Hà Nội

Hoắc hương thuốc hóa thấp, giải biểu

SKĐS - Hoắc hương còn có tên khác là quảng hoắc hương, thổ hoắc hương. Hoắc hương là thân và lá phơi khô của cây hoắc hương (Pogostemon cablin (Blanco) Benth.), thuộc họ hoa môi (Lamiaceae).

Một số tỉnh ở nước ta có dùng cây hoắc hương núi (Agastache rugosus (Fisch. et Mey.) O. Ktze, thuộc họ hoa môi (Lamiaceae). Cây này còn có tên là thổ hoắc hương, xuyên hoắc hương; được dùng như hoắc hương.

Hoắc hương là loại cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 30-60cm. Thân vuông, màu nâu tím, có lông nhỏ, dày, phân nhánh. Lá mọc đối hình bầu dục hay hình trứng, mép khía răng cưa không đều, hai mặt đều có lông; mặt dưới nhiều lông hơn, đôi khi có màu nâu tím, gân nổi rõ. Hoa mọc ở đầu cánh hay kẽ lá thành bông đơn. Hoa màu hồng tím nhạt, lá bắc nhỏ, có lông dày; tràng hoa chia thành hai môi. Quả hình cầu, hơi dẹt, có hạt cứng.

Bộ phận dùng làm thuốc là lá và cành non mang hoa phơi âm can hay sấy khô ở 40-45oC; cành và thân, tinh dầu. Trong lá khô chứa 1,2% tinh dầu (chủ yếu các alcol - 67%, trong đó có patchoulialcol, nopatchoulenol, posgastol...) và một số chất khác.

Theo Đông y, hoắc hương vị cay, tính hơi ôn. Vào các kinh tỳ, vị, phế. Tác dụng hóa thấp, giải biểu, tiêu thử, kiện vị, chỉ ẩu, trị tiên (chàm). Chữa các chứng thấp trở trung tiêu, thử thấp, thấp ôn, nôn mửa, chàm lở chân tay. Liều dùng: 6-12g khô, 12-20g tươi.

Thân và lá cây hoắc hương cho vị thuốc hoắc hương. Chữa các chứng thấp trở trung tiêu, thử thấp, thấp ôn, nôn mửa, chàm lở chân tay.

Thân và lá cây hoắc hương cho vị thuốc hoắc hương. Chữa các chứng thấp trở trung tiêu, thử thấp, thấp ôn, nôn mửa, chàm lở chân tay.

Một số bài thuốc có hoắc hương

Hóa thấp, giải biểu:

Bài 1 - Bột hoắc hương chính khí: hoắc hương 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 12g, bán hạ chế gừng 12g, đại táo 12g, trần bì 6g, bạch chỉ 8g, tía tô 8g, hậu phác 8g, cát cánh 8g, gừng tươi 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng khi nội thương sinh lạnh ngoại cảm phong hàn trong những tháng nóng bức, gây ra các chứng nhức đầu, sốt nóng, rét, tức ngực, trướng bụng, đại tiện lỏng.

Bài 2 - Bách giải hoàn: hoắc hương, hương phụ, trần bì, hạt cau, lá sắn thuyền, hạt vải, lá sung, vỏ chân chim, mộc hương nam, seo gà, vỏ duối, thanh ngâm; các vị liều lượng bằng nhau. Sao sấy khô, tán bột làm hoàn, bao ngoài bằng bột chàm, uống thuốc với nước gừng. Chữa lỵ (Hải Thượng Lãn Ông).

Bài 3: hoắc hương 12g, bội lan (mần tưới) 12g. Sắc uống. Trị cảm nắng mùa hè, váng đầu, tức ngực, buồn nôn, có nhờn nhầy trong miệng, không muốn ăn uống.

Ấm dạ dày, chống nôn mửa:

Bài 1: Thang hoắc hương bán hạ: lá hoắc hương 12g, trần bì 12g, bán hạ chế 12g, đinh hương 2g. Sắc uống. Dùng cho bệnh hàn thấp bị ngăn giữ bên trong, hơi trong dạ dày không thoát xuống được, đầy bụng, biếng ăn, nôn mửa.

Bài 2: hoắc hương 12g, bán hạ chế 12g, thương truật 8g, trần bì 8g. Sắc uống. Trị viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính thuộc chứng hàn thấp.

Bài 3 - Thuốc sắc hoắc hương: lá hoắc hương 12g, đảng sâm 12g, xích phục linh 12g, bán hạ chế 6g, trần bì 6g, thương truật 12g, hậu phác 12g, gừng tươi 3 lát, cam thảo 4g. Sắc uống lúc còn nóng. Trị bụng đầy trướng, nôn mửa, không muốn ăn.

Bài 4: nhục quế 1g, bạch đàn 2g, trầm hương 2g, mộc hương 2g. Tán nhỏ làm viên; uống với nước sắc hoắc hương.

Hành khí, giảm đau:

Bài 1: hoắc hương 12g, hậu phác 12g, chỉ thực 12g, thanh mộc hương 12g, sa nhân 6g, trần bì 4g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh: hơi trong dạ dày không thông thoát, bụng trướng, đau tức.

Bài 2 - Hoắc đởm hoàn: hoắc hương 250g, nghiền thành bột mịn, dùng mật lợn lượng vừa đủ, chế thành hoàn. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, uống với nước ấm. Có thể uống 2 - 4 tuần 1 đợt. Trị viêm mũi mạn tính, viêm xoang mũi.

Hoắc hương tươi có tác dụng thanh thử khá mạnh; mùa hè nấu nước uống thay chè chống say nắng. Hoắc hương là thuốc trị nôn có hiệu quả, nhưng tùy chứng mà gia vị: thấp nhiệt gia hoàng liên, trúc nhự; tỳ hư gia đảng sâm, cam thảo; nôn do thai nghén gia bán hạ, sa nhân...

Kiêng kỵ: Thuốc này có tính chất khô háo, làm tổn hại phần âm, hao khí, người thể âm hư mà không bị thấp và người yếu dạ sinh nôn không dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn