Hóa ra xoan chính là xuân

13-07-2014 09:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chị Lịch cho biết, hát Xoan có từ thời Vua Hùng. Làng chị hiện đang còn miếu cấm, nơi ngày xưa rước vua về để hát Xoan cho vua nghe.

Một ngày lâu rồi, giáp Tết, tôi về Phú Thọ, được các đàn anh làng văn Nguyễn Hữu Nhàn, Kim Dũng, Lê Kim Hạt, các bạn Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Tham Thiện Kế... đưa đi thăm làng Xoan cổ An Thái. Về rồi cập rập đủ thứ, tôi đã lẳng lặng phá lệ, sự phá lệ lười nhác và đáng trách: không viết được gì về chuyến đi ấy trong khi thông lệ lâu nay, đã ghé đâu là về cố gắng có 1 cái ghi chép vui... Hôm kia, bác nhà thơ Nguyễn Đăng Sâm ở Hạ Long, Quảng Ninh tự nhiên điện hỏi: Ơ sao đi về lâu rồi chưa thấy viết gì? Ông Nguyễn Đăng Sâm này hôm ấy nổi hứng lên Phúc Yên chơi, nghe tôi đang lang thang làng cổ, thế là bắt xe chạy lên nhập bọn...

Đình làng An Thái
Đình làng An Thái

Chả hiểu sao, tự hồi nào, Phú Thọ trong tôi luôn là một nỗi cháy bỏng được về, được thăm, được lang thang như một đứa con trở về làng cũ. Trước năm 1975, tôi ở ngoài Bắc, dù còn bé nhưng cũng đã được đi nhiều tỉnh, tuy nhiên, Phú Thọ thì chỉ biết qua mỗi bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hà đã bị ai đó hát chệch đi: “Bố mi chết trên cầu Việt Trì/ đêm ba mươi đánh điện về nhà/ ò í e con bò kéo xe”... Và cho mãi đến năm 1994, được đi dự hội nghị những người viết văn trẻ, tôi mới lần đầu tiên đặt chân lên Phú Thọ, leo đền Hùng, viếng Tổ. Nhưng vẫn chưa biết Xoan là gì, đến tận lần này, tôi được cưỡi... xe thăm đình.

Té ra Xoan chính là Xuân, nhưng phải gọi chệch đi cho khỏi húy. Nó như Thanh Hoa thành Thanh Hóa, Hồng thành Hường, mạng thành mệnh, cảnh thành kiểng, đảm thành đởm, hoàng thành huỳnh, hoa thành bông, nghĩa thành ngãi, nhân thành nhơn...

Chị Nguyễn Thị Lịch - trùm nữ duy nhất của các làng Xoan Phú Thọ hiện tại tiếp chúng tôi tại đình làng An Thái. Nhà chị có đến 5 đời hát Xoan, ông cụ nhà chị nguyên là cán bộ công an Vĩnh Phú nhưng là người rất mê Xoan. Cứ ngày nghỉ là ông lại về và tập cho mọi người hát Xoan. Và chính ông là người truyền nghề lại cho chị. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn - người viết về nông thôn và phong tục Việt rất giỏi hiện nay cho biết, giờ chị là nghệ nhân dân gian quốc gia. Chị học hát Xoan từ năm 13 tuổi, ông nội rồi bố là trùm phường nên đi đâu cũng lôi cháu, con gái đi. Và giờ chị thành trùm phường tiếp. Điều quan trọng khiến tôi kính nể chị là thực ra thì Xoan đến giờ mới bắt đầu được nhắc tới, chứ trước đấy, nó chỉ rất âm thầm đến mức có người ở ngay trong vùng nhưng cũng không biết Xoan là gì, thế mà chị và gia đình đã lặng lẽ nhẫn nại gìn giữ như báu vật, như một tình yêu không tính toán, cứ tự nhiên nhi nhiên chảy trong huyết quản.

Một buổi tập hát của làng Xoan Phú Thọ
Một buổi tập hát của làng Xoan Phú Thọ

Chị Lịch cho biết, hát Xoan có từ thời Vua Hùng. Làng chị hiện đang còn miếu cấm, nơi ngày xưa rước vua về để hát Xoan cho vua nghe. Sau cũng cứ thế. Đồn rằng Vua đi đánh giặc trở về, qua làng An Thái thì hoàng hậu đau bụng đẻ (còn chuyện vì sao đi đánh giặc mà vua mang theo... vợ thì phải tìm... ngài mà hỏi thôi, thế nên mới “đồn rằng”). Đẻ mãi không ra, như bây giờ gọi là ca đẻ khó, có khi phải can thiệp dao kéo hoặc ít nhất cũng “ốc xin tô xin”, nhưng thời ấy, dân làng có cách đỡ đẻ tuyệt vời là đã đến hát những làn điệu của làng cho hoàng hậu nghe để dễ đẻ và quả là bà đã mẹ tròn con vuông. Người trực tiếp hát là bà Quế Hoa. Vợ vua tên là Xuân nên điệu hát ấy được mang tên hoàng hậu. Tên làng An Thái chính là từ “an thai” mà thành, do vua đặt. Và bà Quế Hoa trở thành cụ tổ của hát Xoan ngày nay, tức là Xuân, phải gọi trại tránh húy.

Cái quý nhất là hát Xoan truyền từ đời này sang đời khác, nếu đúng như truyền thuyết thì đã hàng nghìn năm hơn, nhưng mọi người trong làng hoàn toàn tự nguyện, thậm chí âm thầm, lưu giữ và truyền nhau, chứ không ai có chế độ lương tiền bổng lộc hoặc có chỉ dụ gì. Nó khác với Quan họ hay các dân ca cổ khác được Nhà nước khuyến khích lưu truyền, được tổ chức hàng năm như những lễ hội. Bản thân nó cũng có sức hút, còn hát Xoan rất ít người biết cho đến ngày nó trở thành Di sản thế giới...

Hát Xoan đã qua rất nhiều thời kỳ, từ tối cổ đến phong kiến, đến cả hiện đại ngày nay. Hát Xoan là loại tâm truyền chứ không có bài bản gì...

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn - một trong những nhà văn am hiểu về nông thôn, nông dân Việt Nam nhất hiện nay, đặc biệt là vùng Phú Thọ đất tổ quê ông, chả hiểu sao lại quý tôi đến thế, luôn giúp tôi hiểu về vùng đất mà tôi thường trực háo hức này. Lần đi này cũng thế, ông là một trong những người bày ra, rồi tổ chức cho tôi vào tận nơi phát tích của hát Xoan, mà rồi vẫn chưa thấy đã, ông hẹn tôi lúc nào đấy, có nhiều thời gian thì lên, ông sẽ dẫn tôi đi, còn nhiều nơi cổ và lạ lắm. Ông thổ công mà còn thấy lạ thì với tôi nó hứng thú đến thế nào? Nhưng rồi chưa biết lúc nào cái ý định ấy thực hiện được, bởi còn nhiều vùng đất tôi chưa đến nữa, nhiều nơi tôi cũng thèm nữa...

Nói thật là hồi đầu, mới đây thôi, khi Xoan trở thành di sản nhân loại, thấy trên tivi chiếu phim tài liệu hát Xoan, tôi xem rất hờ hững và bảo sao mà lại có thể bằng Nhã nhạc cung đình Huế, bằng Quan họ... được? Té ra không phải thế. Lên tận nơi, ngồi nghe các chị, các bà say sưa hát, thấy cũng “rất là gì” lắm. Nhưng cái giống nhạc nó thế, nghe quen là nó hay, bởi trình độ chung cỡ như tôi nó chỉ ngang bình dân học vụ, chưa qua  xóa nạn mù... đàn. Vậy nên muốn Xoan có nhiều người thích và không bị thất truyền thì phải tìm cách phổ biến nó. Được biết, tỉnh Phú Thọ có kế hoạch đưa Xoan phổ cập vào trường học. Ý định ấy là tốt và có lẽ cũng cần mở rộng hơn nữa, để mọi con dân trên đất nước Việt Nam này nghe Xoan và thích Xoan. Gì thì gì, nó là điệu hát tối cổ từng phục vụ vua Hùng, từng làm cho một hoàng hậu an thai để mà sinh hạ cho đất nước hoàng tử, công chúa, để mà có chúng ta hôm nay...  

Văn Công Hùng

 


Ý kiến của bạn