Màu sắc tươi tắn, nhẹ nhõm, xem tranh ta thấy lòng thư thái, trong trẻo, mọi ưu phiền như tan biến đi. Không dữ dội, giằng xé nội tâm, không cuồng nộ, không nổi loạn mà hiền hòa, đằm thắm, rất hiện đại nhưng cũng rất Việt Nam....
Đó là những nhận xét của phần đông người tham dự triển lãm tranh của nữ họa sĩ Văn Dương Thành với bộ sưu tập tranh mang tên Chân dung Hà Nội. Họa sĩ Văn Dương Thành đã trở nên quen thuộc với những người yêu hội họa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Bằng một tình cảm sâu lắng nhưng mạnh mẽ hướng về quê hương đất nước, chị vẫn trở lại với quê hương như "một cõi đi về" thiêng liêng, trái tim chị luôn đau đáu nhớ về "nơi chôn nhau cắt rốn". Chính tình cảm chân thành thể hiện hài hòa của phương pháp nghệ thuật Á Đông kết hợp với phong cách châu Âu đã tạo nên "Hiện tượng tranh phố".
Họa sĩ Văn Dương Thành. |
Là một người con gốc Việt, chị cũng như biết bao thế hệ nghệ sĩ đi trước chọn đất cổ Thăng Long - Hà Nội làm nguồn cảm hứng sáng tác. Qua những tác phẩm của chị về Hà Nội được trưng bày trong triển lãm lần này, chúng ta cảm nhận về một Hà Nội vừa mới lạ vừa rất đỗi thân quen. Những ai đã từng ngắm nhìn những bức tranh về phố Hà Nội của chị khó thoát khỏi sự ngỡ ngàng, không ít người "giật mình" vì hình như đang tìm thấy Hà Nội năm xưa và Hà Nội ngày nay. Những bức tranh khá hoàn hảo từ cách phối họa, pha màu tới nét vẽ, đều tinh tế, thuần thục, điêu luyện.
Theo chị thì cảm giác này có lẽ một phần bởi chị có ít nhiều ảnh hưởng từ thời ấu thơ theo học các họa sĩ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm.... Tuy nhiên lại có thể thấy rất rõ nét khác biệt trong tranh Văn Dương Thành so với lớp thế hệ họa sĩ đi trước đó là màu sắc, bố cục. Phố cổ Hà Nội trong tranh Văn Dương Thành hiện lên với một vẻ đẹp khác lạ không giống bất cứ ai, đôi khi bừng sáng, đôi khi duyên dáng, đôi khi mặn mà, có lúc lại ẩn chứa bao tâm sự, rồi có cả những "lát cắt" của nhịp sống nơi phố phường, những ô cửa như đang thì thầm cùng ai... Nắng, ánh trăng, gió mưa, trưa hè cùng cây lá xum xuê - Hà Nội của Văn Dương Thành hiện ra lộng lẫy, nơi sự mới mẻ tôn vinh nét cổ xưa. Hà Nội đầy màu sắc, sôi động và không hề yên tĩnh trong tranh Văn Dương Thành, vẫn nét thanh lịch của người Tràng An, vẫn nét độc đáo của Hà Nội 36 phố phường, vẫn là những bức tường xám loang lổ, có những mảng gạch đỏ bong tróc, cũng có một ngõ Phất Lộc cũ kỹ, xám xịt, vỉa hè chật hẹp, những vệt mưa giăng, dây điện giăng, những cánh cửa đơn sơ sập sệ mở thẳng ra đường, hai bác đạp xích lô mải miết, những thiếu phụ tóc dài nón trắng che khuất mặt... Những đường viền của tóc hay của môi trên chân dung phụ nữ trong tranh chị thường được chăm chút cẩn thận với một dụng ý khá rõ nhằm tăng thêm nét đài các trong từng vết cắt của màu sắc. Trong những bức tranh ấy, Văn Dương Thành đưa hơi thở của nét, của màu, của ánh sáng vào nhân vật khiến người phụ nữ trong tranh chị chừng như muốn bước ra, tung tăng với nắng gió nơi phố phường nhộn nhịp.
Tranh của chị như đang chứng minh cho quy luật: Sự sống và cái mới nảy mầm từ cái cũ. Có lần chị từng chia sẻ: "Hà Nội ngày nay khác nhiều so với Hà Nội xưa, rất cần những bức tranh để lưu giữ lại vẻ đẹp cổ của Thủ đô. Một thành phố mới mẻ, hiện đại điểm thêm một chút đơn sơ thì vô cùng quý giá, bởi cái mới nảy mầm, tôn vinh từ cái cũ". Đúng như vậy, yếu tố mới - cũ từ con người, thiên nhiên, đến cảnh sắc trong tranh Văn Dương Thành đều hài hòa, tạo thành một khối thống nhất. Chúng chính là điểm tựa của nhau để cùng sống mãi trước thách thức khắc nghiệt của thời gian.
Cùng với phố cổ, chân dung các bậc thầy của Hà Nội - là những gương mặt mà cô bé Thành đã may mắn được gặp từ khi chập chững học vẽ. Đó là những danh nhân Hà Nội như nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm và nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh. Chính các thầy cũng vẽ khá nhiều chân dung Văn Dương Thành và giờ đây chị cũng vậy, vẽ hàng chục bức chân dung các bậc thầy để nhớ và tôn vinh họ. Danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ hàng trăm bức chân dung Văn Dương Thành, đặc biệt là tác phẩm Văn Dương Thành áo hồng vẽ từ năm 1974, sơn dầu trên vải được trưng bày tại Viện Bảo tàng châu Á tại Stockholm, Thụy Điển, nay được đem về nước và bày tại Sofitel Plaza như một món quà Văn Dương Thành muốn gửi đến những người yêu hội họa Hà Nội.
Có lẽ chính sự hòa hợp giữa tình yêu nghệ thuật và tình yêu đất nước, giữa tài năng hội họa và vẻ đẹp tâm hồn, giữa khát vọng "đi" và ý thức "cội nguồn" của Văn Dương Thành đã khắc họa thành công những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Nữ họa sĩ Việt kiều Văn Dương Thành xứng đáng là đại sứ văn hóa của Việt Nam, mang những thông điệp của dân tộc tới bạn bè quốc tế.
Thanh Mai