Họa sĩ Lê Hùng với sắc màu Tây Nguyên

06-10-2018 09:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi gặp họa sĩ Lê Hùng đúng lúc anh đang chuẩn bị tác phẩm mới, dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 2018.

Mọi người gọi anh với biệt danh Hùng “Gia Lai”, bởi lẽ anh đã trọn đời gắn bó với cao nguyên Gia Lai và không vẽ gì khác ngoài con người, cảnh vật của hai dân tộc Ba Na và Gia Rai. Tôi bồi lắng nghe anh kể lại biết bao kỷ niệm gắn bó suốt 38 năm qua...

Dấn thân với “đất thiêng”

Họa sĩ Lê Hùng nhớ đó là thời gian đầu những năm 1980, vừa tròn 22 tuổi, khoác ba lô lên cao nguyên phố Pleiku, anh không thể hình dung nổi đó là vùng đất dữ dằn, rừng thiêng nước độc. Sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật Huế, Lê Hùng sẵn sàng nhận sự phân công của nhà trường, tạm rời xa quê hương và người yêu lên đường, với những khát khao sáng tạo trên vùng đất mới. Nhưng rồi những khó khăn bày ra trước mắt cùng với những lo toan về cuộc sống thời bao cấp. Nhất là từ năm 1982, sau khi cưới vợ, sinh con đầu lòng trên mảnh đất Tây Nguyên, Lê Hùng dường như gắn bó với mảnh đất bazan đất đỏ này như một định mệnh. Anh say mê với công việc và chăm chỉ làm ăn. Thời bao cấp. Nào là tem phiếu. Nào là phân phối từng chiếc áo miếng vải. Mọi gian nan đều vượt qua nhưng có lẽ những khao khát sáng tạo của một họa sĩ trẻ đã bị chôn vùi trong những bộn bề toan tính. Bản tính của một chàng trai người Huế âm thầm, kiên cường, Lê Hùng gắng sống và luôn trăn trở về hình ảnh và màu sắc của Tây Nguyên. Vẽ thế nào đây? Nhưng rồi với những công việc của nhân viên Ty Văn hóa, anh không còn biết làm việc gì khác với những kẻ vẽ pa-nô, ap-phích và khẩu hiệu...

Họa sĩ Lê Hùng bên tác phẩm của ông.

Họa sĩ Lê Hùng bên tác phẩm của ông.

Bất ngờ, Lê Hùng có một quyết định khá táo bạo vì cuộc mưu sinh, khi anh bỏ biên chế Nhà nước đi làm ngoài. Đặc biệt, cuộc sống ngày càng cùng cực khi đổi tiền và vật giá leo thang. Hơn nữa, sau khi sinh con thứ hai, cuộc sống gia đình anh lại ngày càng gieo neo, đói ăn đói mặc. Phải tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu, anh vác máy ảnh đi xuống huyện, xuống bản kiếm tiền nuôi vợ con. Có lúc anh còn phải đi đóng biển số xe máy thuê, hoặc kẻ chữ cho Đài Truyền hình tỉnh... Nhưng có lẽ những chuyến đi chụp ảnh cho người dân tộc ở vùng sâu vùng xa mới đem lại cho anh những cảm quan mới về miền đất đầy nắng và gió này. Đây là hành trình kỳ lạ trong đời. Anh đã sống với dòng nước suối và thác lũ của Tây Nguyên. Anh biết thế nào là tượng nhà mồ, lễ bỏ mả của người Ba Na. Đó cũng là những bức ảnh anh chụp cho riêng mình về đám cưới của người Gia Rai hay tục cà răng căng tai của đồng bào Tây Nguyên, chốn rừng thiêng nước độc. Ngoài những bức hình chân dung những cô gái và chàng trai Ba Na, để kiếm tiền, Lê Hùng bắt đầu nhận biết ra những điều mình cần vẽ họ ra sao. Anh mỉm cười chợt nhớ kỷ niệm khi tặng một bức tranh về lễ đâm trâu cho người trong bản. Có người bất ngờ nhổ nước bọt vào tranh vẽ, rồi xoa xoa trên vết màu. Anh giật mình lấy làm lo sợ. Nhưng họ giải thích đó chính là tình yêu của họ đối với sáng tác của anh. Họ phải kiểm chứng xem màu có phai đi không, có nhòe không, có thực sự đó là màu vẽ. Vì sao chúng lại đẹp đến thế...?

Và rồi trong những năm tháng dấn thân vì mưu sinh đó, Lê Hùng đã gặp họa sĩ Xu Man, người dân tộc Ba Na. Họa sĩ đã khích lệ anh vẽ trở lại, đừng bỏ phí thời gian quá nhiều vào việc mưu sinh. Có lẽ đó là cái hồn Tây Nguyên đã kêu gọi anh quay đầu về với chính mình, sau mười năm uống nước rừng, ở nhà rông như một chàng trai Ba Na. Anh đã cắp giá vẽ theo Xu Man đi đây đó và hiểu thêm cần phải vẽ như thế nào và cảm xúc ra sao, với cuộc sống núi rừng bí ẩn này. Lê Hùng âm thầm thức đêm, sống cùng những sắc màu sau bao năm đi thực tế tự thân, lòng tràn đầy ý tưởng bất ngờ. Sau nhiều đêm như thế, tác phẩm đầu tiên của anh xuất hiện, bức Lời tỏ tình (sáng tác năm 1995). Tác phẩm làm thầy Xu Man phải xao xuyến với một phong cách mới về Tây Nguyên. Họa sĩ Xu Man đã thốt lên, Lê Hùng chính là hậu duệ của ông, sau hơn 30 năm chờ đợi. Hành trình sáng tạo mới của anh bắt đầu từ đây.

Khát vọng Bazan

Nếu có thể coi Lời tỏ tình đã bước đầu thể hiện phong cách hiện đại về đề tài Tây Nguyên của Lê Hùng, thì liên tiếp sau đó nhiều tác phẩm khác của anh tạo nên bản giao hưởng của núi rừng, thấm đẫm lời hát của trường ca Đam San, Xinh Nhã. Lời tỏ tình như một bài thơ lãng mạn với cây đàn Goong rạo rực sức sống của một chàng trai với cô gái Ba Na xinh đẹp tràn đầy sức sống. Lê Hùng bắt đầu một hành trình mới, trả nợ cho Tây Nguyên, sau bao năm tháng được mảnh đất này nuôi dưỡng, chở che. Anh vẽ hối hả như đang trở lại thời thanh xuân sáng tạo. Hàng loạt tác phẩm ra đời như Trời và đất, Miền khát, Lãng du, Dưới bóng nhà sàn, Khát vọng Bazan… Họa sĩ Lê Hùng đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996. Anh là họa sĩ thứ hai của Gia Lai được kết nạp, sau họa sĩ Xu Man. Sinh thời có lúc họa sĩ Xu Man bộc bạch, sau ba mươi sáu năm chờ đợi, ông mới có người nối dõi trên mảnh đất này.

Hàng loạt sáng tác dồn dập sau hai năm, họa sĩ Lê Hùng đã đứng ra tổ chức một triển lãm riêng ở Pleiku (1997). Không ít anh em ở mảnh đất rừng cà phê này do dự, vì đây là một triển lãm cá nhân đầu tiên ở một địa phương miền núi, Hội Văn nghệ Gia Lai mới thành lập, còn chưa có kinh nghiệm nào về câu chuyện này. Có người còn khuyên Lê Hùng đưa tranh về TP. Hồ Chí Minh bày, chứ ở triển lãm ở Pleiku chắc gì có người đến xem. Nhưng kết quả không ngờ, vì sắc màu Tây Nguyên của Lê Hùng đã có tiếng nói chung với những người dân tộc nơi đây, họ đến như một ngày hội vậy. Triển lãm khích lệ đặc biệt không khí hoạt động nghệ thuật trên mảnh đất cao nguyên này. Cũng từ đó phong trào học vẽ trở nên sôi nổi chưa từng thấy. Họ đã tìm đến thầy giáo Lê Hùng. Số học sinh chuẩn bị đi thi đại học như Mỹ thuật hay Kiến trúc không phải đi đâu xa như trước đây nữa. Họ đã có một người thầy đáng tin cậy ở trên quê hương mình. Tính từ năm 1995 đến nay, họa sĩ Lê Hùng đã đào tạo được hàng trăm họa sĩ trẻ mới vào nghề, trong đó hầu hết những học sinh của anh đều đỗ vào các trường đại học ở Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt chính cả ba người con của anh, hai gái một trai, đều tham gia học ở những lớp này và đều thành đạt. Họ đã tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế và Đại học Kiến trúc (Khoa Mỹ thuật).

Mười năm sau, họa sĩ Lê Hùng mới mở triển lần thứ hai (2007). Những tác phẩm của anh bừng lên sức mạnh, hồn cốt rừng núi đất đỏ cùng khát vọng của con người Tây Nguyên, trước thiên nhiên và môi trường sống đang ngày một tàn phai. Người xem được truyền cảm hứng từ những bức tranh của Lê Hùng như: Mùa khát, Chị em, Hội Pơ Thi, Chiều về buôn, Giao cảm, Vũ điệu cao nguyên, Sức sống đại ngàn, Sắc màu Tây Nguyên… Họa sĩ Lê Hùng đưa tôi xem kho tranh của anh. Tính đến nay anh đã có tới hơn 300 bức tranh khổ lớn. Trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng quốc gia và tỉnh Gia Lai. Hiện họa sĩ Lê Hùng là Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam ở Gia Lai. Hàng chục bức được treo trên các sảnh phòng, trên tường lớp học. Chúng là sự khích lệ những học trò mỗi khi đến lớp. Họ luôn nhớ lời anh dạy rằng, sau khi học Đông học Tây, đâu đó thành đạt, cuối cùng hãy trở về quê hương. Anh nghĩ mảnh đất này còn nhiều bí ẩn lắm, thật khó lường và gợi cảm hứng sáng tạo đến không ngừng cho những người nghệ sĩ.

Gia đình họa sĩ

Họa sĩ Lê Hùng nói và thực hiện đúng như những gì mình mong muốn. Đó là sự trưởng thành của ba người con. Họ cũng đã cùng anh gắn bó với Gia Lai. Đáng chú ý nữ họa sĩ trẻ Lê Nguyễn Thảo My (sinh năm 1982), con gái đầu của anh đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam và là một tài năng trong dàn họa sĩ trẻ khá đông đảo ở Gia Lai. Hai cha con anh đã từng mở chung một triển lãm “Cha và con” và được đánh giá là hiện tượng độc đáo ở xứ sở cao nguyên. Người xem có cảm giác, họa sĩ cha là sự thâm trầm sâu sắc mang tiềm ẩn sức sống Tây Nguyên, thì con gái lại dịu dàng sâu lắng như những bài ru chậm rãi mơ mộng của người Tây Nguyên. Họ bổ sung cho nhau mặc dù khác nhau về phong cách. Một là sự hòa chung giữa hiện thực và trừu tượng; còn một là sự lãng mạn của sự biểu hiện những đặc trưng mơ mộng nhất về sắc màu cao nguyên.

Bên cạnh đó, hai người con còn lại, họa sĩ Lê Nguyễn Thảo Vy (sinh năm 1984) và Lê Vinh (sinh năm 1992), cũng say mê sáng tác giống bố. Họ là hội viên Hội Mỹ thuật Gia Lai, hàng năm đều tham gia tác phẩm dự triển lãm khu vực hay thành phố Pleiku. Họa sĩ Lê Hùng mong rằng, sẽ có dịp cả bốn cha con sẽ mở triển lãm chung tại Gia Lai, cùng đề tài về cuộc sống, con người Tây Nguyên. Tôi thẫn thờ đứng trước bức tranh mới của anh chưa kịp đặt tên. Đó là hình tượng người mẹ ngực trần với đứa con nhỏ. Bên cạnh là những tượng gỗ mẹ địu con, đeo gùi và những người đàn ông đang đánh cồng cùng chú chim sơn ca... Tất cả hiện lên như bản trường ca bất tử về sự sống, yên bình và hạnh phúc.

Tôi chợt nhớ tới bài thơ của thi sĩ Ngô Thị Thanh Vân viết tặng Lê Hùng nhân dịp xem tranh của anh. Đó là những câu thơ xót xa trước hình ảnh “Người đàn bà bên tượng nhà mồ”. Tôi xem lại bức tranh và giật mình trước những câu thơ: “Người đàn bà câm lặng. Tượng nhà mồ câm lặng. Nước mắt chảy ngược vào lòng. Nước mắt chỉ linh hồn mới thấy. Giây phút tình yêu bất tử hồi sinh. Tôi khóc”. Quả vậy, đó là những giọt nước mắt giao cảm “đi qua nỗi thống khổ của con người”. Vẫn đó, một phong cách nghệ thuật ấn tượng về sắc màu bazan, đúng như họa sĩ bậc thầy Xu Man đã nhận xét: “Lê Hùng là một họa sĩ Tây Nguyên đích thực”.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn