Những tác phẩm mỹ thuật có cảm hứng từ sự chằng chịt của dây điện tưởng chừng vô tri vô giác, song đằng sau mỗi tác phẩm là cả những câu chuyện, thông điệp nghệ thuật gắn liền với thời cuộc. Ở nước ta, nổi tiếng nhất về các tác phẩm về đường dây điện, công chúng và giới làm nghề vẫn biết đến họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân (sinh năm 1972, tại Hải Phòng).
Trong hơn 10 năm qua, Nguyễn Ngọc Dân luôn nuôi dưỡng ý tưởng cho ra đời nhiều tác phẩm, triển lãm về dây điện chằng chịt. Họa sĩ này cho biết, đường dây điện có một vẻ đẹp tạo hình rất lạ, rất hội họa. “Và đến một ngày tôi chợt nhận ra rằng, những cột điện, những sự rối tung của dây diện vắt trên các con phố, trên đầu chúng ta đang mang một thông điệp rất mạnh mẽ về cuộc sống mà đôi khi vì vội vàng chúng ta không nhìn ra” - họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân chia sẻ.
Công chúng yêu nghệ thuật ở Hà Nội từng đến với Triển lãm Phố của Nguyễn Ngọc Dân thời gian qua. Sự mới lạ và độc đáo của Triển lãm Phố ở chỗ, toàn bộ khu nhà tròn, sân khấu và sân của Trung tâm Triển lãm Vân Hồ được trưng dụng làm bối cảnh để người nghệ sĩ thể hiện sự ngổn ngang của phố Hà Nội. Hai cánh gà của sân triển lãm, nghệ sĩ tạo hình cho quấn rất nhiều vỏ dây điện lên những cột đèn, bao bọc lấy những chiếc loa phóng thanh. Đến với Phố, công chúng đã bắt gặp nhiều tác phẩm sắp đặt liên quan đến dây điện, cột điện..., lớn nhất chính là sắp đặt 20 cột điện sắt ngay giữa phòng triển lãm.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân bên bức tranh do anh sáng tác.
Tất cả những sắp đặt ngoài trời hay trong phòng triển lãm, chung quy Nguyễn Ngọc Dân chỉ nói về một hiện tượng đã cũ của Hà Nội mà hàng ngày mỗi người dân ra đường đều trông thấy: hệ thống dây điện - một thứ mang lại sự tiện nghi, hữu ích để sống nhưng chính điện cũng mang lại những rắc rối, hỗn độn cho cuộc sống. Nó gợi lên cho người xem về một môi trường sống đầy trói buộc, cuộc mưu sinh như một mớ bòng bong khổng lồ không thể tháo gỡ. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định, Triển lãm Phố của Nguyễn Ngọc Dân là “một sự kiện trong một không gian nghệ thuật”.
Để vẽ dây điện, Nguyễn Ngọc Dân đã sáng tạo ra một thủ pháp vẽ rất riêng khiến cho nhiều đồng nghiệp phải thán phục. Anh không vẽ bằng bút mà anh vẽ bằng que. Những đường nét tạo hình của Nguyễn Ngọc Dân vừa mịn vừa gai góc, vừa trau chuốt, vừa xù xì đã mang đến cho những bức tranh dây điện một hiệu quả đặc biệt về mặt thị giác. Ngoài nghệ thuật sắp đặt, không chỉ vẽ dây điện bằng sơn dầu, mà Nguyễn Ngọc Dân còn vẽ trên gỗ và rất nhiều chất liệu khác. Anh quan niệm, nghệ thuật không lệ thuộc vào chất liệu mà lệ thuộc vào cảm xúc và tình yêu của người nghệ sĩ.
Họa sĩ gạo cội Trần Văn Trù đánh giá về những sáng tạo của Nguyễn Ngọc Dân: “Tôi cam đoan, ở Việt Nam không mấy họa sĩ tìm về cái đẹp của dây điện để thể hiện trên tranh. Những đề tài này hầu như không ai nghĩ tới chuyện thể hiện thành tác phẩm mỹ thuật, mà Nguyễn Ngọc Dân bỏ công sức chứ không phải vẽ cho qua. Nếu không có nghề thì nó thành rối rắm nhưng trông vào vẫn tách bạch từng sợi một, có sắp xếp chỗ thưa, chỗ dày, chỗ cao, chỗ thấp, thể hiện tâm trạng lúc vui, lúc buồn”.
Nguyễn Ngọc Dân đã từng thực hiện 3 cuộc triển tại Hà Lan và Hà Nội. Triển lãm Vắt qua phố của anh được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), sau đó hai lần được triển lãm tại Hà Lan và tạo được tiếng vang lớn. Đó đều là những triển lãm tranh kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, tái hiện phố phường chằng chịt dây điện tại Hà Nội. Nguyễn Ngọc Dân cho rằng, dây điện ở Hà Nội là một câu chuyện hết sức kỳ lạ. Có những nơi, dây điện chằng chịt với từng búi to, khiến chúng ta hoa mắt khi nhìn vào. Có những nơi cột bê-tông oằn hẳn xuống theo thời gian, gánh hàng đống dây điện ngang dọc trên vai. Rồi những cột điện cũ bằng sắt đen từ thời Pháp thuộc, những cột sắt, cột bê-tông được làm từ thời bao cấp...
Mặc dù một số tuyến phố chính ở Hà Nội đã được “ngầm hóa”, nhưng quang cảnh phố xá lằng nhằng dây dợ vẫn là ám ảnh trước nhãn quan và trong tiềm thức người nghệ sĩ. Những sáng tác, triển lãm sắp đặt về dây, đường dây điện làm chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về đời sống đô thị đang sống, những giá trị đẹp cùng với không ít rác rưởi, mất mát mà con người phải trả giá cho sự phát triển, hội nhập.