Vào cái thuở cặm cụi âm thầm chép những cuốn truyện của Anđecxen, Đôđê... vào sổ tay như để làm một thứ hành trang của tuổi trẻ vào đời, họa sĩ Lương Xuân Đoàn không ngờ rằng chính những dòng văn trong trẻo, đẹp lạ lùng đó đã định vị và nuôi dưỡng tâm hồn anh từ trẻ.
Sau này vào học mỹ thuật, nhiều người nhận ra ở anh có một quan niệm thẩm mỹ “hơi bất thường”. Dường như ở trong tâm anh chỉ phù hợp với cái trạng thái, cái khung cảnh bên ngoài mang tính cổ tích, huyền thoại. Cùng thế hệ anh có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, đi ra trận còn nghe tiếng nhạc lá, còn quan tâm cây nấm này màu nâu, nâu non chứ không phải màu nâu già... để rồi thành một hồn thơ. Vậy thì cũng thật dễ hiểu chàng sinh viên Lương Xuân Đoàn, đi thực tập mà không ký họa, chỉ chăm chăm ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi mà cuộc sống giao cảm với tâm hồn.
Rồi không chút ồn ào, khoa trương, Lương Xuân Đoàn lặng lẽ thắp lửa nghệ thuật theo một dòng mạch riêng mình, chung hòa với dòng chảy của hội họa truyền thống. Ở người nghệ sĩ ngày ngày lặng lẽ với vòng quay xe đạp giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt, có một nếp nghĩ, một nếp sống, nếp ứng xử, văn hóa mang cách cảm, cách nghĩ của tâm thức phương Đông. Điều này có thể giải thích rằng anh may mắn sinh ra trong một nếp nhà mà các cụ theo nho học, đã 4-5 đời lập nghiệp ở Hà Nội và văn hóa Tràng An xưa được gìn giữ, chưng cất trong nếp nhà qua nhiều thế hệ.
- Tôi được thừa hưởng và có trách nhiệm nối liền sợi dây bền chặt của dòng tộc mình. Cách giáo dục của các cụ ngày xưa có thể không hợp với hôm nay nhưng với tôi là sự biết ơn. Bác tôi, họa sĩ Lương Xuân Nhị đã khích lệ ở tôi một quan niệm học không giống ai. Tôi cho tính cách độc lập của một nghệ sĩ rất quan trọng. Tôi hoàn toàn học hay vẽ là để gìn dưỡng cái đời sống bên trong của mình chứ không phải là để nạp vào và xả ra cái gì đó nguyên vẹn.
- Phải chăng chính tính cách độc lập ấy hình thành ở người nghệ sĩ những bước tiên phong? Nhưng để nói một cách rạch ròi giữa tính tiên phong của người nghệ sĩ trong đời sống nghệ thuật và những bước rất chậm của công chúng thì người nghệ sĩ nhìn nhận và giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Bây giờ việc công bố nhanh hay chậm, sự hối thúc xuất hiện không còn là nỗi bức xúc của nghệ sĩ nữa. Tôi đang sống với những người rất có tài, tôi biết họ đang làm ra những tác phẩm rất hay, rất đẹp, nhưng họ chưa xuất hiện. Sự từ chối đòi hỏi của công chúng với họ, sự cầu toàn quá cũng không hay. Bức tranh vẫn là bản quyền của anh, nhưng khi anh vẽ xong rồi thì đấy là tài sản tinh thần chung, cần chia sẻ với công chúng. Nghệ sĩ được phép phục vụ chính trí tuệ sáng tạo của cá nhân mình, không lệ thuộc vào số đông, nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua cái trách nhiệm xã hội âm thầm trong mình.
- Theo anh, trong thành công của nghệ sĩ có bao nhiêu phần trăm ở bản năng và bao nhiêu phần trăm ở sự học, tôi muốn nói đến cái sự học bao gồm cả việc anh ta dấn thân, va đập để tích lũy vốn sống?
- Tôi cho rằng không thể bỏ qua cái trời phú trong làm nghệ thuật, nó là cái mà nhiều khi anh bỏ cả đời ra lao động cũng chưa chắc đã đạt được hiệu quả. Đấy là cái bí ẩn trong sáng tạo, khó giải thích. Nhưng rõ ràng không thể không dấn thân, không hòa mình đôi khi đến đắm chìm vào những biến động xã hội. Có nhiều khi vẽ đấy mà phải vật vã như lao động khổ sai nhưng người xem tranh lại hết sức thảnh thơi, bức tranh chỉ cho thấy cái vẻ đẹp của hội họa chứ không phải để người ta chia sẻ lao động vất vả đằng sau.
- Người ta thường hay nói đến trạng thái, tâm thế của người nghệ sĩ trong sáng tạo. Với anh, khi cầm cọ để bắt đầu một bức tranh, anh thường ở trong tâm trạng ra sao?
- Không bao giờ tôi phải cố tình chuẩn bị trạng thái của sáng tạo đâu. Trong tôi luôn có đời sống thường trực là cái cảm, cái nghĩ, cái nhìn về nghệ thuật. Khi ánh chớp lóe của ý tưởng xuất hiện thì kịp cầm lấy bút.
- Vậy có nhất thiết tâm trạng đồng điệu với ý tưởng?
- Lúc buồn nhất là lúc tôi thường im lặng, không vẽ, không làm nghệ thuật. Chỉ khi có sự hưng phấn cảm xúc thì mình mới rũ bỏ trạng thái của cá nhân mình để cầm bút. Tôi luôn duy trì sự nhạy cảm giữa ý nghĩ và bàn tay. Khi bàn tay cầm bút thì kể cả là bút lông hay bút sắt, thậm chí là một con dao để trổ lên miếng gỗ, miếng giấy những hình ngẫu hứng thì bao giờ nó cũng tạo ra những bất ngờ.
- Giai đoạn từ đây trở về trước, thời gian nào là lúc anh ở trong sự huy hoàng nhất của sáng tạo?
- Có lẽ là khi bộ tranh “Thánh Mẫu” được làm ở Phần Lan, xứ sở Bắc Âu rất bình yên khiến tôi được tĩnh tâm tuyệt đối và không thể vẽ gì khác ngoài những bức tranh mang màu sắc tôn giáo. Tôi cho đấy là thời kỳ sáng tác đẹp nhất của tôi - 1995. Mình sống trong một xã hội bình yên, vào nhà thờ, nghe nhạc của Bach hay Bethoven, khi ra khỏi nhà thờ vẫn có cảm giác bình yên như khi ở trong đó đang nghe nhạc, tức là nó hoàn toàn không có cách biệt giữa bên trong và bên ngoài nữa. Điều này tạo ra nhạc cảm rất lạ trong tôi. Sự bình yên tuyệt đối cũng như cách cảm về hình và sắc hoàn toàn mang màu sắc tôn giáo.
Trong con mắt người đời, anh là một “vị quan chức”, bởi anh từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), đương nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng với anh: “Tôi luôn luôn là người như thế, và luôn tự nhiên trong tâm thế phương Đông của mình, tôi yêu thích tình cảm, cách ứng xử phương Đông”.
Ở khoảng lặng và thăng hoa của sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhỏ bé, gầy gò, lặng lẽ... nhưng vẫn tiềm ẩn sức vóc sáng tạo. Những gì thuộc về cách hành xử của một nghệ sĩ gốc Hà Nội thật không dễ nhận ra, cũng như trong cảm thức của anh, văn hóa Hà Nội có cái gì đó lạ lắm, rất kiên cố trong lòng, ai biết thì người ấy được chứ hiếm khi nó tự lộ ra.
Cầm Kỳ