Họa sĩ Lan Hương với Miền không có

01-02-2011 12:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lan Hương nói, chị thường vẽ trong trạng thái “quên bút”. Có khi chị trát thẳng sơn lên mặt toan, rồi lại đắp lên đó một chất liệu khác nữa… bất kỳ cái gì khiến chị thấy khả dĩ bộc lộ được đúng điều chị cảm thấy. Những chất liệu hỗn hợp được chị sử dụng trên nguyên tắc: Thích và đẹp. Bởi gì, với chị, vẽ là đối thoại với chính mình.

Lan Hương nói, chị thường vẽ trong trạng thái “quên bút”. Có khi chị trát thẳng sơn lên mặt toan, rồi lại đắp lên đó một chất liệu khác nữa… bất kỳ cái gì khiến chị thấy khả dĩ bộc lộ được đúng điều chị cảm thấy. Những chất liệu hỗn hợp được chị sử dụng trên nguyên tắc: Thích và đẹp. Bởi gì, với chị, vẽ là đối thoại với chính mình.

Dường như chị là người không biết giấu mình. Chỉ cần một câu hỏi “chích” đúng vào nguồn tâm tư là xúc cảm, ký ức, khát vọng… cùng lúc tuôn trào trong mỗi lời vội vã, trong ánh mắt, trong nụ cười với những buồn vui thoắt ẩn thoát hiện… Có lẽ vì thế, tranh của chị luôn gây cho người thưởng ngoạn cái cảm giác về một năng lượng sống cuồn cuộn không thể kiềm giữ. Những mảng khối, đường nét, màu sắc… tất thảy đều như tuôn trào trong khoảnh khắc, không kịp tính toán, không kịp ngoái nhìn…

 Tranh của họa sĩ Lan Hương.
Chị bảo mỗi khi có một xúc cảm bất chợt nào ùa đến, thậm chí mỗi khi cảm thấy mình… ốm bệnh, chị đều phải níu vào toan và màu để hoặc xả lòng mình, hoặc vượt thoát khỏi cơn bế tắc. Có lẽ vì thế mà hình và màu của chị không hoàn toàn dễ đoán định, dù bố cục lúc nào cũng chặt chẽ, khúc chiết. Điều khá đặc biệt là thoạt nhìn, tranh của Lan Hương có vẻ theo xu hướng “tả thực” cổ điển. Nhưng xem kỹ, ngẫm ngợi một chút, lại chẳng thấy có cái gì là “thực” trong mỗi bức tranh ấy. Cổng đền Ngọc Sơn được nhìn từ nhiều phía, nhưng người xem tranh chỉ có thể “đoán là nó”. Cũng như thế, với hoa hướng dương, sen, cầu Long Biên, núi rừng Cao Bằng… mỗi đề tài hàng chục bức, như những bộ sưu tập xúc cảm của tác giả hơn là chính đối tượng được miêu tả. Những “nguyên mẫu” quen thuộc này, tùy thuộc vào từng thời khắc, từng cung độ cảm xúc của tác giả mà được thể hiện rất khác nhau. Vì thế, chị có thể vẽ hoài một đề tài mà không chán.

Lan Hương hay vẽ hoa và phong cảnh, nhưng mỗi “nguyên mẫu” này đối với chị như một sinh thể sống. Lọ hoa hướng dương được chị thể hiện như một quá trình từ tươi mới rực rỡ đến mỏi mòn khô héo. Nhìn seri hướng dương này, người thưởng tranh có thể trải nghiệm cùng chị cái cảm giác được sống với nó, thắc thỏm nhìn ngắm, và xót xa khi những cuống hoa, cánh hoa không cưỡng nổi quy luật thời gian và sinh học… Có lẽ chính cái khả năng cảm nhiễm độc đáo này đã giúp cho chị giữ được sự hào hứng nhiệt thành với cuộc sống vốn không mấy dễ dàng với người phụ nữ một mình nuôi hai con khôn lớn.

Chị bảo vẽ không phải là phương tiện kiếm sống, dù bây giờ nó đã mang lại thu nhập không đến nỗi tồi cho chị. Vẽ đối với chị là lẽ sống, là một thế giới của tâm tình và cởi mở. Với màu và toan, chị không cần phải e dè, không phải đối phó với bất cứ cái gì, ngoại trừ nguồn cảm xúc của chính mình. Lan Hương vẽ bằng những xúc cảm đã lắng đọng thành trầm tích trong sâu thẳm tâm hồn chị, tự tạo dựng và đắm chìm trong một miền không có thực. Khi đó những bức tranh của chị thường ít có màu rực rỡ.

Đa dạng trong chất liệu. Đó là cái chất liệu phi truyền thống mà chị sử dụng. Vẫn là toan đấy, nhưng những gì hiện diện trên toan thật khó mà gọi tên. Sơn then, sơn dầu, bột màu, vỏ trứng, vàng quỳ,… tất cả cùng lúc hòa trộn, xoắn bện, tuôn chảy trên mặt toan, chồng chéo và hòa hợp… Là vẽ hay là đắp đây? Những đường gân của cây, cành nhỏ, cành lớn, những vệt “rớt” của nhụy hoa đang tan rữa, hay vệt sóng nước mơ hồ… đều như cộm lên, nổi gồ và cuồn cuộn như những mạch máu bị phơi trần trên nền của những vệt loang đầy ám ảnh. Rất hiếm những bức tranh nuột nà, dịu nhẹ với những vệt màu phẳng trong tác phẩm của Lan Hương. Dường như cái xù xì, cái phập phồng của chất liệu giúp chị bộc lộ cái thổn thức, hối hả của lòng mình. Nhưng cũng có một lý do nữa khiến tranh của chị luôn bộc lộ được cái độ xốp gợi cảm ấy, đó là thao tác sáng tạo của chị thường không có quy luật nào. Chị có thể vẽ một bức tranh khổ lớn rất nhanh, trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nhưng cũng có những bức chị thực hiện trong hàng năm trời với nhiều lần chỉnh sửa. Chỉnh sửa, hay là đuổi theo, kiểm chứng những xúc cảm đã qua thời khắc sôi sục nhất mà lắng thành trầm tích? Bởi vì cái chất liệu phi truyền thống của chị chồng chất trên mặt toan với những hòa sắc nhiều khi khiến chính chị ngỡ ngàng.

Khao khát vẽ của Lan Hương không chỉ dừng ở toan. Từng là họa sĩ thiết kế mẫu công nghiệp, chị còn tìm thấy hứng thú trên chất liệu gốm. Vẫn là từ cái tâm lý tiết kiệm, tần tảo của người đàn bà nghèo khó, chị thấy tiếc những mảnh gốm lỗi, những thùng men pha sẵn dùng không hết của dây chuyền sản xuất… Và tất cả những thứ “bỏ đi” ấy đã cho Lan Hương một thế giới sáng tạo mới.

Nói là mới, bởi cũng là tạo hình trên gạch gốm, nhưng Lan Hương không dừng lại ở những hình trang trí phẳng. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những hình vuông khô cứng, Lan Hương biến chính cái “vuông” của gạch ấy thành khung tranh của mình, tạo cho nó một tiếng nói riêng. Những vệt men màu tung tẩy, nổi gồ, xù xì hoặc óng ánh tạo nên đủ những cung độ hòa sắc khác nhau. Lan Hương đã phá bỏ cái cảm giác lạnh và phẳng của những viên gạch bằng sự thăng hoa của men, của hình khối cuồn cuộn hoặc dịu dàng. Mỗi “viên gạch” của chị trở thành một tác phẩm độc lập, có thể được gắn một cách tế nhị trên những mảng tường của một nhà vườn sang trọng nào đó, cũng có thể đóng khung để đặt ở nơi trang trọng nhất trong một salon nghiêm cẩn.

Tranh gốm của Lan Hương kỳ lạ và biến ảo như chính nhịp sống của chị. Những mái nhà của làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) nâu óng hoặc chói màu lửa… với những vệt màu bão táp, tơi tả một cách sắc sảo… chính là hình tượng chị từng nghĩ về “nó”. Bởi chính là những lò gốm Hương Canh đã cho chị những ý niệm sâu thẳm về triết lý của đất và lửa. Nếu không được cầm tận tay những tranh gốm đó, sẽ khó mà tin rằng men gốm có thể tạo nên những hình khối, màu sắc gần gũi với sơn dầu, bột màu, thậm chí cả ấn tượng sơn mài, vỏ trứng… đến thế, và cũng khó mà tin rằng cái biểu cảm của chất liệu gốm và men công nghiệp có thể đạt tới tính dân tộc thuần chất đến thế.

“Thèm vẽ” từ khi còn bé tý, Lan Hương không nhớ thời ấu thơ mình có niềm vui nào lớn hơn những cây bút chì xanh đỏ. Là con gái trong một gia đình gốc Hà Nội, Lan Hương từng trốn nhà đi thi Trung cấp Mỹ thuật. Và chị đã đỗ vào trường với số điểm rất cao chỉ với... một cây bút chì xanh đỏ và tập giấy vở học sinh. Bố mẹ chị lo ngại không muốn cho con gái theo con đường “vẽ vời”, nên niềm vui đỗ đạt, Lan Hương chỉ hưởng một mình lặng lẽ. Có lẽ vì thế cái tâm thế “độc hành kỳ đạo” đã trở thành tâm thế chủ đạo trong cả cuộc đời sáng tạo của nữ họa sĩ. Trong nhiều năm, chị nén mình làm một người vợ, người mẹ an phận và cam chịu... để bảo toàn cái gia đình nhỏ bé của mình. Nhưng rồi số phận đã thúc ép chị, nỗi “thèm vẽ” ám ảnh chị khiến cuộc sống gia đình không thể êm ả như chị hằng mong muốn. Nỗi ám ảnh của hình và màu đã đẩy chị tới quyết định dự thi vào Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1993). Thi đỗ, nhưng chồng “không cho phép”, nên một lần nữa, Lan Hương lại nén mình chịu đựng. Hai năm trôi qua trong nỗi thất vọng và bế tắc. 1995, Lan Hương lại “vượt rào” đi thi, lần này là Đại học Mỹ thuật - mà chị thường gọi ngắn gọn là “trường Yết Kiêu”. Lại đỗ. Nhưng lần này thì không chỉ “không đồng ý”. Bạo lực phũ phàng đã khiến Lan Hương đi đến quyết định cuối cùng: ly hôn. Tự do rồi. Năm 1999, Lan Hương xin được vào làm ở Công ty Gạch men Vĩnh Phúc. Và đây chính là bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời chị. Rất nhanh chóng, ban lãnh đạo Công ty Gạch men Vĩnh Phúc đã nhận ra tài năng hội họa tiềm ẩn trong người nhân viên mới của họ và đã tạo điều kiện cho Lan Hương đi học đại học mỹ thuật. Làm việc ở cương vị mới, với thu nhập cao hơn, gần gũi với đam mê của mình hơn, Lan Hương nhận ra đã đến lúc nỗi “thèm vẽ” của mình được phép bùng phát. Năm 2003, Lan Hương bắt đầu vẽ thực sự.

“Bản năng vẽ” tiềm tàng khiến Lan Hương luôn tìm cách thoát khỏi lối vẽ kinh viện, cả về chất liệu lẫn hình thức thể hiện. Đối với chị, nghệ thuật - trong đó có hội họa - nên được coi là những phương tiện biểu đạt, chứ không phải là cái gông của những khuôn khổ bất biến và kinh viện. Và đó là lý do tranh của chị không có những biểu hiện mòn sáo.

Lê Phương


Ý kiến của bạn