Những ám ảnh trong tâm trí họa sĩ Bùi Anh Hùng xôn xao từ khi còn thơ bé. Cha là một chiến sĩ công an tỉnh Nam Định đã hy sinh trong chiến đấu, Bùi Anh Hùng (sinh năm 1965) lớn lên với hàng trăm câu hỏi về sự sống và cái chết. Giờ đây, là một chiến sĩ quân đội, những ám ảnh ấy càng thao thiết và trở thành nỗi khát khao sáng tạo với sắc màu. Những hình tượng tràn lên tấm toan, sau những ám ảnh bi tráng về cuộc chiến và anh vẽ với tất cả nỗi niềm rung động nhất trong tâm hồn mình.
Những ký ức khó quên
Mới đây, gặp họa sĩ Bùi Anh Hùng sau chuyến đi Trường Sa tháng 5/2014, tôi được xem những bức ký họa còn nóng hổi không khí náo nức của những chiến sĩ trên đảo. Đó là những nụ cười hết sức lạc quan và tràn đầy niềm tin trong cuộc sống lao động và chiến đấu ở trên đảo. Bùi Anh Hùng tâm sự, giờ đây, những ám ảnh ngày xưa ngày càng sáng tỏ mỗi lần đi thực tế và tiếp xúc với những chiến sĩ đang cầm súng nơi tiền tiêu Tổ quốc...
Anh chợt nhớ, hồi mới 10 tuổi đã đi tìm mua được bức tranh của họa sĩ Huy Toàn với hình ảnh về cuộc chiến đầy khốc liệt của quân và dân ta chiến thắng năm 1975. Đó là bức tranh treo ngày Tết của gia đình năm ấy. Lúc đó, cậu bé Hùng được người cha quá cố mách bảo điều gì chăng về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, con phố nhỏ Hai Bà Trưng ở thành Nam, nơi mà gia đình anh sống, có tới 7 họa sĩ nên tình yêu hội họa đã như ngấm vào tâm hồn lúc nào không hay biết. Từ đó, Hùng cắp giá vẽ đi học thầy giáo Lê Đức Biết - một họa sĩ ở Nam Định, cũng chuyên vẽ về đề tài chiến tranh. Hùng học được nhiều nét suy tư về cuộc sống qua hình tượng hội họa và sự ám ảnh qua sắc màu được thể hiện lên tấm toan. Cho đến 10 năm sau, anh thi vào Trường ĐH Mỹ thuật với số điểm tối ưu có lẽ cũng bởi những điều còn day dứt trong cuộc đời mình.

Họa sỹ Bùi Anh Hùng
Học khoa Mỹ thuật ứng dụng, tốt nghiệp với tác phẩm trang trí thủy tinh, tưởng như chẳng hề liên quan gì đến những nỗi niềm mà anh đã mang theo về cuộc chiến. Tuy nhiên, anh vẫn say mê vẽ và đắm đuối với những vẻ đẹp thiên nhiên. Những bức tranh rực sắc vàng của Lê Vi Tan đã dẫn dụ anh dấn thân vào một thế giới mới. Đó là sự gửi trao thân phận nghệ sĩ vào những điều bí ẩn trong lòng mình. Bùi Anh Hùng đã bứt khỏi chuyện cơm áo gạo tiền để vẽ, cho dù anh đã từng nổi tiếng với những sáng tạo điêu khắc trên kính (năm 1995) và được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng năm. Có thể nói, anh là người sáng tạo đầu tiên ra bộ môn này. Vào thời điểm kiếm ra tiền bằng bố cục nội thất cho những công trình kiến trúc, nhưng anh buông hết để tìm được những điều còn ám ảnh với sắc màu sáng tạo và trăn trở với con đường nghệ thuật của mình.
Anh còn kể, từ năm 1997, được về lại trường làm giảng viên nhưng các chuyến dẫn sinh viên đi vẽ thực tế mới đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo. Những năm tháng này, Bùi Anh Hùng như được chắp cánh cho ước mơ của mình. Vẽ và vẽ cùng với những nỗi niềm về sự sống tràn lên mặt tranh. Nhiều bức tranh thiên nhiên của Hùng đã gây xôn xao dư luận bởi vẻ đẹp đầy chất thi ca, độc đáo về bố cục và lẩn khuất những dồn nén tâm trạng được toát lên. Chính vì thế, sau 5 năm được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, cuộc triển lãm tranh đầu tiên của Bùi Anh Hùng (năm 2000) đã có sức hút đối với người xem với những nét đẹp đầy huyền ảo về thiên nhiên.
Bước ngoặt của sự trở về
Bùi Anh Hùng không thể quên được những câu chuyện trong lần tham dự trại sáng tác Mỹ thuật năm 2002. Có thể nói, đây là thời điểm đánh dấu sự chuyển đổi khuynh hướng sáng tác của mình. Bởi ở đây, anh được tiếp xúc với nhiều họa sĩ quân đội nổi tiếng, đặc biệt là họa sĩ Huy Toàn. Biết bao ký ức tràn về, anh kể lại chuyện mua tranh chiến đấu của Huy Toàn (hồi 10 tuổi) với sự ngưỡng mộ từ lâu. Sau gần 30 năm được kết nối, họa sĩ Huy Toàn đã hiểu thấu nỗi ám ảnh của Bùi Anh Hùng và khuyên anh nên quay trở về với nó, hãy vẽ về thời cuộc hậu chiến. Đó là những vấn đề lớn cần sự chiêm nghiệm và suy tưởng trong sáng tạo hình tượng chiến sĩ.

Bùi Anh Hùng như được khích lệ, thoát khỏi những si mê mà 10 năm qua, anh trao gửi cho thiên nhiên. Những bức tranh đầu tiên về chiến tranh đã được vẽ. Bùi Anh Hùng như dấn thân vào cuộc sống và hít thở trong không khí sáng tạo mới. Chẳng bao lâu, anh đoạt giải Nhất Mỹ thuật toàn quốc về đề tài chiến tranh với tác phẩm Hà Nội năm 1972. Cùng với đó, các tác phẩm được đánh giá cao như Đánh lấn, Huyền tích Đất và Nước và Sao đầu núi... Riêng bức tranh sơn khắc Chợ phiên của anh đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua thêm một lần lên tiếng khẳng định sự trở về của mình là đúng đắn.
Sự lên tiếng đó được minh chứng cho cuộc triển lãm lần thứ hai vào năm 2005 của Bùi Anh Hùng trước khi anh chuyển về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Quân đội năm 2006 cho đến nay. Cuộc triển lãm lần thứ hai, Bùi Anh Hùng tạo được nhiều ấn tượng tươi mới và có nhiều ý tưởng độc đáo về đề tài chiến tranh. Như một sự nhìn lại và chia sẻ với những người chiến sĩ trong cuộc chiến, với mọi sự thấu hiểu về ý nghĩa chân chính của cuộc chiến, tranh của Bùi Anh Hùng thể hiện chất bi tráng với vẻ đẹp bất tử của những hình tượng chiến sĩ.
Liên tục sau đó, Bùi Anh Hùng đoạt nhiều giải thưởng Mỹ thuật về đề tài chiến tranh. Đáng kể là giải B (không có giải A) Mỹ thuật Thủ đô với tác phẩm Hào khí Thăng Long năm 2008; giải C của Mỹ thuật Việt Nam khu vực Hà Nội với tác phẩm Ám ảnh năm 2008. Mới đây nhất, trong 2 năm liền, 2012 và 2013, anh có giải thưởng toàn quốc và Hà Nội với những tác phẩm đặc sắc như: Tiếng vọng, Hà Nội ngày gặp lại và Tuổi thơ tôi. Năm 2013, Bùi Anh Hùng còn được nhận giải xuất sắc Mỹ thuật quốc tế mở rộng lần thứ 20 tại Hàn Quốc.
Nhưng có lẽ tác phẩm về chiến tranh gây dư luận nhiều nhất trong giới mỹ thuật là bức Cọc tiêu sống. Bùi Anh Hùng dựng được chất liệu bi tráng của những nữ thanh niên xung phong, góp phần hết sức to lớn cho cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta. Chất hiện thực huyền ảo được toát lên qua hình tượng người nữ thanh niên xung phong ở tuổi 20 đã cởi áo dùng tấm thân mình, trong đêm tối, để tạo nên một ánh sáng soi rọi cho con đường đi của những đoàn xe đưa quân vào mặt trận.
Tuy nhiên, bức tranh Cọc tiêu sống đã tạo nên những tranh luận trái chiều vào năm 2010 khi được bày trong triển lãm về đề tài quân đội. Người ta định dỡ bức tranh xuống, nhưng rồi nó lại được treo lên như khẳng định đó là một khám phá mới lạ, sâu sắc với hình tượng đẹp về chiến tranh. Không ít người đánh giá, họa sĩ Bùi Anh Hùng đã gửi gắm những ám ảnh của mình từ thuở ấu thơ, về sự hy sinh của cha anh cùng những người chiến sĩ đã nằm xuống. Qua tác phẩm Cọc tiêu sống, anh đã giải tỏa được nỗi ám ảnh ấy. Đó là chất hùng ca mà những người đã hy sinh cho Tổ quốc, đem lại sự vinh quang và chiến thắng trong cách mạng giải phóng hoàn toàn đất nước ta.
Trường Sa trong tôi
Câu chuyện chúng tôi bỗng trở lại với những ký họa về Trường Sa của họa sĩ Bùi Anh Hùng. Đôi mắt anh ánh lên những suy tư về chuyến đi đầy sóng gió trên biển Đông khi đến với quần đảo Trường Sa. Những nỗi ám ảnh lại trào dâng, hình ảnh của những chiến sĩ trẻ đã hy sinh anh dũng trên hòn đảo Gạc Ma gây chấn động trong tâm hồn anh. Nhiều ý tưởng đã nảy sinh bởi những ám ảnh qua những hình tượng anh hùng. Những đợt sóng biển và hình ảnh người chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng bảo vệ biên cương như một nguồn cảm xúc và sáng tạo vô tận. Rồi đây, những ám ảnh trong anh lại được giải tỏa. Những hình tượng sẽ nảy sinh và sắc màu sẽ bừng lên như cuộc sống tươi sáng cho một tương lai tràn ngập hạnh phúc”.
Cảnh Linh