Một mô hình độc nhất vô nhị trong ngành y tế Việt Nam - đó là Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa. Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa, sau đây gọi tắt là Trung tâm, được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định thành lập vào ngày 16/12/1992, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, Trung tâm có 13 lớp học, 136 học sinh trong đó có 36 em khiếm thính và 100 em chậm phát triển trí tuệ.
Học sinh của Trung tâm không chỉ ở tỉnh Khánh Hòa mà còn đến từ các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Ninh Thuận, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm có nhiệm vụ khám phát hiện, chăm sóc trẻ khuyết tật từ 0-16 tuổi, sản xuất dụng cụ trợ giúp, tập vật lý trị liệu, thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ giáo dục là dạy chữ, dạy nghề, phát triển ngôn ngữ, nhận thức và kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Chị Sen (ngoài cùng bên phải) trong buổi tọa đàm biểu dương điển hình tiêu biểu...
Khi tôi đến thăm Trung tâm tìm hiểu công việc cụ thể của những cán bộ nhân viên y tế ở đây, người tôi gặp đầu tiên và gây ấn tượng mạnh là chị Phan Thị Sen - Trưởng phòng Dạy thực hành của Trung tâm. Theo cách nói gần gũi của các đồng nghiệp ở Trung tâm, chị Sen là một “cán bộ lão thành” của Trung tâm. Chị Sen đã có 21 năm công tác gắn bó với Trung tâm, khi ấy Trung tâm mới thành lập, còn là cơ sở nhỏ chỉ có vài lớp học cho đến phát triển khang trang như bây giờ. Trung tâm có khuôn viên rộng gần 1.500m2, phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu được đầu tư từ nhiều nguồn phục vụ tốt cho công tác chuyên môn của Trung tâm. Sở dĩ tôi nói chị Sen gây ấn tượng mạnh cho tôi vì khi tiếp xúc, nói chuyện với chị, tôi thấy ngay chất người kiên nhẫn, bền bỉ, mức độ chịu khó chịu khổ vào loại khủng. Chị kể cho tôi, các trẻ ở Trung tâm đa phần hạn chế ngôn ngữ giao tiếp, không giãi bày để bạn bè, thầy cô hiểu nhu cầu của mình, trẻ lúc nào cũng muốn nổi loạn, quậy phá, la hét để gây sự chú ý của thầy cô, bạn bè. Một lớp có 12-14 trẻ, mỗi một trẻ có mức độ nhận thức khác nhau, đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh gia đình, chế độ chăm sóc khác nhau, không trẻ nào giống trẻ nào. Ngồi quan sát chị Sen dạy trẻ, nếu trẻ có sự tập trung tương đối tốt chị dạy trẻ theo phương pháp xâu chuỗi tiến, nghĩa là đưa trẻ đi theo trình tự từng bước cho đến lúc hoàn thành. Còn đối với những trẻ khó tập trung, không kiên trì, không chịu ngồi yên thì chị tập cho trẻ hoạt động theo phương pháp xâu chuỗi lùi, nghĩa là cho trẻ nhìn thấy kết quả của công việc, qua đó tạo cho trẻ hứng thú và kết quả đạt được rồi mới dẫn dắt cho trẻ tìm về cách làm sao để có kết quả đó. Quá trình dạy trẻ luôn phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần, người dạy phải hết sức kiên nhẫn. Tuy nhiên, kiên nhẫn vẫn chưa đủ, để giúp những trẻ hạn chế ngôn ngữ hoặc khiếm thính tiếp thu nhanh hơn, chị và các đồng nghiệp sáng tạo vẽ nhiều tranh ảnh, những kí hiệu thay cho lời nói, dạy cho các em múa, hát, qua đó trẻ có cơ hội giao tiếp với cô, với bạn, giảm được sự bức bối, cáu gắt và điều chỉnh dần các hành vi.
Chị Sen kể cho tôi nghe về trường hợp chị dạy một trẻ nam mắc tự kỷ sinh năm 1996 ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Em là trường hợp rất khó tiếp cận để giao tiếp, luôn tỏ ra dè dặt, chơi một mình, không hợp tác bất kỳ ai, không tham gia một hoạt động chung nào của lớp. Sau một thời gian ngầm quan sát, chị Sen nhận ra tuy em giả vờ như không biết về các hoạt động của cô và các bạn trong lớp nhưng thực tình em đang “học hỏi” và thực hiện được những điều học lỏm đó. Chị Sen đã chọn cách tiếp cận với trường hợp “cá biệt” này bằng cách đóng vai giả bộ làm người cũng “ngớ ngẩn” như em, chơi, nghịch mọi thứ gần em nhưng giả bộ như nói với chính mình. Kết quả sau một thời gian em dần dần tự lại gần chị Sen, hợp tác mở rộng vòng tròn giao tiếp chơi với các bạn trong lớp một cách tự nhiên, mất đi sự “phòng vệ cô độc” lúc nào không hay. Hiện nay em hoàn toàn hòa nhập vào tập thể lớp, tiến bộ rõ rệt trong tất cả lĩnh vực học tập, giao tiếp, kể cả việc sống hòa nhập với người thân tại gia đình và hàng xóm.
Chị Sen nói phương châm làm việc của chị là muốn cho trẻ điều chỉnh hành vi như mong muốn thì bản thân mình phải thay đổi thái độ, hành vi của mình trước. Bằng tình yêu trẻ, mỗi cán bộ y tế ở Trung tâm luôn đặt câu hỏi làm sao để tiếp cận, giúp đỡ “giao việc” cho từng trẻ vừa sức, không quá dễ hoặc quá khó. Để làm được điều đó, ở mỗi trẻ, nhóm trẻ, chị Sen soạn giáo án từng nhóm bài giảng riêng, giáo án khi thực hiện phải tạo được hứng thú để trẻ tham gia các hoạt động một cách tích cực, tự giác. Có chứng kiến những hoạt động này, chúng ta mới thấy đó thực sự là một kỳ công. Những người cán bộ y tế ở Trung tâm thật sự làm việc với tình yêu lớn của mình, làm việc với tiếng gọi bên trong của mình, đây là sự khác biệt mà tôi nhận ra ở những người cán bộ y tế rất bình thường nhưng làm việc với tấm lòng phi thường. Khi chị Sen đang tập cho trẻ, tôi ngồi nói chuyện với một ông bố có con học ở Trung tâm, ông chia sẻ, khi biết có Trung tâm này, ông đưa con tới ngay, nhờ có chị Sen tận tâm bày cho ông cách phối hợp dạy, chăm sóc cho con của mình, ông học và làm theo từ chị Sen nhiều kỹ năng và quan trọng hơn là đức tính của chị để áp dụng chăm sóc con tại nhà, khi thấy những tiến bộ của con, lòng cha mẹ mừng rơi nước mắt.
Chị Sen nói với tôi niềm vui lớn nhất của chị là thấy trẻ tiến bộ mỗi ngày, trẻ có thể “tự giúp mình”. Chị đã hướng dẫn, chăm lo 10 thế hệ học trò, có những học trò đi cùng chị 10 năm ở Trung tâm. Mười thế hệ biết bao là cố gắng, bao là mồ hôi và cả nước mắt. Nay có nhiều em đã trưởng thành, có công ăn việc làm, xây dựng gia đình ổn định, hạnh phúc. Các em chậm phát triển trí tuệ tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn biểu diễn văn nghệ trước đám đông. Các em là những khách mời biểu diễn văn nghệ khá thường xuyên tại các khách sạn lớn như Novotel, Annamandara tại TP. Nha Trang hoặc tại các Hội nghị trong ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa. Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các em rất được sự ngợi khen tán thưởng của khán giả và qua đó cũng có thêm thu nhập cho mình.
Một giờ lên lớp của chị Phan Thị Sen hướng dẫn nhóm trẻ khuyết tật.
Chị Sen kể cho tôi câu chuyện về 2 em học sinh khiếm thính của chị, 2 em ra trường năm 2010, sau đó trở thành vợ chồng, sinh được bé trai rất kháu khỉnh, Trung tâm ai cũng vui. Năm 2012, chị Sen được tòa án TP. Nha Trang mời làm phiên dịch và thật bất ngờ đó là phiên tòa xử vụ ly hôn của 2 em. Sau phiên tòa, chị Sen đã quyết định đến gặp từng gia đình, nói chuyện tìm hiểu nguyên nhân của cả hai bên gia đình các em. Chị phát hiện ra những mâu thuẫn xảy ra không phải ở chỗ hai em mà là khúc mắc của hai gia đình. Chị đã dành nhiều thời gian để phân tích, giải thích những cái được, cái không được, những mất mát, thiệt thòi hai em sẽ phải gánh chịu sau ly hôn. Tết năm 2015, hai em đã hàn gắn trở lại, gia đình hai bên vui vẻ hòa thuận và hiện 2 em sống rất hạnh phúc.
Khi tôi hỏi về gia đình riêng của chị Sen, chị lặng im một lát rồi trả lời bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng tôi cảm nhận được nỗ lực vượt qua những khó khăn gặp phải của chị. Chị Sen nói chị đến với Trung tâm như một cái duyên. Từ lúc nhỏ chị rất thích làm cô giáo, chị đã theo nghề sư phạm dạy học ổn định tại một trường tiểu học ở tỉnh Đăk Lăk. Năm 1990, chị lấy chồng và chuyển về sinh sống tại TP. Nha Trang, chị bắt đầu bén duyên với việc dạy trẻ khuyết tật. Khi bắt đầu dạy trẻ khuyết tật, chị đã nỗ lực rèn luyện liên tục thời gian khoảng 6 năm để có thể lắng nghe, thấu hiểu được trọn vẹn nhu cầu, tình cảm của trẻ, thấu cảm được sự đau khổ của cha mẹ, phụ huynh của các em. Vào thời điểm đó, chồng chị không may ốm nặng và qua đời, chị và hai con nhỏ mất đi chỗ dựa quan trọng. Gia đình chị muốn chị quay về lại Đăk Lăk để có điều kiện chăm sóc con nhỏ nhưng với chức nghiệp của mình, chị đã quyết định ở lại. Bằng động lực đó, chị Sen luôn say mê học hỏi nâng cao nghiệp vụ để ngày càng hiểu trẻ hơn, tiếp cận tốt hơn với trẻ trong quá trình dạy học, chị học ký hiệu ngôn ngữ từ thầy, cô, từ các em khiếm thính lớn tuổi, tối về chị đọc thêm sách vở, tài liệu, chị trăn trở miệt mài sửa đi sửa lại sao cho mỗi bức tranh dạy trẻ phải đẹp, phải giàu hình ảnh, giúp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu. Trong những năm qua, chị đã thực hiện nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học như “Phương pháp dạy trẻ Down hòa nhập cuộc sống”; “Mô hình trực quan dạy đại lượng, đo thời gian ở trẻ khiếm thính”; “Khung chứa dữ liệu bài tập trắc nghiệm”; “Khảo sát tình hình hoạt động ngoại khóa của học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật”; sáng kiến cải tiến đồ dùng dạy học “Tranh, hình kí hiệu ngôn ngữ trong giao tiếp thông thường”… Các sáng kiến, nghiên cứu của chị được Hội đồng nghiên cứu khoa học Trung tâm nghiệm thu đưa vào áp dụng có hiệu quả làm phong phú phương pháp dạy học, tạo ra sự hứng thú cho trẻ. BS. Phan Văn Hiệp - Giám đốc Trung tâm nói chị Sen có 9 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm 2012, chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; tháng 4/2015, chị là một trong những cá nhân được khen thưởng toàn ngành Y tế vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 5 năm (2011-2015).
Lúc chia tay chị Sen và các đồng nghiệp của chị ra về, trong tôi dâng lên cảm xúc thật khó tả. Tôi nghĩ có lẽ chị Sen và các đồng nghiệp của chị đã tìm ra được chính mình trong công việc, Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật thật sự là một cơ quan, tổ chức rất vững mạnh vì họ có tập thể cán bộ y tế chia sẻ được nhiều giá trị tốt đẹp với gia đình và cả cộng đồng. Những công việc của các cán bộ y tế ở đây thật sự là những hy sinh thầm lặng khi mà thu nhập trung bình của một cán bộ y tế tại Trung tâm vào khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, riêng chị Sen với 21 năm công tác tại Trung tâm, tất cả thu nhập hiện nay của chị vào khoảng 9 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà khi hỏi chị có đề xuất gì không, chị không nói về chuyện lương thưởng, phụ cấp mà chị chỉ ước làm sao Trung tâm thành lập được phòng “Tâm vận động”, đó là phòng học được trang bị nhiều đồ chơi tạo sự vận động; tạo những cảm giác mềm, cứng, trơn, nhám, to nhỏ, cao thấp, lăn, leo, bò, trườn…; giúp trị liệu tâm lý cho các trẻ tăng động, giảm tập trung, trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn cảm giác… Và bỗng dưng tôi nhớ đến câu thơ của tác giả Thi Hoàng: “Hoa sen không định thơm, không định thơm thì mới thơm như thế...”.