Hà Nội

Hòa thượng Thích Tuệ Tâm: Khám bệnh, bốc thuốc là trách nhiệm với đời

04-08-2021 16:14 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Hòa thượng Thích Tuệ Tâm (Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa trong khuôn viên chùa Pháp Luân ở TP Huế) luôn tâm niệm khám bệnh, bốc thuốc, truyền dạy đông y là trách nhiệm với đời…

1. Từ bao lâu nay, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở trung tâm TP. Huế là một trong những địa chỉ tin cậy.

Nhiều người dân nghèo miền Trung cũng như nhiều địa phương khác ở nước ta đến đây để được khám chữa bệnh. Tuệ Tĩnh đường có Hòa thượng Thích Tuệ Tâm – vừa là lương y trực tiếp khám bệnh, bốc thuốc, châm cứu miễn phí và là người quản lý ở đây.

Hòa thượng Thích Huệ Tâm: Khám bệnh, bốc thuốc là trách nhiệm với đời - Ảnh 1.

Hoà thượng Thích Tuệ Tâm khám cho bệnh nhân

Hòa thượng Tuệ Tâm chia sẻ, từ nhỏ thường được đi chùa với cha mẹ và bà nội. Đến với không gian nhà Phật với cảnh thanh bình, yên ả và tình yêu thương con người đã thấm vào trong vị hòa thượng lúc nào, đến nỗi thuộc nhiều kinh và cả giáo lý đạo Phật. Năm 16 tuổi, Tuệ Tâm xin cha mẹ vào tu ở chùa nhưng đến lần thứ ba mới được gia đình đồng ý cùng lời nhắn gửi của cha: "Giờ thấy con đã quyết tâm, lại thuộc cả kinh và giáo lý Phật giáo nữa, ba bằng lòng. Nhưng con không được bỏ ngang đường đó nghe". Mừng quá, ngày hôm sau Tuệ Tâm tới nhà chùa và xuống tóc.

Với khát vọng bốc thuốc chữa bệnh cứu người, Hòa thượng Tuệ Tâm cho biết chọn con đường Đông y. Sở dĩ chọn Đông y vì cha của Hòa thượng vốn là một thầy thuốc nổi tiếng trong vùng, 4 người trong số 6 anh chị em cũng đã theo nghề này. Thuở nhỏ, Hòa thượng Tuệ Tâm đã muốn làm thầy thuốc nhưng khi lớn lên cha không đồng ý "bởi ông sợ con cháu lợi dụng nghề y để thu lợi bản thân". Cho đến khi con trai quy y cửa Phật, cha mới yên tâm truyền nghề lại.

Đến với cửa Phật, Hòa thượng Tuệ Tâm lại gặp được những lương y giỏi như thầy Tôn Thất Tôn, Trần Trí Diệm, sau này là thầy Thích Tâm Ấn. Từ việc được truyền nghề, chỉ dạy từ những người thầy và tự học, tự nghiên cứu, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm trở thành một lương y như ước nguyện. Năm 1977, Hòa thượng Tuệ Tâm mở phòng khám chữa bệnh ở Lăng Cô, Huế. Hai năm sau, sư Huyền Không từ Lăng Cô lên lập chùa mới ở Hương Hồ, sư Tuệ Tâm lên theo và khám chữa bệnh ngay trong chùa. Mỗi ngày khám, chữa được cho 40 - 50 bệnh nhân, tất cả đều miễn phí.

Năm 1982, Hòa thượng Tuệ Tâm cùng một số đệ tử xuống núi, hành đạo cứu người bằng việc lập một phòng khám đông y với lưng vốn là 2.000 đồng và 25 thúng lúa. Ban đầu thầy trò "cắm trại" ở chùa Tăng Quang. Khám bệnh miễn phí mà thuốc thang, điều trị cũng miễn phí hoàn toàn. Người nghèo nghe tiếng tìm đến, chỉ ít ngày sau số vốn ít ỏi đã cạn. Có lúc tưởng lâm vào bế tắc nhưng Hòa thượng Tuệ Tâm quyết không từ bỏ tâm huyết hành thiện cứu đời của mình, đành tạm thời đóng cửa phòng khám.

Rồi một hòm công đức được mở ra. Người đến bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh tùy tâm cúng dường. Đến năm 1989, Tổ chẩn trị y học dân tộc sáp nhập với phòng khám tây y trở thành Tuệ Tĩnh đường ở nhờ trong khuôn viên chùa Diệu Đế. Tới năm 2005, Tuệ Tĩnh đường chuyển qua chùa Pháp Luân (số 3 đường Lê Quý Đôn, TP. Huế) và đổi tên thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa từ đó đến bây giờ.

2. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa hoạt động thuần túy về Đông y

nhưng có sử dụng một số trang thiết bị Y khoa cận lâm sàng của Tây y và các thiết bị dành cho xét nghiệm sinh hóa, đo loãng xương… Các bác sĩ, lương y, y sĩ y học cổ truyền và các nhân viên kỹ thuật viên, nhân viên cộng tác với Tuệ Tĩnh đường trên tinh thần tự nguyện, nhận bồi dưỡng tượng trưng.

Hòa thượng Thích Huệ Tâm: Khám bệnh, bốc thuốc là trách nhiệm với đời - Ảnh 2.

Hòa thượng Tuệ Tâm đang châm cứu cho người bệnh.

Hòa thượng Tuệ Tâm kể, vào thời kỳ cực khổ, thấy nhiều người nghèo khổ bệnh tật mà không có tiền đi bác sĩ mà thương. Hòa thượng đã đối trước đức Phật mà phát nguyện từ nay về sau sẽ sống vì chúng sinh. Sư quyết tâm học Đông Y và chọn cách nhập thế để cứu nhân độ thế: Với ông, bài pháp giản dị nhất là "một người khi đau cần chữa bệnh, bốc thuốc hơn là nghe thuyết giảng Phật pháp". Với hạnh nguyện vì chúng sanh, cũng chẳng phải nhập thế hay xuất thế, sư chỉ biết làm sao cho người bệnh bớt khổ nên dần dần cũng được các huynh đệ trong hệ phái ủng hộ, hoan hỷ…

Chính vì tư tưởng cứu nhân độ thế, suốt 40 năm nay, với Hòa thượng Tuệ Tâm đây không phải là nghề, mà chỉ là phương tiện để giúp đỡ người nghèo, là hạnh nguyện để hoàn thiện đường tu. Chính vì thế mà ở Huế bây giờ, Hòa thượng Tuệ Tâm không những là một vị sư hiền từ, đạo hạnh mà còn là một trong những lương y giỏi, uy tín. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa từ lâu nhận chữa những bệnh đặc thù như: Hen suyễn, cột sống cổ lưng. Hoạt động khám thường miễn phí đối với bệnh nhân nghèo diện chính sách, có thu phí thuốc men cấp phát đối với bệnh nhân có đủ điều kiện kinh tế. Điều đặc biệt, tài chính của mạnh thường quân gửi về ủng hộ Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, đều được Hòa thượng Tuệ Tâm dùng để tổ chức khám bệnh lưu động vùng sâu vùng xa, phục vụ dân nghèo không có điều kiện tới các bệnh viện nơi trung tâm.

3. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa nay đã trở thành một địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếng lành đồn xa, người bệnh từ khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên lâu nay cũng tìm về đây khám và chữa bệnh. Họ đến đây vừa được tận tình thăm khám, vừa được nghe những lời ân cần khuyên răn của Hòa thượng Tuệ Tâm. Có gia đình nghèo, cả nhà đều nương nhờ nơi cửa Phật này để qua cơn bệnh tật.

Bên cạnh việc chăm lo khám chữa bệnh cho người dân, Hòa thượng Tuệ Tâm còn xem trọng việc truyền nghề, bởi Hòa thượng cho rằng đây cũng là cách nối dài hạnh nguyện "chữa bệnh cứu người" mà Hòa thượng đã suốt đời tận hiến. Một điều đáng chú ý, Hòa thượng Tuệ Tâm thuộc hệ phái Nam tông (Tiểu thừa - cỗ xe nhỏ) chủ trương không nhập thế, chỉ tu để giải thoát cho bản thân chứ không tu cho người khác. Thế nhưng, Hòa thượng Tuệ Tâm lại nhập thế, phát tâm hành nghề y, làm việc thiện giúp người nghèo. Đem thắc mắc này hỏi Hòa thượng Tuệ Tâm thì được Hòa thượng chia sẻ: "Lúc đầu, trong hệ phái không ai thích và ủng hộ cách làm của mình, nhưng về sau thấy hoạt động hiệu quả mọi người rất ủng hộ. Đến bây giờ Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa không phân biệt hệ phái, tôn giáo, tất cả tùy duyên vào một mái nhà chung với mục tiêu chữa bệnh cứu người".

Hiện nay, ngoài hoạt động khám chữa bệnh từ thiện đông y, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn y học cổ truyền cho học viên ở Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Hòa thượng Tuệ Tâm còn phát tâm kêu gọi phật tử, mạnh thường quân trong ngoài địa phương vào các dịp lễ, tết thường xuyên tổ chức các hoạt động tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Bình quân chi phí các hoạt động này mỗi năm từ 1-2 tỷ đồng.

Theo Hòa thượng Tuệ Tâm bốc thuốc, khám bệnh cứu người không phải là nghề, "mà chỉ là phương tiện để giúp đỡ người nghèo". Lương y – Hòa thượng Tuệ Tâm cũng luôn tâm niệm: "Chữa bệnh nên đặt chữ "nhân" chứ đừng đặt chữ "lợi" lên đầu. Khi đặt chữ "lợi" lên đầu rồi là không có đạo đức. Có hai nghề, nghề thầy giáo và thầy thuốc mà đặt chữ "lợi" lên thì sẽ hư sự hết. Hai nghề cao cả, bổn phận là phục vụ, vô vụ lợi, nếu tính toán, là thua rồi, không trọn vẹn được".

Sau gần 40 năm làm công việc bốc thuốc cứu người, Hòa thượng Tuệ Tâm vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu, làm việc và khám chữa bệnh mỗi ngày. "Tôi ước nguyện xây dựng một bệnh viện điều dưỡng để vừa điều trị, vừa hướng dẫn bệnh nhân các phương pháp dưỡng sinh, thiền, để họ tự tạo cho mình cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc" - Hòa thượng Thích Tuệ Tâm chia sẻ.

Hòa thượng Thích Tuệ Tâm, tên thật Quách Cà, sinh năm 1956, là một trong những người tiêu biểu sưu tầm một số sách của ngự y triều Nguyễn và của nhiều danh y khác; trong đó có bộ sách quý của Hải Thượng Lãn Ông. Năm 2019, Hòa thượng Tuệ Tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Hội Đông y Việt Nam công nhận Hòa thượng là thầy thuốc Đông y tiêu biểu, "Cây kim vàng" của Việt Nam.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh, Hòa thượng Thích Tuệ Tâm còn dày công nghiên cứu, tìm tòi các bài thuốc quý để chữa bệnh cứu người, như "Hoàn trí não", "Cao đơn hoàn tán", "Viên thuốc Trường thọ hoàn"... Gần đây Hòa thượng Tuệ Tâm đã nghiên cứu bài thuốc đông y kết hợp với tây y để chữa bệnh "hiếm muộn" với tỷ lệ thành công 80%.


Trung Kiên
Ý kiến của bạn