Hóa trị liệu trong điều trị ung thư

24-03-2010 11:04 | Y học 360
google news

Hóa trị liệu là phương pháp dùng thuốc để điều trị bệnh ung thư. Những thuốc này thường được gọi là “thuốc hóa chất”.

Hóa trị liệu là gì?

Hóa trị liệu là phương pháp dùng thuốc để điều trị bệnh ung thư. Những thuốc này thường được gọi là “thuốc hóa chất”. Thuốc khi vào cơ thể sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc làm ngừng sự phát triển của chúng. Qua các nghiên cứu người ta nhận thấy, khi kết hợp nhiều thuốc, việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nên trong một phác đồ hóa trị liệu thường bao gồm nhiều loại thuốc.

Hóa trị liệu đã chứng minh hiệu quả chữa khỏi bệnh trong ung thư rau thai, ung thư hạch, ung thư tinh hoàn, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho...

Bác sĩ sẽ quyết định thuốc nào, phác đồ nào sẽ có hiệu quả cao nhất đối với bệnh của bạn. Điều này tùy thuộc vào loại bệnh ung thư, mức độ lan tràn của bệnh và sức khỏe của bạn.

Lịch trình điều trị:

Các phác đồ hóa trị liệu có thể kéo dài từ 2-5 ngày, có khi tới 14 ngày, giữa các đợt điều trị là khoảng thời gian bạn được nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Thời gian này thường kéo dài từ 2-3 tuần. Bạn nên đến điều trị đúng hẹn, không tự ý rút ngắn hay kéo dài vì điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Nhưng đôi khi việc điều trị phải lui lại vì kết quả của một số xét nghiệm máu. Cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để biết thêm về vấn đề này.

Các đường dùng thuốc:

Các thuốc hóa chất được đưa vào cơ thể bằng các con đường sau đây :

- Truyền tĩnh mạch; Tiêm bắp hay dưới da; Đường uống; Tủy sống; Các khoang: màng phổi, màng bụng, bàng quang...

Nội soi phế quản, phổi phát hiện ung thư.

Tác dụng phụ của thuốc:

Trước khi bước vào điều trị, hầu hết bệnh nhân và gia đình đều quan tâm và lo lắng đến các tác dụng phụ của thuốc. Nhưng bạn nên nhớ một điều: không phải bệnh nhân nào điều trị đều có tác dụng phụ giống nhau, mức độ biểu hiện cũng khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng và cũng tùy thuộc vào từng cơ thể người bệnh. Xin đừng quá lo lắng, ngày nay y học phát triển, có rất nhiều loại thuốc để có thể giúp bạn hạn chế và vượt qua được các tác dụng phụ đó.

Một số tác dụng phụ hay gặp:

Nôn và buồn nôn; Mệt mỏi, chán ăn; Rối loạn tiêu hóa: táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày; Tê đầu ngón tay, ngón chân; Rụng tóc; Xám da; Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ; Sốt nhẹ; Thay đổi các chỉ số về xét nghiệm máu, chức năng gan, thận...; Chảy máu (niêm mạc, tiêu hóa).

Các tác dụng phụ trên thường chỉ kéo dài trong vài ngày điều trị, sau đó sẽ giảm dần và hết hẳn khi bạn kết thúc điều trị.

Làm gì để hạn chế tác dụng phụ?

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, bạn nên: Ăn uống đủ chất, không ăn kiêng khem, ăn làm nhiều bữa trong ngày; Ăn nhiều hoa quả; Uống nhiều nước (khoảng 1,5 - 2 lít/ ngày), nước hoa quả, đường...; Hạn chế lao động nặng; Dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng; Vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân tốt.

Bạn không nên: Uống rượu, bia; Hút thuốc lá; Ăn kiêng thái quá; Tự ý dùng thuốc không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tóm lại, với sự phát triển của y học hóa trị liệu là một trong ba phương pháp chính để điều trị bệnh ung thư. Hóa trị liệu ngày càng được phát triển ở Việt Nam và trên thế giới. Phương pháp này gây một số tác dụng phụ nên trong quá trình điều trị, đòi hỏi có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và sự tuân thủ nghiêm túc của người bệnh về việc sử dụng thuốc cùng với các lời khuyên của thầy thuốc.

Nếu bạn cần biết thêm các thông tin khác, xin hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của bạn và gia đình bạn.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư
Ban điều hành chương trình PCUT - Viện NC PCUT
Bệnh viện K 43 Quán Sứ, Hà Nội - ĐT: 043.9344138

Ý kiến của bạn