Một trong những nơi tôi luôn muốn đến ở Hà Nội là tư gia Bùi Mai Hiên - nữ họa sĩ sơn mài nổi tiếng Việt Nam, trên tầng 2 tòa nhà kiến trúc Pháp cổ, số 99 Nguyễn Thái Học. Là không gian nghệ thuật, một thế giới riêng thanh bình, lãng mạn, khác hẳn cuộc sống ồn ào, mệt mỏi của xã hội hiện thực cách 30m ngoài đường.
Bước lên nhà, theo cầu thang rợp bóng hoa giấy tím hồng, 4 cánh cửa sổ mở rộng đủ cho mắt “quét” vào phòng lớn bốn bề tranh. Chủ yếu là sơn mài khổ lớn, có sơn dầu, bột màu và acrylic - chất liệu mới mà một tay cứng nghề sơn mài hơn 30 năm như chị đang muốn khẳng định. Bùi Mai Hiên và người chồng cũ - họa sĩ Đào Anh Khánh - nghệ sĩ trình diễn số 1 Việt Nam, hàng đầu châu Á (đã có ảnh và bài về anh in trang nhất báo NewYork Time và được kênh truyền hình Discovery giới thiệu) tuy đã chia tay, vẫn là bạn trong nghệ thuật cùng tình yêu con và lối sống hào hiệp với bạn bè, say nghề và điềm nhiên dù mắc loại bệnh không đơn giản. Tinh thần sống của Bùi Mai Hiên cân bằng được lý trí và tình cảm, không hệ lụy ái tình, không bạc nhược yếu đuối và đánh mất kiêu hãnh dù bất cứ hoàn cảnh nào. Ở tuổi 58, Bùi Mai Hiên vẫn là người đàn bà đẹp: mặt trái xoan, hình thể săn chắc, dáng điệu nhanh nhẹn, tư duy hiện đại. Sự an hòa từ cô tỏa ra thần thái như có thể chế ngự mọi náo động, khiến ai cũng được lắng lòng, yên tĩnh khi bước vào căn phòng ấy, gặp người phụ nữ ấy. Mai Hiên theo Thiên Chúa giáo từ năm 1999. Khi học giáo lý, nghiên cứu kỹ về Kinh Tân Ước, Cựu Ước, được sự dìu dắt của Cha tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, họa sĩ Bùi Mai Hiên đã lý giải thêm được về cuộc đời, kiếp người bằng phân tích sâu sắc, nhân văn. “Nếu không có niềm tin, con người dễ phạm lỗi và không thể bình an. Suy nghĩ về cái Thiện và những điều tốt đẹp có trong tôi từ bé; là con chiên thì tư tưởng đó càng nhân lên. Tôi không sợ hãi bệnh tật và cái chết như trước nữa. Tôi biết chấp nhận những quy luật của đời sống, nhất là chuyện sinh - lão - bệnh - tử.”
Hoạ sĩ Mai Hiên(người bên phải) ở Mông Cổ năm 2014.
Mai Hiên có lối sống lành mạnh, chị xác nhận: “Chỉ nghiện vẽ”. Vì nghiện vẽ, Mai Hiên xin về hưu non từ năm 2003. Rời Cục Mỹ thuật, cơ quan gần nhà, chị chuyên tâm vẽ và hằng năm đều triển lãm trong và ngoài nước. Vì nghiện vẽ mà sống điều độ để giữ sức khỏe chiến đấu lâu dài. Bị huyết áp cao, mỡ máu, tim mạch, đến năm 2012, Mai Hiên lại chịu thử thách lớn: bố mẹ bệnh nặng và qua đời cùng năm; và chị bị dị ứng sơn ta đến độ ngất và cấp cứu nhiều lần. Họa sĩ sơn mài mà lại dị ứng sơn, chẳng lẽ gác bút? Trong các chất liệu vẽ, sơn mài tốn sức nhất do trải qua nhiều khâu đoạn, nào làm vóc (8 khâu đoạn), sau đó khoét vóc để chạm trứng, mài tranh, rắc bạc, vàng và gắn một số chất liệu khác lên tranh, nên các họa sĩ sơn mài đều phải có thợ, trợ lý, không thể làm lâu dài một mình. Nhiều năm như vậy khiến da của Mai Hiên nhiễm độc mùi sơn và chất chì xăng trong dầu dùng rửa tranh đến độ mẩn ngứa và không chịu nổi việc tiếp xúc lâu. Chị kiên trì dùng các loại thuốc Nam và trà thảo dược, vui mừng thấy dấu hiệu lui bớt của bệnh tật.
Chính bởi gắn bó với bố mẹ mà cú sốc thân sinh qua đời năm 2012 đã khiến Mai Hiên bị suy nhược và trí nhớ sút giảm. Không đầu hàng, Mai Hiên khắc phục bằng việc có sổ sách ghi chép điều cần nhớ, lịch bàn và các tờ giấy dán nhắc công việc. Góc làm việc của chị đầy bản nhạc lời bài hát đánh vi tính và chép tay.
Chị tìm đến dương cầm. 55 tuổi mới bắt đầu học đàn là thử thách lớn, bởi học đàn phải bắt đầu từ lúc nhỏ. Tuổi 60, cơ thể lão hóa, khắc phục việc suy giảm trí nhớ theo phương pháp “độc trị độc” - học đàn buộc phải nhớ phím, nốt. Chị đã thực sự kiên trì dù nhiều lúc khó và mệt. Tuần 3 buổi, bà giáo 70 tuổi đến nhà dạy piano. Bốn năm nay chị duy trì tham gia lớp hát vào mỗi sáng thứ Năm tại nhà người bạn ở phố Đội Cấn và là thành viên tích cực của Ca đoàn Nhà thờ Lớn tối thứ Năm và đi lễ tại đây mỗi chiều Chủ nhật. Chị và các bạn thân rất thích du lịch sáng tác, gần thì dậy từ tinh mơ ra hồ Tây thưởng thức sen mùa hoa nở; xa hơn thì tổ chức đi Đà Nẵng, Hội An, Cù Lao Chàm, Lý Sơn.
Tranh Mai Hiên dào dạt tình yêu và sự bay bổng. Tâm hồn thế nào, tác phẩm thế ấy. Sắc tím nhấn mạnh trong tranh Mai Hiên những năm gần đây, còn trước đó là những mảng khối mạnh. Sống hòa với thiên nhiên, nữ họa sĩ mang tình yêu và hòa sắc tự nhiên ấy quyện cùng giai điệu tâm hồn để thành giai phẩm quyến rũ. Không phải họa sĩ nào cũng vẽ nhiều tranh khổ lớn. Nó không phải ở họa phẩm tốn kém mà ở tư duy bố cục và sức khỏe. Hai năm nay, Mai Hiên chuyên vẽ khổ lớn - “Vẽ khổ to cho đã”. Phòng khách cũng là nơi chị vẽ mỗi ngày, vừa xong bức sơn mài 4,8x1,7m lại đến bức phong cảnh Sa Pa 3,6x1,8m. Sóng lúa - rừng cây - mây lượn - khói bay hòa quyện uyển chuyển, mềm mại, nhìn tranh mà như đang được ùa ra cánh đồng. Chất thơ tranh Mai Hiên cho ta mộng mơ, bay bổng và ấu thơ trở lại, chạy tung tăng bằng tưởng tượng mắt ngắm nhờ không gian tuyệt vời họa sĩ mở ra. Từng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Cổ vật Thăng Long (sau xin rút để tập trung vẽ), Bùi Mai Hiên mơ mộng, lại tỉ mẩn khi là nhà sưu tập cổ vật lưu trữ trong ngôi nhà như gallery, bảo tàng mini. Nhịp sống kín lịch mà không áp lực. Chị sống dư dả bằng nghề mà vẫn là mình, không vẽ theo thị trường, càng không khi nào sản xuất hàng loạt đề tài, kích thước theo kiểu nắm bắt, đón ý - nhu cầu khách mua. Thạo tiếng Anh và khiêu vũ từ lúc thanh niên đã giúp nữ họa sĩ trẻ trung, cập nhật. Tranh Mai Hiên hiện diện ở nhiều bộ sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài. Chị đã hàng chục lần triển lãm nhóm và cá nhân tại Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan,... Bùi Mai Hiên là thành viên tích cực của Triển lãm Nữ họa sĩ quốc tế 2012 Việt Nam, 2013 Seoul, 2014 Ulanbator. Khám phá xứ sở lều trại thảo nguyên, Mai Hiên cùng các đồng nghiệp đã bày tranh ở Thủ đô Mông Cổ và đây là chuyến đi ấn tượng nhất một thập kỷ qua của chị khi là họa sĩ duy nhất miền Bắc tham gia triển lãm quốc tế này. Khám phá các vùng đất khác nhau, sự trải nghiệm và thích nghi từ khí hậu tới lối sống, ẩm thực chính là dịp để rèn luyện cơ thể. Trên đất nước của Thành Cát Tư Hãn, Mai Hiên cưỡi lạc đà, ngựa trên thảo nguyên, xem diễn thời trang ở sân khấu bên vách đá, dưới đêm trăng, uống sữa, ngủ trong lều trại, hái hoa oải hương trên cánh đồng buổi sớm và giang ngang tay cho đại bàng đậu cánh tay, cảm nhận móng vuốt của mãnh điểu bấu vào da thịt. Chuyến đi có họa sĩ lão thành Nguyễn Thị Tâm 80 tuổi (TP. Hồ Chí Minh) rất tích cực tham gia các hoạt động mà không vắng mặt trong mọi chuyến đi của nhóm và vẫn vẽ liên tục khiến Mai Hiên nể về nghị lực. “Nhân cường tật nhược, cơ thể khỏe thì át bệnh tật đi, để xuống sức thì bệnh tật quật lại mình. Bây giờ, khó kiếm được ai không mắc bệnh gì. Tôi mang mấy thứ bệnh nhưng sống chung, kiểm soát nó. Tôi vẽ đều, vẽ như rùa đi, kiến tha mồi. Khác với văn chương có thể giữ sách làm bản lưu, tranh là độc bản, bán rồi là mất hẳn. Tôi tự hào có 3 vựng tập tranh sơn mài. Tuy sức khỏe không như xưa, tôi không thiếu tranh làm triển lãm. Vấn đề là ở thời gian, thời gian đời người quý lắm, dù ham vẽ cũng không ồ ạt, phải gạt bớt những ý thích cảm tính để tranh có chất lượng cao” - họa sĩ chia sẻ. Phương châm “vẽ như rùa đi, kiến tha mồi” mà Mai Hiên khiêm tốn nhận, giúp chị đủ tranh để bán và triển lãm nhóm 3 lần một năm. Chị đang chuẩn bị tác phẩm mới cho triển lãm Phụ nữ ba miền tại Hà Nội vào cuối năm nay.
Quý bạn và hiếu khách, lại có cô giúp việc đồng hương nhiều năm thạo việc, đáng tin cậy, nấu ăn ngon, mua hạt cải về trồng trong hộp xốp trên nóc nhà nên bạn bè Mai Hiên rất thích đến đây ăn rau sạch, uống trà ngon và nói chuyện nghệ thuật. Phòng khách luôn có hoa. Tôi thích đưa con đến đây để bé được hít thở không gian đậm đặc nghệ thuật, hương thơm của những khóm hoa bên hiên nhà, nghe dương cầm và giọng hát của chủ nhân. Mai Hiên đã luyện để chơi được bản Ave Maria khá hay. Chị không bốc đồng, ít thức khuya mà cẩn trọng trong sinh hoạt nề nếp bởi tâm niệm phải khỏe mới lao động để đủ vật lực cho con ăn học, báo đáp cha mẹ. Bơi kém, chị dành thời gian tập thể dục, sau bữa cơm, hai vợ chồng đi bộ phía trong đường Thụy Khuê. Chủ định sáng tạo của Bùi Mai Hiên thời gian này là miệt mài muốn tìm bút pháp riêng ở chất liệu acrylic.
Chị nói: “Tôi chẳng bận tâm đến những thị phi, nói xấu, đua chen và đời tư người khác. Thời gian và sức khỏe là vô giá. Tôi không bao giờ để phí, thậm chí không có thời gian cho sợ hãi tuổi già và cái chết. Sợ không giải quyết được gì. Tôi muốn sống cật lực mỗi ngày. Sống có ích cho xã hội”.
VI THÙY LINH