Họa sĩ Lê Huy Tiếp: Tôi như một ông đồ Nghệ!

19-08-2017 16:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ông tự xét về mình như thế khi nhắc đến chuyện đã xin về hưu trước 10 năm theo chế độ. Có thời ông làm đến chức Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ông quay lưng với chốn cồn cào bon chen và trở về với ngó sen của bến quê, cùng men say sắc màu và những khát khao sáng tạo. Ông cặm cụi vẽ, chi tiết, tỉ mỉ sau bao đêm suy nghĩ; vẫn như ngày nào ông đã khai sinh ra một dòng tranh hiện thực nhưng lại lấp lánh chất lãng mạn siêu thực. Người ta gọi ông với biệt danh Tiếp “dị”, bởi lẽ ngoài phong cách hội họa độc đáo, ông còn là một con người có nhiều chuyện cũng dị thường chẳng giống ai.

Người không được ngáp miệng!?

Ông tự kể với nụ cười tự trào, rằng mình rất sợ ngáp miệng kể cả khi buồn ngủ, cũng phải đề phòng, vì nếu ngáp là không ngậm miệng lại được. Tưởng chuyện hài hước, hay có ý thâm nho gì nhưng quả đây là một chuyện rất khủng khiếp của ông, xảy ra từ độ tuổi 15...

Lê Huy Tiếp rất say mê vẽ, nhưng lại học giỏi toán và kém mắt từ nhỏ. Riêng mắt phải của Tiếp chỉ độ hai phần mười nên nhìn mọi thứ rất khó khăn. Ngày đêm miệt mài với giá vẽ và đam mê với màu sắc, cậu bé Tiếp đã thuyết phục được ông bố đồng ý cho ra Hà Nội; đồng thời làm hai việc, thi vào trường hội họa và khám chữa mắt.Họa sĩ Lê Huy Tiếp.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp.

Nhưng có điều vào thời điểm đó, năm 1965, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ngày mỗi ngày thêm khốc liệt. Mảnh đất miền Trung là một túi bom khổng lồ của máy bay Mỹ. Chúng chặn đánh ác liệt với âm mưu ngặn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc tiếp sức cho các mặt trận phía Nam. Chính vì thế, cậu bé Tiếp muốn ra Hà Nội phải đi xe đạp và băng qua tuyến lửa hiểm nguy đó. Rủi thay, khi Tiếp đạp xe đến Thanh Hóa thì đúng lúc bom đạn của giặc đã phá nát cung đường. Sợ lỡ dở, Tiếp vác xe trên vai rồi chạy băng qua đoạn đường ác liệt, nhưng bất ngờ một quả bom dội xuống phía sau làm Tiếp ngã vật xuống với nhiều vết thương trên người. Nguy hiểm nhất là có mảnh đạn nhỏ xuyên qua phổi ra phía sau lưng. Sau khi đã chết lâm sàng tới mấy ngày liền, cậu bé Tiếp mới tỉnh lại và được người nhà đưa thẳng ra bệnh viện Hà Nội cứu chữa. Mọi sự tưởng như may mắn trở lại bình thường sau khi tai qua nạn khỏi, nhưng ngờ đâu còn một viên bom bi mắc trong hốc xương hàm, không thể mổ lấy ra được, bởi rất nguy hiểm. Thế là, Tiếp phải sống chung với viên bom bi suốt đời. Từ đó mỗi lần Tiếp ngáp thì rất đau và rất khó ngậm miệng lại được.

Nhưng mọi đau đớn, thương tật không ngăn cản được tình yêu với sự nghiệp hội họa của Lê Huy Tiếp. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, Lê Huy tiếp được đi du học tại Trường đại học Mỹ thuật ở CHLB Nga, một xứ sở của nền hội họa thế giới.

Từ đó, hàng chục tác phẩm đã ra đời, sau khi họa sĩ Lê Huy Tiếp tốt nghiệp trở về, dạy tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Họa sĩ chịu khó tìm tòi một hướng đi mới cùng với những nỗi niềm nhân thế luôn luôn thổn thức trong tâm hồn mình. Ngay từ tác phẩm đầu tiên dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1975, tức là 10 năm sau cái họa bom đạn đó, với tác phẩm “Cô gái và con chó trắng”, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã gây sự bất ngờ trong làng hội họa, bởi một bút pháp lạ và tạo luồng gió mới cho nền nghệ thuật hiện đại trẻ trung và giàu chất lãng mạn. Nhưng không ngờ một tai nạn đã ập đến, khi có một quan chức đánh giá bức “Cô gái và con chó trắng” không phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc đó. Thế là tác phẩm của Lê Huy Tiếp ngay lập tức bị gỡ xuống. Kể đến đây ông mỉm cười rồi tự trào rằng, âu đó cũng là một lần mình quên ngậm miệng mà lại ngáp to quá, trong một giấc mơ đẹp nên bị sái quai hàm. Một cú đau điếng nhớ đời.

Kẻ “trắng tay”!?

Câu chuyện này có thể kể lại bắt đầu từ bức “Cô gái và con chó trắng”. Các cụ xưa nói, đại để trong họa có cái phúc nảy mầm, thật đúng với họa sĩ Lê Huy Tiếp. Mãi đến năm 1992, họa sĩ đem bức “Cô gái và con chó trắng” đến Gallery Kim Xuân gửi bán. Ông kể vào thời điểm này, sau khi bán được không ít tác phẩm và qua 15 năm mải miết vẽ và thăm dò thị trường, tranh của ông được xếp vào loại có giá, nên ông đặt bán “Cô gái và con chó trắng” với mức tiền khá cao. Ông để lại một bức ảnh chụp tác phẩm để chào hàng cùng những hy vọng một cuộc mưu sinh tốt đẹp hơn cho gia đình.Tác phẩm “Cô gái và con chó trắng” của họa sĩ Lê Huy Tiếp.

Tác phẩm “Cô gái và con chó trắng” của họa sĩ Lê Huy Tiếp.

Thật trời có mắt, ít ngày sau có một người Mỹ, tên là Frank Marciano (gốc Italia) đang làm việc tại Việt Nam, đồng thời ông còn là nhà sưu tầm có tiếng tăm tìm đến tận nhà họa sĩ và đồng ý mua bức “Cô gái và con chó trắng” với giá đã rao bán. Nhưng kèm theo đó ông ta muốn mua tất cả những tác phẩm còn lại của Lê Huy Tiếp vẽ từ năm 1975 cho đến 1992. Sau gần 20 năm sáng tác, họa sĩ đã khẳng định một phong cách phối giữa hiện thực và siêu thực qua kỹ thuật sơn dầu mỏng, với những góc hình thật như chính cuộc sống hiện ra, gây cảm xúc mạnh. Cũng trong giai đoạn này, họa sĩ Lê Huy Tiếp được trao một số giải thưởng cao trong các triển lãm toàn quốc hay của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tính đến nay, ngoài những tác phẩm mà họa sĩ được Viện Bảo tàng Mỹ thuật mua như “Chiến tranh” và “Miền Trung”, thì một số tác phẩm quan trọng nhất, kể cả những bức có tên nằm trong số tranh mà họa sĩ được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 đều nằm trong tay các nhà sưu tầm trong nước và quốc tế sở hữu.

Tuy vậy, sự vui vẻ ấy lại tạo nên một “tai nạn” khác. Đó là khi biết tin nhà sưu tập Frank Marciano sắp phải về nước, họa sĩ Lê Huy Tiếp vội vàng mượn lại những tranh đã bán để bày trong triển lãm cá nhân của mình, vào năm 1996. Một cuộc triển lãm cá nhân duy nhất, gần như mang tính nội bộ trong Trường Mỹ thuật của Lê Huy Tiếp. Thật trớ trêu thay, cuộc trưng bày chỉ diễn ra có hai ngày, đạt kỷ lục ngắn nhất cho một cuộc trưng bày tác phẩm của một tác giả nổi tiếng. Bởi lẽ nhà sưu tầm kia chỉ cho họa sĩ mượn lại tác phẩm đúng hai ngày, vì kế hoạch về Mỹ đã cận kề.

Đáng chú ý, tranh của Lê Huy Tiếp rất dễ bán và đôi khi được bán rất nhanh. Bức tranh “Đợi” nổi tiếng vừa khai mạc triển lãm, năm 1997, mới được vài phút đã có người mua. Thậm chí có không ít bức mà họa sĩ đang vẽ dở cũng đã có người biết tin, tìm đến đặt mua trước.

Tháng tư vừa qua, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã bán nốt bức tranh sơn dầu cuối cùng còn lưu giữ trong gia đình. Đây là tác phẩm “Hà Nội sau trận ném bom 1972”. Vậy là bức tranh được họa sĩ treo lâu nhất, 40 năm qua cũng đã cất cánh bay đi.

Nói họa sĩ hiện nay “trắng tay” là vì vậy. Nghĩa là không còn bức sơn dầu nào để treo ở nhà. Cho dù việc sức hút của đồng tiền không hẳn chỉ là sự cám dỗ, làm giàu, mà chỉ là do chuyện mưu sinh cũng thật là sự đáng tiếc cho một họa nghiệp, tầm cỡ như Lê Huy Tiếp. Không có tranh, ắt không thể có một cuộc triển lãm để tổng kết hay đánh dấu một sự nghiệp. Đó là một nguy cơ bởi lẽ ông không thể đi khắp các nơi, kể cả đi nước ngoài, thuê mướn lại tác phẩm của mình để trưng bày. Tuy có lúc tự an ủi mình, ông lại rất có lý khi nói đến việc bán tranh của mình rằng, cái đẹp cần để cho mọi người thưởng thức và chiêm ngưỡng, không thể giữ nó làm của riêng mình. Những chia sẻ về nhân tình thế thái, về sự sinh tồn hay tình yêu nhân loại được thể hiện trên hình tượng và màu sắc cần phải trả về con người. Và họa sĩ muốn trao gửi những nỗi niềm thầm kín về tình yêu cuộc sống ấy đến với mọi người nhất là những người cảm nhận được mọi câu chuyện và ý tưởng từ tranh của mình.

Kết luận

Nói cái sự “trắng tay” đối với ông, hẳn không phải vậy, bởi biết bao hình tượng còn đang nảy nở, hình thành trong ông. Sức làm việc của ông còn dồi dào lắm. Những suy tư ấy làm họa sĩ chợt nhớ lại trận bom ác liệt ngày nào ở tuyến lửa miền Trung. Ông khởi nghiệp từ cõi chết và cả một đời suy nghĩ về cái hủy diệt, cái tươi mới và tình yêu con người. Sắc màu đầy chất lửa và thâm trầm, sâu lắng luôn luôn nổi bật trong tranh ông. Họa sĩ vẽ và vẽ... Trong mỗi họa tiết đều ẩn chứa tình đời và nỗi đau nhân loại. Nếu tác phẩm “Cô gái và con chó trắng” làm nên một ngôi sao lấp lánh tài hoa, thì đến bức “Đợi”, “Ê-va trở về”, “Chiến tranh” và “Hòa bình”, “Trời và đất” và “Thành cổ Quảng Trị” đã làm nên một tác giả lớn, đúng như người ta đã nói về họa sĩ là một khối thiên thạch rơi vào nền hội họa Việt Nam, ngay từ khi mới xuất hiện. Nói ông “trắng tay” nhưng thực ra ông đã có tất cả và giàu có, một sự nghiệp rực rỡ trong đời mình.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn