Họa sĩ Lê Sa Long khắc họa Sài Gòn ngày giãn cách COVID-19 bằng tranh

01-07-2021 17:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Họa sĩ Lê Sa Long vừa giới thiệu bộ tranh là những câu chuyện về thành phố nơi anh sống trong những ngày dịch COVID-19, rất có hồn, tạo sự xúc động với công chúng.

Báo Sức khỏe&Đời sống xin gửi đến bạn đọc bộ tranh này của họa sĩ Lê Sa Long, để cùng chia sẻ với những người dân, lực lượng chống dịch ở thành phố mang tên Bác. Cũng qua đây, mong cho TP.HCM sớm vượt qua COVID-19 để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, là “hòn ngọc Viễn Đông” của khu vực và châu lục.



Họa sĩ Lê Sa Long sinh năm 1968, nguyên quán Bình Định nhưng sinh ra tại Đồng Tháp. Đam mê hội họa từ nhỏ, khi rời quân ngũ, anh theo học Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ra trường, anh trở thành giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM. Lê Sa Long từng đoạt giải nhất Chân dung ký họa màu nước do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức năm 1999, giải khuyến khích Cup Rồng Tre 2012 do Bộ VH-TT-DL tổ chức và nhận bằng khen danh dự Mỹ thuật Bình Định 20 năm vào năm 2015.


Đường Ngô Đức Kế, quận 1 những ngày đầu giãn cách.
Khu Ngô Đức Kế  sầm uất thế mà khi có dịch chỉ có vài ánh đèn vàng le lói dưới cơn mưa đêm!


Người đàn bà và con chó nhỏ.
Đầu tháng 6 gặp người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn, nói: “Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi! Dịch dã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống!” Nghe mà nhói trong lòng. Chỉ có chú cún nhỏ mà bà nuôi được 5 tháng vẫn hồn nhiên quấn quýt bên bà…


Đường xưa lối cũ.
Hồ con Rùa - nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh nhỏ vào Sài Gòn hoa lệ học - tôi được cô bạn xinh xinh rủ ra ngồi ăn bò bía, đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon học trò “Sì Gòn”. Giờ em đã đi rất xa; nhưng mỗi lần ngang qua, tôi vẫn tưởng như em còn ngồi đâu đó nghiêng nghiêng mái tóc dài. Sáng 20/6, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn! Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu…


Mơ là triệu phú.
Mười một giờ trưa, bên ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bà bán vé số người Quảng Ngãi đang quệt mồ hôi (hay đang quệt nước mắt) than: “Ế lắm chú ơi. Sáng giờ chỉ bán được có mấy tờ, chú ủng hộ giùm”. Mua vội bà vài tờ, chỉ an ủi sơ rồi vội vã đi, như người có lỗi…


Dòng sữa ngọt ngào.
Hai hôm nay câu chuyện của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) đang làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM khiến nhiều người cảm động. Riêng tôi, khi vẽ mặt và chân tay của bé, thấy rõ là cô bé hiếu động, nhìn thấy cưng gì đâu!

Khi Hà Anh Tuấn cúi xuống thật gần. Đầu tháng 6, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang bắt đầu "kiệt sức", anh đã quyết định ủng hộ 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM để "cả Sài Gòn cùng nhau nấu cơm”. Người ca sĩ này hầu như không bị tì vết dù trong môi trường showbiz phức tạp. Với giọng ca và tâm hồn đẹp, anh đã để lại những ấn tượng khó quên khi “ khi cúi xuống thật gần” với người nghèo trong “mùa” giãn cách…

Cha và con và… COVID-19. Ngày của Cha qua đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ đến hoàn cảnh của ông Trần Văn Hưng (58 tuổi) cùng cậu con trai Trần Hiệp Tài (34 tuổi, bại não bẩm sinh) vẫn thấy xúc động! Tôi vẽ ông Hưng với hình anh đôi tay ôm hai vai Tài như muốn che chở con, Còn Tài thì cười và chỉ vào ba như muốn nói: “Người cha vĩ đại của tui đó!”.

Một thiên thần trong mùa dịch

Chú bán vé số ơi, nhận giùm thùng mì này về dùng, khi cần cứ đến chỗ thiện nguyện này nghen

Cửa hàng 0 đồng – nét đẹp người Sài Gòn, san sẻ khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh

Đêm nhớ về Sài Gòn

Đường Trường Sa kênh Nhiêu Lộc (Quận Phú Nhuận) một sáng giãn cách

Quán cơm trưa 0 đồng cho người nghèo vượt qua COVID -19

ATM lướt ống độc đáo ở nhà thờ Tân Sa Châu (Tân Bình) phục vụ bà con vượt qua COVID -19

Hoàng hôn trên cầu Bình Lợi thời giãn cách 

Tấm lòng vì người nghèo không chỉ dành cho người Sài Gòn


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn