc Thái Hòa đầu tư cho lĩnh vực này là đúng. Thật sự đối với lĩnh vực tấu hài thì cậu ấy chưa có được sự bứt phá. Bây giờ, cậu ấy bước vào lĩnh vực điện ảnh đã mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo để có những vai diễn ấn tượng, mang lại nhiều tiếng cười và thu hút khán giả đến với phòng vé.

Đối với tôi, tôi chỉ quan niệm rằng vì phim này không phải do tôi sản xuất, sự đầu tư chưa chắc bên nào hơn bên nào. Tuy nhiên giữa một phim làm 5,6 tháng và một phim làm 2,3 tuần còn tùy thuộc vào vai diễn.

Ví dụ như vai diễn của Thái Hòa phải đầu tư, trang điểm, chăm chút từng li từng tí. Nếu phim của tôi được đầu tư như vậy thì thời gian hoàn thành cũng sẽ kéo dài hơn. Tôi thì không có thời gian dài như mọi người, phim của tôi thuộc tuýp bình dân. Dù phim của Thái Hòa vẫn có sự bình dân, nhưng kiểu bình dân trong phim của tôi lại thuộc kiểu khác. Bình dân của tôi bắt nguồn từ trong câu chuyện, không có gì cao siêu, rất đời thường. Còn trong phim của Thái Hòa hay các phim khác đều sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ này, ngôn ngữ kia.

Tôi chỉ biết ngôn ngữ duy nhất là chân phương, chất phác. Tôi làm gì biết ngôn ngữ điện ảnh, vì tôi có học đâu mà biết. Khi được yêu cầu diễn theo kiểu điện ảnh, tôi hơi bối rối nên phải xem lại cả phim điện ảnh và truyền hình rồi thấy rằng diễn điện ảnh chậm hơn diễn truyền hình. Vì trong phim truyền hình, diễn viên nói theo quán tính giống như kịch vậy, bây giờ bảo một diễn viên kịch đóng phim điện ảnh, truyền hình cũng y như vậy thôi, họ cũng phải lấy đời sống thật đưa vào phim để thành đời sống giả, đời sống thật chứ có gì đâu.

Còn về cách diễn thì mỗi người mỗi khác. Điện ảnh hay không điện ảnh ăn thua nhau ở chỗ thiết bị, góc quay, ánh sáng,… phụ thuộc vào đạo diễn và nhóm kĩ thuật. Quan trọng cuối cùng của mỗi vai diễn là có đem được điều gì đến cho khán giả hay không. Còn về danh xưng, tôi nghĩ rằng khán giả mến mộ ai thì nhà sản xuất mời người đó thôi. Tôi cắt được chữ “hải ngoại” trong danh xưng “danh hài hải ngoại Hoài Linh” là mừng lắm rồi, vì nó quá dài.

- Đến lúc nào đó, anh là nhà sản xuất của bộ phim mà anh đóng vai chính thì anh có dành toàn tâm toàn ý cho bộ phim đó không?

Cũng vậy thôi. Tôi đã không muốn bị hành như vậy thì cũng không để anh em bị hành. Bởi vì một phân đoạn có thể quay đến 17, 18 lần, đến lúc đó thì cảm xúc của diễn viên mất hết rồi. Ví dụ đoạn đó tôi có thể khóc 4 lần, nước mắt trong người tôi có bao nhiêu là tuôn ra hết trong chừng đó lần rồi, giờ quay 10 lần thì nước mắt đâu mà ra nữa. Nên tôi vẫn thích phân cảnh nào cũng tập trung các góc máy quay một lần rồi thôi, chứ khóc mà dùng thuốc nhỏ mắt nhỏ hoài thì đâu còn cảm xúc gì đâu.

Không đồng ý báo chí khai thác chuyện đời tư

- Trước sự so sánh giữa anh với nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, anh có suy nghĩ gì và tình cảm của anh dành cho Thành Lộc như thế nào?

Anh Lộc là người tôi ái mộ từ lâu. Khi bước chân vào nghề, tôi đã coi ảnh diễn rồi ái mộ luôn từ đó. Dĩ nhiên, trước sự so sánh đó tôi cũng cảm thấy khó chịu vì mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi cách diễn khác nhau, đừng bao giờ đem so sánh ai với ai cả. Ngoại trừ khi nào họ giống nhau từ giọng hát, phong cách… thì khán giả có quyền lựa một phiên bản chính và không lựa phiên bản “fake”.

Tôi cũng ngại nói về điều này vì trước tiên, báo chí muốn gây sự chú ý cho báo của họ và có nhiều vấn đề để bàn lâu hơn. Nếu so sánh tôi và anh Lộc mỗi ngày một chút thì phải mất hết cả đời. Tôi ít khi nào tạo điều kiện để mọi người soi, gõ bàn phím, tốn giấy mực cho tôi vì tôi im lặng trước mọi vấn đề. Bởi nghề của tôi là nghề diễn nên không thể suốt ngày theo báo này, báo nọ.

Tôi còn cha, mẹ, áo quần, bạn bè… chứ đâu phải ở không. Chỉ có một điều khiến tôi bức xúc. Báo chí, truyền thông có thể moi móc đời tư, bất cứ thứ gì của tôi cũng được. Tôi có thể cung cấp cho họ mọi thứ kể cả tài liệu mật nếu tôi thích. Tôi chỉ mong gia đình, đặc biệt là cha mẹ của tôi không bị bới móc. Chính vì điều đó mà vừa rồi tôi đã thể hiện bức xúc trước tin đồn mối quan hệ với Dương Triệu Vũ và đã nhận được sự xin lỗi từ các bên liên quan.

Không riêng gì tôi mà đối với các nghệ sĩ nói chung, gia đình luôn thuộc phạm trù cá nhân. Chính vì thế, tôi và các nghệ sĩ luôn mong có được thế giới riêng. Báo chí truyền thông có thể khai thác mọi thứ về đời tư, nhưng về gia đình của nghệ sĩ thì không nên. Tôi không bao giờ đồng ý chuyện đó.

- Anh có từng lần nào đi xem kịch của anh Lộc chưa?

Chưa, tôi đâu có thời gian nào đâu mà đi. Nhiều lúc tôi cũng muốn đi lắm nhưng quỹ thời gian dành cho lịch diễn không cho phép. Lần duy nhất tôi đi xem anh Lộc diễn là trong khoảng thời gian tôi ở hải ngoại về Việt Nam chơi. Những lần ngồi chung ghế giám khảo với anh Lộc, tôi cũng chia sẻ với anh Lộc về mong muốn được xem ảnh diễn, nhưng ảnh lại bảo tôi bận quá sao đi xem được.

Về sự so sánh giữa tôi và anh Lộc, mọi người muốn so sánh thì so sánh thôi, chứ thật ra mỗi người một sở trường, một công việc riêng, chỉ là đừng lợi dụng sự so sánh để khích bác nhau quá thì sẽ không hay. Hơn thua, sân si nhau làm chi rồi mai mốt cũng ăn chung chén cơm của Tổ, rồi còn đụng mặt nhau, khích bác nhau làm chi.

Hoài Linh, danh hài, Thành Lộc, MC, Dương Triệu Vũ

Cuộc đời tôi chỉ “ăn may” thôi

- Ở Việt Nam có cái lạ là một người không học qua trường lớp như Hoài Linh lại có nhiều vai diễn để người ta so sánh với một người được mệnh danh là phù thủy sân khấu như anh Thành Lộc. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Đó chỉ là sự so sánh của mọi người thôi chứ đối với bản thân tôi, tôi chưa bao giờ đặt mình ngang tầm với anh Thành Lộc. Cuộc đời tôi chỉ “ăn may” thôi. Ông trời sắp đặt tôi với cái nghề này chứ tôi đâu có chọn. Nghề chọn tôi chứ tôi không có chọn nghề. Tuy nhiên, việc phấn đấu trong nghề để làm tốt hơn nữa dù mình không dám nói nhưng vẫn phải làm.

- Thương hiệu của một người nổi tiếng nằm ở thù lao mà họ nhận được. Đến giờ phút này, Hoài Linh xứng đáng với những gì Linh đã bỏ ra trong nghề. Theo anh, cát-xê cao là cách từ chối khéo với những người muốn hợp tác với mình hay là để khẳng định thương hiệu của bản thân?

Có những lúc tôi cũng nghĩ như vậy. Con người mà, đâu phải thần thánh đâu mà hết tham, sân, si. Nhưng mà mình biết kiềm chế lại, không bộc phá ra thôi. Giờ ngồi suy nghĩ lại, đối riêng với nghệ thuật, anh hát là lĩnh vực của anh, tôi hài là lĩnh vực của tôi. Anh kéo được bao nhiêu khách, tôi kéo được bao nhiêu khách, anh lấy bao nhiêu cát-xê thì tôi lấy bao nhiêu cát-xê, đó là sự so sánh đàng hoàng. Bầu sô có thể trả cho một ngôi sao ca nhạc 100 triệu trong một đêm diễn kéo cho họ 1000 khách, còn diễn viên hài thì chỉ nhận được 30 triệu dù với số lượng khách, giá vé y nhau. So sánh để đòi được sự sòng phẳng, công bằng.

- Dù cát-xê ở đỉnh như hiện tại nhưng anh đã từ chối không ít lời mời từ các bầu sô?

Tôi cảm thấy ăn cơm mắm nhưng nuốt trôi thì ăn chứ ăn bào ngư, vi cá mà nuốt không trôi thì tôi không ăn nên mình từ chối bớt.

- Linh có sợ mọi người buồn vì không tham gia chương trình không?

Không, vì bây giờ trên phương diện làm ăn thì sự cạnh tranh giữa bầu này bầu kia dĩ nhiên là có. Nhưng mình phải lựa người để mà hợp tác. Đã vui vẻ thì làm ít tiền cũng vui. Tôi làm theo cảm tính, không có giá quy định là bao nhiêu.

Tôi không bào chữa cho hài tục, phản cảm

- Mọi người nghĩ với mức cát-xê khủng như vậy thì Linh làm gì? Phong cách sống và điều gì làm cho Linh gần như không có một antifan?

Tình cảm mọi người dành cho mình tôi cũng không biết nó phát xuất từ đâu. Tôi chỉ nghĩ mình may mắn được khán giả thương, mọi người tín nhiệm giao cho mình những vai được khán giả đón nhận. Riêng với tôi, trong cuộc sống đôi khi tiền bạc không quan trọng nên mình thấy nhẹ nhàng. Đến thời điểm tôi thực hiện tâm nguyện từ mười mấy năm trước khi tôi mới bắt đầu nổi tiếng, tôi cũng đã để dành được một khoảng tiền lớn để làm. Tôi không vận động ai đóng góp hay ủng hộ, vì tôi muốn làm từ cái công sức của mình.

Mọi người cũng nói tôi muốn đóng góp nhưng tôi chỉ để mọi người đóng góp cây, ghế đá… thôi chứ không nhận tiền. Vì nhận tiền mang tiếng lắm, mình làm bao nhiêu thì họ không biết, nếu dư không lẽ đem trả lại, rồi biết chia làm sao, chưa kể mình cầm tiền đó mình ăn xài thì nó kì, còn đem trả lại từng người thì không biết họ có lấy không hay lại chửi mình. Thà vậy thôi để tự mình làm. Ai muốn cúng cái cây, cái ghế đá, trang trí bên ngoài thì cũng được… còn phần chính tôi sẽ lo. Lỡ sau này có ai nói ghế đá, cây cảnh của họ đóng góp thì mình còn trả họ được, chứ họ nói cây cột trong chùa do họ xây, chẳng lẽ mình đập cột ra trả họ.

- Dạo này anh ngồi ghế nóng ở rất nhiều chương trình truyền hình thực tế. Gần đây, mọi người đang bàn tán về một bài báo với nội dung khuyên khán giả hãy cẩn thận với chương trình Gương mặt thân quen nhí vì có trẻ em. Anh làm ghế nóng cho chương trình Gương mặt thân quen người lớn, rồi gương mặt thân quen nhí, rồi Vietnam’s Got Talent. Anh có nhận xét gì về sự bùng nổ của chương trình thực tế ở Việt Nam trong thời gian gần đây? Với góc độ người trong cuộc, anh có cảm nhận về những chuyện xung quanh như phản cảm, hài tục, giả gái trong chương trình Gương mặt thân quen nhí... thế nào?

Khi bàn với nhà sản xuất tôi đã tính đến những vấn đề như số bài hát phù hợp, số ca sĩ cho các cháu có thể chọn… mình làm nhiều mùa khác nữa chứ không phải làm một mùa rồi bỏ. Khi nhà sản xuất cảm thấy tốt thì họ làm. Trong chương trình đó, nếu mình nhìn theo một góc độ thoáng hơn, thì nước ngoài sẽ ít bị nhìn nhận theo những khía cạnh như ở Việt Nam.

Trong Gương mặt thân quen nhí cũng có sự điều tiết riêng. Đa số những người hóa thân giả gái là những anh chị lớn, còn con gái giả trai thì có chứ còn trai giả gái trong Gương mặt thân quen nhí là chưa có. Khi chúng ta nhìn nhận cho phần tích cực nhiều hơn nó sẽ tích cực, còn khi cho phần tiêu cực nhiều hơn nó sẽ tiêu cực.

Tôi thấy xã hội càng đi lên thì sự căng thẳng của mỗi cá nhân dành cho những người xung quanh ngày càng nhiều. Nên cho dù có nhiều chương trình không đem lại nội dung gì cho người xem, chỉ cần giúp mọi người cười, xả stress cũng được. Còn nếu cho con cháu học về giữ lễ nghĩa, văn hóa chắc chắn không nên đâm đầu vào truyền hình thực tế để học. Để giải trí thì xem chương trình thực tế, còn để học thì xem chương trình chương trình quay theo dạng khác chứ không phải dạng gameshow.

Còn về hài tục, phản cảm… tôi không bào chữa cho những điều này. Tuy nhiên hài tục cũng đã có từ lâu, nhưng quan trọng là sự diễn đạt của nghệ sĩ làm thế nào cho nó sạch mà thôi. Nhiều khi thấy khán giả cười vì một câu hài thì mình lướt qua luôn, chứ đừng nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh,.. đó mới là điều đáng nói. Chứ vấn đề tục thanh thì từ xưa ông bà mình đã vậy rồi. Thơ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương,… cũng toàn tục thanh thôi. Chỉ cần đừng đi quá đà và diễn làm sao cho sạch bớt thì sẽ tốt hơn là đi tô đậm hơn. Khán giả bây giờ rất nhạy, chỉ cần nghe qua là họ biết gì rồi, vì những câu thoại trong kịch toàn được đưa từ đời sống thực tế vào mà.

Hoài Linh, danh hài, Thành Lộc, MC, Dương Triệu Vũ

Một số người chê khi tôi đảm nhận vai trò MC

- Linh có thấy mình thích hợp với vị trí ghế nóng không?

Tôi thấy mình cũng phù hợp với vị trí này. Nói về chuyên môn thì tôi ít nói, nhưng nói theo kiểu khán giả nhận xét thì tôi nhận xét được. Dù gì mình cũng có 20 năm kinh nghiệm nên mình cũng biết. Nếu lỗ tai tôi mà dở thì chắc chắn tôi không làm được cái nghề này đến hôm nay rồi.

- Giữa ngồi ghế nóng và làm MC thì có một khoảng cách?

Có một số người chê khi tôi đảm nhận vai trò MC. Tôi cũng công nhận mình làm dở thật, tuy nhiên, cái dở đó được nhìn nhận ở góc độ nào. Ví dụ nếu để tôi tự nhiên thì tôi làm được, chứ nếu bị gò bó trong khuôn khổ thì tôi làm không được. Khi họp hành, ít khi tôi chuẩn bị một bài riêng cho mình. Mọi điều tôi nói hoàn toàn là tự phát, vì như vậy nó sẽ hay hơn là được chuẩn bị sẵn.

- Nếu được sắp xếp các công việc ngồi ghế nóng, MC, diễn viên sân khấu, Hoài Linh chọn cái nào?

Tôi vẫn chọn sân khấu. Vì tôi sống nhờ vào sân khấu, chứ tôi đâu có đá lộn sân hoài vậy được. Làm công việc gì thuộc sở trường của mình vẫn hay hơn. Tuy nhiên, dù ngồi ghế nóng nhưng tôi vẫn vận dụng sở trường sân khấu của mình đó chứ.

- Năm sau anh có tiếp tục phát huy vai trò giám khảo của mình?

Trời cho nhiêu tôi làm bấy nhiêu. Khi nào khán giả la lên tôi ốm quá, đừng làm nữa thì tôi bỏ. Còn bây giờ, có 10, 20 người góp ý thì mình sẽ nghe để mà điều chỉnh, chứ ở trên mây hoài thì chết. Lâu lâu phải đáp xuống đất để còn nạp năng lượng chứ. (Cười)

- Anh có tự hào khi anh và học trò của anh sau bao nhiêu năm vẫn được khán giả yêu mến nhiều?

Thật sự ra thì tôi chưa có khái niệm tự hào đối với vấn đề này. Vì cái tự hào của mình sẽ dễ làm cho những học trò của mình trở nên tự mãn. Đối với thằng Hưng (Mr. Đàm), sự nghiệp, công việc của nó như vậy thì tôi cũng mừng. Tuy nhiên trong cái mừng đó cũng có cái lo. Tôi vẫn quan niệm một điều và nói với tụi nó rằng lăng xê để lên thì có nhiều cách, nhưng để lên bằng thực tài thì chỉ có một cách duy nhất. Đẩy từ thực tài để lên vị trí một ngôi sao thì dễ, nhưng đứng trụ trên đó mới khó. Để làm được điều này thì mình phải đặt nền móng ngay từ đầu bao gồm tình cảm, đức độ, cái tâm trong nghề không chỉ với khán giả mà còn với cả đồng nghiệp.

Có những lần tôi phải đứng ra để đòi lại sự công bằng cho những ca sĩ trẻ bị chèn ép, cắt tiết mục chỉ vì lỗi của một số ngôi sao lớn hơn. Tôi không đồng ý những ai nói tôi là ông hoàng showbiz. Sống trên cuộc đời phải có sự công bằng, bạn làm nhiều, tên tuổi bạn lớn thì bạn hưởng nhiều, tôi làm ít, tôi hưởng ít, nhưng phải cho tôi làm.

Nghệ sĩ là những người nhạy cảm lắm, nên tôi cũng bức xúc nhiều cái trong nghề. Tôi chịu những cảnh đó quen rồi nên đối với tôi những cảnh đó không còn gì lạ. Hai mươi mấy năm rồi, cái gì mình cũng trải qua rồi. Nhưng đối với những người mới vào nghề, đó là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời họ. Tôi cũng hay an ủi với mọi người rằng thôi kệ, sốc càng nhiều càng tốt, sốc nhiều mới biết mình bị bệnh gì. Cũng như chích thuốc vậy, có bị sốc thuốc mới biết mình hợp với loại thuốc nào để mà còn tránh.

Tôi chưa mãn nguyện với một ai, nhưng khi mình giúp họ, lên hay không lên là do số. Tuy nhiên, để cho mọi người thương lâu hay không thì do cách sống của bản thân họ nữa. Tôi nghĩ cũng không nhất thiết phải ép mình nhiều quá, đâm ra giả tạo lắm. Tuy nhiên cái thật đó cũng phải ở chừng mực. Có thể trong gia đình, cuộc sống riêng, bạn có thể hồ đồ thế nào cũng được. Nhưng với khán giả thì không được hồ đồ vì điều quan trọng là thời gian mình gặp khán giả đâu có nhiều.

- Cảm ơn anh về cuộc chia sẻ!

 


Ý kiến của bạn