Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang: Bảo tồn nghệ thuật sơn mài khắc khoải trong tôi !

19-08-2024 14:43 | Văn hóa – Giải trí

Những tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang ngỡ là bình dị nhưng lại ẩn chứa những điều vô cùng sâu sắc, thể hiện sự tôn vinh di sản văn hóa dân tộc và mang đến cảm giác hoài niệm về một thời đã qua.

Tiếp nối truyền thông cha ông

Chu Nhật Quang (SN 1995, Hà Nội) là một họa sĩ trẻ, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai thế hệ gắn bó sâu sắc với nghệ thuật truyền thống. Ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn - một trong những nghệ sĩ nổi bật với niềm đam mê sâu sắc trong việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Bố của anh là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long với niềm say mê với nghệ thuật rối nước.

Những giá trị nghệ thuật, tình yêu đối với văn hóa truyền thống mà ông nội và bố truyền lại luôn âm thầm chảy như mạch nước ngầm, thấm sâu vào máu thịt người họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang từ những ngày còn thơ ấu. Nhờ đó định hình nên phong cách, con đường nghệ thuật đặc biệt mà anh theo đuổi.

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang: Bảo tồn nghệ thuật sơn mài khắc khoải trong tôi !- Ảnh 1.

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang.

Chu Nhật Quang đã trải qua 7 năm học tập chuyên sâu về hội họa tại trường Santa Ana ở California (Mỹ) và hoàn thiện bằng cấp cử nhân ngành Thiết kế Ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Úc). Anh nói, chính những tháng ngày đi du học đã cho anh nhiều trải nghiệm, vì vậy tư duy hội họa của anh giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.

Khi được hỏi về niềm đam mê này đến với anh từ khi nào, chàng họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang tâm sự: "Niềm đam mê với hội họa của tôi đã được nuôi dưỡng từ những ngày còn nhỏ. Vào khoảng 7 - 8 tuổi, tôi thường xuyên theo chân bố và ông nội đến xưởng vẽ của gia đình, ông đã truyền dạy cho tôi những bước đầu tiên về nghệ thuật sơn mài. Dù có được cảnh báo từ sớm rằng việc theo nghiệp sơn mài sẽ rất khó khăn và gian nan nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì luôn có sự động viên và truyền cảm hứng từ ông và bố".

Do tình yêu tranh từ bé đã thấm sâu vào máu thịt nên từ khi du học trở về nước, họa sĩ trẻ đã tự làm khó bản thân, chọn vẽ sơn mài để "chung tay" cùng gia đình làm đẹp thêm cho nghệ thuật nước nhà. Những ký ức với những chú rối và các linh vật như long, ly, quy, phượng thuở ấu thơ đã trở thành nguồn cảm hứng chính cho những sáng tác đầu tay của anh.

Những hình ảnh hoài niệm ấy không chỉ thể hiện sự gắn bó với nghệ thuật truyền thống mà còn đánh dấu bước khởi đầu của anh trên con đường sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật sơn mài.

Chất hiện đại "pha lẫn" hồn truyền thống

Dù là một họa sĩ trẻ trong lĩnh vực này, tuy nhiên họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang đã nắm được hồn cốt của tranh sơn mài. Anh chia sẻ, hầu hết những họa sĩ đã "dính vào" làm tranh sơn mài thì rất khó để trở lại vẽ các chất liệu khác. Mà chất liệu để làm tranh sơn mài cũng độc đáo và đắt đỏ bậc nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng công đoạn. Họa sĩ vẽ sơn mài cũng vất vả hơn hẳn các chất liệu khác bởi thời gian hoàn thiện mỗi tác phẩm thường rất lâu.

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang: Bảo tồn nghệ thuật sơn mài khắc khoải trong tôi !- Ảnh 2.

Hoạ sĩ Chu Nhật Quang miệt mài bên giá vẽ.

Quá trình làm vóc (gỗ) có thể kéo dài tới một tháng, bao gồm từ việc mài, toát sơn cho đến việc chờ sơn khô và lặp lại quy trình này nhiều lần. Mỗi tác phẩm sơn mài được hoàn thiện qua 8 – 11 lớp sơn, yêu cầu người thợ phải kiên nhẫn và chính xác đến từng chi tiết.

Đem sự đặc trưng của sơn mài vào các tác phẩm mang đậm hơi thở làng quê Bắc Bộ, họa sĩ Chu Nhật Quang như dẫn người xem vào những khung cảnh của sự huyền diệu. Chùa Thầy yên bình dưới chân núi, khung cảnh làng quê sông nước êm đềm hay cổng làng cổ kính gợi nhớ về quá khứ, … tất cả đều được thể hiện đầy tinh tế mềm mại qua chất liệu tưởng rằng rất thô cứng.

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang: Bảo tồn nghệ thuật sơn mài khắc khoải trong tôi !- Ảnh 3.

Hoạ sĩ Chu Nhật Quang kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại trong tác phẩm của mình.

Các tác phẩm ngỡ là bình dị nhưng lại ẩn chứa những điều vô cùng sâu sắc, thể hiện sự tôn vinh di sản văn hóa dân tộc và mang đến cảm giác hoài niệm về một thời đã qua.

Tuy nhiên, điều đặc biệt trong các tác phẩm của anh là mang một sắc thái "rất Tây". Những gam màu tươi sáng, mới mẻ và các kỹ thuật phối màu hiện đại không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp truyền thống mà còn đem lại một làn gió mới cho nghệ thuật sơn mài.

Chính sự kết hợp độc đáo này cho thấy khả năng hòa quyện nhuần nhuyễn giữa các nền văn hóa và phong cách nghệ thuật khác nhau trong tác phẩm của Chu Nhật Quang, tạo nên một dấu ấn riêng biệt trong làng nghệ thuật đương đại.

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang: Bảo tồn nghệ thuật sơn mài khắc khoải trong tôi !- Ảnh 4.

Tác phẩm sơn mài "Nơi bắt đầu" của họa sĩ Chu Nhật Quang.

Chia sẻ thêm với phóng viên, họa sĩ Chu Nhật Quang bộc bạch rằng bức tranh "Nơi bắt đầu" là tác phẩm anh tâm đắc nhất bởi gắn liền với anh những kỷ niệm sâu sắc. Bức tranh với bối cảnh chùa Thầy và thủy đình giữa hồ, kết hợp cùng hình ảnh con rồng trong múa rối nước được anh thực hiện trong hơn một năm. Tác phẩm đặc biệt này không chỉ mang ý nghĩa khởi đầu cho mọi sáng tạo mà còn chứa đựng nhiều cảm xúc khó tả về lần đầu tiên anh được ông và bố dẫn về quê hương - nơi những hình ảnh để lại dấu ấn mạnh mẽ trong trái tim anh.

"Với tôi, mỗi bức tranh sơn mài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một phần của tâm hồn và di sản gia đình . Chính vì thế, ở hiện tại và cả tương lai, tôi và gia đình không có ý định thương mại hóa những gì quý giá ấy. Tôi muốn những bức tranh này đến được những nơi thực sự có ý nghĩa, nơi mà giá trị văn hóa và tinh thần của chúng được tôn vinh. Còn lại, chúng sẽ được lưu giữ trong phòng trưng bày riêng của gia đình, như một cách để tri ân nghệ thuật và di sản mà tôi đang gìn giữ và tiếp nối" - họa sĩ Chu Nhật Quang tâm sự.

50 tác phẩm đặc biệt sẽ trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô 10/10 tới đây, họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ tổ chức triển lãm 50 tác phẩm sơn mài tại khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long.

Đây là một sự kiện đặc biệt không chỉ để Chu Nhật Quang giới thiệu nghệ thuật sơn mài Việt Nam tới công chúng và những người yêu hội họa trên toàn quốc mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản văn hóa và sự đổi mới sáng tạo.

Hiếm thấy họa sĩ nào trưng bày tác phẩm sơn mài tại không gian như Hoàng thành Thăng Long, bởi không gian quá rộng cũng không có phòng chuyên biệt treo các tác phẩm, điều đó sẽ khiến người thưởng lãm không tập trung.

Nhưng Chu Nhật Quang lại có lý do của riêng mình, anh muốn những tác phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại phải được đặt trong không gian dù không kỳ vĩ lớn lao , song có một giá trị đặc biệt mà những di sản khác ở Việt Nam không có, đó là giá trị văn hóa lịch sử của chiều dài ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Hiện nay, chàng họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang đang ấp ủ những dự định lớn lao, với mong muốn đưa tranh sơn mài Việt Nam vươn ra thế giới. Anh khao khát góp phần tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của nghệ thuật dân tộc trên trường quốc tế.

Quỳnh Đinh


Ý kiến của bạn